Kỳ thi tốt nghiệp THPT cận kề khiến nhiều học sinh và phụ huynh đổ xô đi mua các loại thuốc bổ mong… cải thiện trí nhớ.
“Thuốc nào cũng tốt”!
Tại hiệu thuốc K.T (đường Lê Văn Lương, P.Tân Quy, Q.7, TP.HCM) một ngày giữa tháng 5, hai nữ sinh trong đồng phục của trường THPT Lê Thánh Tôn hỏi nhân viên hiệu thuốc cho biết loại thuốc nào có thể giúp tinh thần thoải mái khi học bài, nhớ bài tốt. Một nhân viên chỉ tay về phía tủ thuốc và bắt đầu giới thiệu: “Đây là loại Arcalion giúp không bị suy nhược cơ thể, tập trung tốt và điều trị được tình trạng ức chế thể lực. Còn đây là thuốc Tanakan, rất tốt trong việc điều trị bệnh suy giảm trí nhớ, rối loạn tiền đình. Thuốc này là Nootropil, rất hợp cho những bạn nào sắp thi cử như các em…”. Tóm lại một câu, nữ dược sĩ này quả quyết: “Thuốc nào cũng tốt cả”.
Học thi căng thẳng khiến nhiều học sinh tìm mua thuốc bổ với mong muốn tăng cường trí nhớ – Ảnh: Đ.N.T
|
Chúng tôi tỏ ra băn khoăn liệu thuốc có đúng như lời giới thiệu: cải thiện trí nhớ, tập trung cao độ hơn hay không thì nhân viên này lại không trả lời. Dù vậy, cuối cùng 2 nữ sinh cũng quyết định mua. “Nhiều bạn trong lớp mách rằng cứ ra tiệm thuốc tây hỏi mua các loại thuốc về thần kinh, hỗ trợ trí nhớ là sẽ có. Khi uống vào sẽ học bài nhanh thuộc hơn, học tốt và minh mẫn hơn nên tụi mình mới ra đây”, một trong hai nữ sinh cho biết.
Khảo sát trên 20 hiệu thuốc tây ở nhiều quận trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi biết rằng những ngày này, nhiều học sinh lớp 12 đặc biệt quan tâm đến các loại thuốc tăng trí nhớ. Hơn phân nửa hiệu thuốc mà chúng tôi tiếp cận, các nhân viên cho biết từng ít nhất một lần tiếp học sinh hỏi mua thuốc bổ giúp tăng cường trí nhớ trong mùa thi. Nhân viên nhà thuốc Phương Hoa, gần trường THPT Nguyễn Khuyến (đường Thành Thái, Q.10) cho biết: “Các học sinh đến đây thường có chung một câu hỏi là có thuốc nào bổ não, tăng cường trí nhớ, làm trí óc tỉnh táo, có thể giúp giảm suy nhược cơ thể… vì chúng em sắp phải thi tốt nghiệp rồi”.
Phụ huynh cũng sốt sắng
Gặp chúng tôi ở một hiệu thuốc tây, chị Tâm, phụ huynh học sinh phân trần: “Mấy ngày nay con bé nhà tôi cứ lo lắng, mệt mỏi đến chẳng thiết gì ăn uống. Tôi biết cháu nó bị áp lực vì mấy ngày nữa là thi tốt nghiệp nên lo quá. Mấy chị cùng cơ quan bảo nên đi mua thuốc bổ, thuốc tăng cường trí nhớ cho cháu nên tôi ra đây hỏi mua”. Vừa nói, chị vừa lôi từ trong giỏ xách ra hàng loạt thuốc như Galantamine, Aricept…
Còn chị Như, nhà ở đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh) thì kể: “Thấy trên ti vi, nhiều loại thuốc dưỡng não, thuốc an thần, bổ trợ thần kinh tốt lắm, trong nhà lại có cháu đang sắp thi nên mua về cho cháu”. Chị cũng cho biết thêm: “Lúc mới mua về, cháu không chịu uống vì bảo có bệnh gì đâu mà phải uống, nhưng vì đều là thuốc bổ nên mình cứ khuyên, cháu nó cũng nghe và uống hơn mấy ngày nay”.
Ăn đậu… thi đậu
Bác sĩ Đào Thị Phi Yến tư vấn: Học sinh lớp 12 có 2 kỳ thi quan trọng là tốt nghiệp THPT và đại học nên cần phải phân bố sức khỏe hợp lý. Muốn vậy cơ thể phải thường xuyên nhận đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng theo nhu cầu của cơ thể.
Để tỉnh táo, tránh buồn ngủ, học sinh cần có chế độ ăn giàu đạm (thịt, cá, trứng, đậu nành, sữa), ít tinh bột (nên chọn ngũ cốc thô), ăn rau và trái cây. Cần ăn 3 bữa chính trong ngày và các bữa ăn phụ (bánh, cháo đậu, nước trái cây, trái cây…). Chất đạm sẽ giúp cung cấp acid amin để tái tạo tế bào, tạo chất dẫn truyền thần kinh giúp tăng cường hoạt động trí não. Nếu chỉ ăn tinh bột mà thiếu đạm sẽ dễ buồn ngủ, trí óc kém linh hoạt và cũng mau đói. Chất xơ có trong rau sẽ giúp làm chậm sự hấp thu đường vào máu. Vitamin và chất khoáng từ trái cây giúp tạo cảm giác khỏe khoắn. Tránh ăn quá no sẽ dễ buồn ngủ. Bên cạnh đó, nước là chất không thể thiếu, một ngày cơ thể cần 1,5 – 2 lít nước. Ông bà mình nói “ăn đậu thi đậu” vì đậu cung cấp các chất vitamin nhóm B, rất cần thiết cho cơ thể. Khi nấu đậu thì không bỏ vỏ để giữ được hết các chất bổ. Đặc biệt cần lưu ý, đến giờ ăn cần toàn tâm toàn ý cho việc ăn. Nếu ăn trong tình trạng đầu óc vẫn còn căng vì việc học thi thì không thể nào tiêu hóa và hấp thu tốt các chất dinh dưỡng. Khánh An (ghi)
Thực đơn giúp tăng cường trí nhớ
Theo hướng dẫn của lương y Vũ Quốc Trung (Hội viên Hội Đông y VN)
1. Canh trứng chim cút nấu nấm hương + Nguyên liệu gồm: 10g nấm hương khô (nếu tươi thì 50g), 3-5 quả trứng chim cút. + Chế biến: Bắc nồi nước (độ 300 ml) nấu sôi thì cho nấm hương vào, sau đó đập trứng chim cút cho vào, nêm nếm gia vị vừa dùng. Dùng canh không, hoặc có thể dùng cùng với cơm. Ngày 1 lần như thế. 2. Cháo hà thủ ô + Nguyên liệu: 100g hà thủ ô, 50g gạo, mật ong (hay một ít đường phèn). + Chế biến: Đem hà thủ ô nấu với 3 chén nước cho sôi, chắt lấy nước. Cho gạo vào nồi nấu cháo, và cho nước hà thủ ô vào, cho thêm mật ong (hoặc đường phèn, đường kính) đủ ngọt vừa. Dùng khi cháo còn nóng ấm, dùng bữa sáng hoặc bữa tối. 3. Nước ép dâu Dùng 100g dâu tây tươi đem xay nhuyễn, đánh tan với 200g sữa chua và 200 ml sữa béo. Thêm một ít đường kính (nếu thích). 4. Chuối và chocolate Dùng một ít chuối chín cắt lát, 2 muỗng kem chocolate và 300 ml sữa béo cho vào máy xay sinh tố, xay cho đến khi tan nhuyễn và nổi bọt. Đổ ra ly và rắc lên trên một ít chocolate. Khánh Vy (ghi)
Phải có hướng dẫn của nhà chuyên môn
Dược sĩ Ngô Thiên Tùng: Thuốc Arcalion thường dùng trong điều trị một số chứng suy nhược chức năng, tâm lý, mệt mỏi, suy nhược lúc học tập, làm việc nhiều, những trường hợp mất tập trung… Nhưng, lưu ý, không dùng cho trẻ dưới 15 tuổi. Tanakan là dạng thuốc được chỉ định cho các trường hợp suy giảm trí nhớ, làm tăng tuần hoàn não. Tuy nhiên, ở Mỹ đã thông báo rõ, công dụng giúp tăng cường trí nhớ của loại thuốc này chỉ rất nhỏ.
Riêng Nootropyl là thuốc tăng tuần hoàn não, thường được chỉ định cho những trường hợp sau khi bị chấn thương sọ não; giúp giảm tình trạng chóng mặt…, không được dùng cho người suy thận; thuốc có những tác dụng phụ như: gây kích động, cáu gắt, mất ngủ, tiêu chảy. Galantamine (biệt dược thường gặp là Tanganyl) là loại thuốc thường dùng trong các trường hợp chóng mặt do bệnh lý như rối loạn tiền đình, do tăng huyết áp; một số trường hợp dùng trong sa sút trí tuệ do căn nguyên mạch máu… Aricept là loại thuốc chỉ dùng chính cho các trường hợp bị suy giảm trí nhớ do bệnh liệt rung gây ra, học sinh không được lạm dụng vì thuốc có nhiều tác dụng phụ.
Dược sĩ Trương Tất Thọ: Thuốc Amphetamine có đặc tính kích thích hệ thần kinh trung ương, là chất doping trong thi đấu thể thao, lạm dụng thuốc quá liều sẽ gây ngộ độc, gây ảo giác, viêm não có thể dẫn tới tử vong. Đây là thuốc kê đơn dùng theo chỉ định của bác sĩ để kích thích não trong tình trạng trí óc giảm tập trung. Học sinh ôn thi tự ý dùng thuốc sẽ dễ bị các tác dụng phụ như: căng thẳng, khó ngủ, chóng mặt, đau đầu, sợ hãi, lo âu, huyết áp và nhịp tim tăng lên, hồi hộp, đánh trống ngực, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong. PGS-TS Nguyễn Hữu Đức – ĐH Y Dược TP.HCM: Trước đây, Cervotonic được cho là "bổ óc", gần đây là Glutaminol, Glutaminol-B6, Pho-L… cũng được gán ghép cho là như thế. Nhưng chưa có một thí nghiệm khoa học nào chứng minh có loại thuốc tạo ra sự thông minh, tạo ra được trí nhớ vượt bậc đối với người bình thường. Một số loại thuốc như: Citicholin, Piracetam, Glyceryl, phosphorylcholin, Ginkgo biloba (tức hoạt chất lấy từ cây bạch quả) Tacrin, Galantamin… được gọi là thuốc tăng cường hoạt động trí não. Nhưng thực ra chỉ để điều trị chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi hoặc ở người bị chấn thương sọ não chứ không có tác dụng tăng cường trí nhớ cho người học thi. Đối với các bạn trẻ, không nên dùng bất cứ loại thuốc bổ nào. Riêng các bậc phụ huynh nếu thấy biểu hiện sa sút học tập của con em mình một cách đáng ngại nên đưa cháu đến bác sĩ để khám cho hướng điều trị thích hợp. Thanh Tùng – Khánh An(ghi)
|
Nguyễn Thanh Nam / Thanh Niên
Bình luận (0)