Sau khi khám và kê toa, cũng có khi bác sĩ quên dặn bạn vài lưu ý nhỏ xung quanh những viên thuốc bạn sẽ dùng. Có thể đó chỉ là những tiểu tiết song bỏ qua chúng lắm lúc lại rất đáng tiếc.
Lắc trước khi dùng
Lắc trước khi dùng để phân tán đều hoạt chất chính lắng đọng dưới đáy chai. Có thể nhận ra chỉ dẫn này dành cho loại thuốc nước (xirô, nhũ dịch, hỗn dịch…). Đơn giản nhưng lợi ích không đếm xuể, bởi không thực hiện động tác khuấy đảo này, khi chiết rót thuốc người bệnh có khả năng chỉ nhận được phần váng (dung môi, chất bảo quản) vô thưởng vô phạt, trong khi “nguyên khí” của chai thuốc chìm lắng bên dưới.
Uống thuốc cần uống nhiều nước và không nên uống một lần cả bụm – Ảnh: N.C.T
Lưu ý là nhiều người cũng tuân thủ lắc trước khi dùng, nhưng không phải lắc chai thuốc trước khi rót mà là lắc… ly đựng thuốc sau khi rót thuốc ra.
Bẻ đôi viên thuốc = hai viên thuốc?
Bẻ đôi viên thuốc 500mg, bạn có hai viên 250mg? Với y học thì phép chia vỡ lòng này có thể sai, thậm chí “chống chỉ định” trong một số trường hợp. Có vài lý do khiến các bác sĩ ngăn người bệnh chia năm xẻ bảy hoặc nghiền nát toa thuốc của họ, trước vì sợ thiếu chính xác, sau chống lại việc phá vỡ lớp áo ngoài (nếu có) vốn phải gánh vác nhiều sứ mạng như che mùi vị khó chịu, phóng thích thuốc chậm nhằm giảm tác động xấu lên niêm mạc dạ dày, câu giờ để viên thuốc xuống đến ruột (một số kháng sinh, kháng viêm, trị tiêu chảy, giun sán)… Chia, nghiền nhỏ với viên bao phim, trút bỏ hẳn “xiêm y” với viên con nhộng sẽ phá hỏng lớp “quân trang” bảo vệ, làm giảm hiệu quả, bất hoạt, thậm chí ngộ độc.
Tuy một số loại thuốc được phép chia, nghiền (viên nén trần, có khắc rãnh sẵn), nhưng nếu không cần thiết nên dùng nguyên trạng, đặc biệt khi có hướng dẫn “thuốc bao tan ở ruột” như Aspirin pH8 (giảm đau, kháng viêm)…, “thuốc tác dụng dài”, “phóng thích chậm” (viết tắt LP, LA, SR, CR, XL) như Adalate LA (cao huyết áp), Tergeton LP (động kinh), Glizipid LP (tiểu đường)…
Có kháng sinh cao sao ngán vi trùng!
Cầm nắm ly, muỗng thiếu vệ sinh, bạn có thể làm nhiểm bẩn chính viên thuốc mình dùng. Để tránh, nhiều người cẩn thận rửa tay, vệ sinh vật dụng, ngược lại lắm người lập luận “vi trùng gặp kháng sinh thì ngoẻo hết, việc gì phải lo”!
Song không chỉ gặp vi trùng gây bệnh mà còn cả siêu vi trùng (kháng sinh không hạ gục được), ký sinh trùng, nấm mốc… nếu tay hay vật dụng uống thuốc nhiễm bẩn. Và bạn hoàn toàn có thể bị “tào tháo rượt” hay rước thêm bệnh.
|
Suy bụng uống thuốc
Khái niệm trước, trong, sau bữa ăn rất hay bị lẫn lộn. Chẳng hạn với loại thuốc kỵ rơ lúc dạ dày công cán được khuyến cáo “dùng trước bữa ăn”, khi đến tai người dùng có thể được hiểu theo hai nghĩa đụng đầu nhau côm cốp: “tránh xa bữa ăn” hoặc “ngay trước bữa ăn”. Cả khái niệm bữa ăn cũng có thể lâm cảnh bất phân, như có người không cho điểm tâm là bữa ăn chính. Những hiểu lầm trên có thể tránh được nếu người dùng hiểu rõ cơ chế hoặc thực tế hơn là tùy bụng uống thuốc, đơn cử bảo “uống lúc bụng đói hoặc bụng no” rõ hơn là “uống trước hoặc sau bữa ăn”.
Thông thường theo quy định một giờ trước và hai giờ sau bữa ăn gọi là bụng đói hay trống. Một số kháng sinh (Tétracyclin, Pénicillin…) thường được khuyên dùng lúc bụng đói. Các loại kháng viêm, giảm đau, hạ sốt như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen… nên uống lúc bụng no. Đây cũng trả lời cho câu hỏi phổ biến là uống thuốc tây lúc đói có cào ruột, đau bao tử không. Tình cảnh tương tự cũng hay xảy ra với loại thuốc “duyên nợ” với giấc ngủ (chống dị ứng, thuốc ho).
Uống nhiều nước
Một số thuốc uống (Quinin, Erythromycin, Doxycyclin, sắt, Aspirin…) có khả năng gây kích ứng, viêm loét thực quản nếu nhẩn nha quá lâu trước khi xuống dạ dày. Do vậy, rất cần thu ngắn thời gian “quá cảnh” qua thực quản bằng cách uống thuốc với nhiều nước.
Thuốc không có hạn sử dụng?
Sau khi nhận toa thuốc từ bác sĩ, bạn nhận ra vài cái tên quen quen nên lục lại tủ thuốc gia đình, thấy còn lưu vài viên thuốc cùng tên, dùng chưa hết ở lần điều trị trước nên quyết định sử dụng để tiết kiệm. Cho rằng thuốc men không hạn sử dụng có thể là sai lầm nghiêm trọng, dù chưa hết hạn nhưng sau thời gian lăn lóc dãi dầu, không chắc chúng còn nguyên hình nguyên trạng, tệ hơn đã biến thành độc dược (nhất là khi bao bì đã xé).
Một bụm hay từng viên?
Khá tiện lợi nếu uống thuốc cả bụm một lần, đặc biệt với trẻ con và người sợ uống thuốc. Thông thường các bác sĩ khuyên nên hạn chế uống thuốc “cả gói”, trước để tránh “bằng mặt không bằng lòng” nếu có giữa các viên thuốc, sau để đề phòng nghẹn do kiểu dáng mỗi viên mỗi khác, chen lấn nhau trong thực quản có khả năng gây nghẽn cục bộ, nguy hiểm cho trẻ con và người già.
Dùng ngay khi xé bao bì
Thuốc đã xé bao bì, mở nắp, tốt nhất nên dùng ngay vì việc tiếp xúc với không khí có thể làm giảm chất lượng hoặc hỏng thuốc. Thực tế nhiều người có cách dùng thuốc kiểu để dành, đánh nguội như phụ huynh phân sẵn thuốc thành từng liều gửi cô bảo mẫu cho trẻ uống hay để ở nhà cho người già tự uống. Vì hoàn cảnh phải ngả theo, chẳng đặng đừng mới vậy, nên bạn gắng bao gói kỹ liều thuốc.
Trên đây chỉ là những dặn dò dễ bị thầy thuốc lẫn bệnh nhân cho qua. Hiển nhiên bạn có thể tìm thấy mọi chi tiết trên tờ hướng dẫn dược phẩm, nhưng thực tế khó có chúng trong tay, trừ khi bạn mua cả hộp hay lọ thuốc. Hay nhất là bác sĩ điều trị phải đảm trách hoặc bạn chủ động hỏi về những chỉ dẫn “dưới luật” này.
Nếu bác sĩ không có thời gian trả lời, bạn nên tự thân vận động bằng cách lên mạng truy cập (đối chiếu chính xác tên, liều thuốc, chọn trang web uy tín của bệnh viện hay hãng dược) hoặc có sẵn một cuốn dược điển trong nhà cũng là một ý hay.
Lưu ý những tham khảo này chỉ giúp bạn sáng tỏ thêm về những “chú thích” kèm theo quanh việc dùng thuốc, hoàn toàn không nên lấy đó làm căn cứ để tự đổi thuốc, đổi liều hay từ chối chỉ định của bác sĩ.
BS Đỗ Minh Tuấn
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)