Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Up in the air – “chơi vơi” kiểu Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Up in the air (tạm dịch Chơi vơi) ra đời trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ, khiến người xem dễ tìm thấy bóng dáng họ trong ấy.

Jason Reitman, năm nay mới 32 tuổi và đây là bộ phim thứ ba của anh, đã chứng tỏ anh là một đạo diễn trẻ tài năng thật sự với thể loại phim hài châm biếm xã hội.

George Clooney (vai Ryan Bingham) và Vera Farmiga (vai Alex) trong phim Up in the air – Ảnh: bigscreen.com

Cuộc đời nhẹ tênh

Ryan Bingham, bên cạnh công việc chính của mình mà ta sẽ nhắc đến sau, kiếm sống bằng nghề thuyết trình về triết lý sống của mình. Triết lý sống giúp anh tồn tại và thành công. Triết lý sống biệt lập. Sống ngăn nắp, chỉn chu, mọi thứ đều vào những khuôn khổ một cách chính xác, không ràng buộc với bất kỳ mối quan hệ xã hội nào. Bởi như anh nói: “Nói không ngoa, những mối quan hệ của bạn chính là những thứ nặng nề nhất trong đời bạn”.

Không gia đình – chị và em gái của Ryan từ lâu không còn xem anh như một thành viên trong gia đình. Không tình yêu – anh có một bạn tình, Alex Goran, người phụ nữ “hoàn hảo” với Ryan. Họ gặp nhau trong những chuyến công tác, ngồi ăn uống trong những quầy bar, nhà hàng sang trọng như một đôi tình nhân hạnh phúc, rồi về phòng khách sạn quan hệ tình dục nồng thắm và sáng hôm sau ai nấy lên đường để lao vào công việc của mình, không vương vấn, không quyến luyến.

6 đề cử Quả cầu vàng

Dẫn đầu giải Quả cầu vàng với sáu đề cử (trong đó có giải phim hay nhất, đạo diễn và kịch bản xuất sắc nhất), được các hiệp hội phê bình phim Hoa Kỳ đánh giá là một trong những phim hay nhất của năm, Up in the air hứa hẹn tiếp tục thành công tại giải Oscar. Up in the air theo nghĩa đen là bay trên bầu trời, tức nói về cuộc đời bay từ nơi này sang nơi khác của Ryan Bingham. Còn theo nghĩa bóng là sự chới với, vô định không biết tương lai ra sao, vừa là cảm giác của những người lâm vào cảnh thất nghiệp, cũng là cảm giác Ryan đối mặt khi anh không còn giữ được triết lý sống của mình.

Không đồng nghiệp – Ryan không cần đến văn phòng của công ty và làm việc hoàn toàn độc lập. Thực tế công việc của anh là đến văn phòng của những nơi thuê công ty của anh, ngồi trong một căn phòng nhỏ cách ly, đối mặt với những nhân viên “xấu số”. Anh không gọi họ là “những người xấu số” hay “kém may mắn”.

Anh nói với họ đây là một cơ hội may mắn để đổi đời. Ryan Bingham được thuê để đuổi việc những nhân viên lâu năm và trung thành của các công ty cần cắt giảm nhân sự trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, bởi các ông chủ không có gan để tự họ làm điều đó.

“Để hiểu tôi, hãy bay cùng tôi. Đây là nơi tôi sống” là lời tự sự mở đầu của bộ phim. Ryan bay khắp nước Mỹ, từ thành phố này đến thành phố khác để làm công việc của mình. Nhờ vào những nguyên tắc sống riêng (đừng đi sau người già, họ di chuyển chậm và không hề biết quý thời gian mà họ còn để sống. Hãy đi sau người châu Á, họ di chuyển nhanh, gọn và hiệu quả), Ryan Bingham vượt lên trên, di chuyển nhanh hơn, được ưu tiên hơn…

“Chúng ta di chuyển càng chậm bao nhiêu thì chúng ta càng mau chết bấy nhiêu. Nói không ngoa, chuyển động là sống còn”.

Anh thoải mái khi ở trên máy bay, nơi anh được ngồi khoang hạng nhất và các cô tiếp viên nhớ mặt, nhớ tên anh – hành khách thân quen. Anh không thấy cô đơn, anh xem đó là tự do. Đừng nói với Ryan đó là cuộc đời rỗng tuếch, vì anh gọi đó là cuộc đời nhẹ tênh. Đừng tranh luận với anh về chuyện sống trong đời cần có những quan hệ tình cảm thân thuộc, bởi anh với kiểu đối đáp tưng tửng nhưng sắc bén có thể làm bạn tức đến khóc. Ít ra, cô bé Natalie đồng nghiệp của Ryan đã bật khóc.

Và gánh nặng lớn nhất

Mọi chuyện đảo lộn khi anh có một đồng nghiệp, Natalie Keener, cô bé vừa tốt nghiệp đại học hạng ưu về công ty của anh (chỉ để được ở gần bạn trai) và đề ra một chính sách cải tiến cho công ty: để tiết kiệm chi phí đi lại, từ nay họ sẽ đuổi việc nhân viên qua… webcam! Ryan hiểu rằng nếu điều đó được thông qua, đời anh sẽ “vô gia cư”, không còn những chuyến bay đi về. Anh phải chứng minh rằng đuổi việc là một nghệ thuật đòi hỏi có sự giao tiếp trực tiếp giữa người và người. Trên hành trình rong ruổi quanh nước Mỹ, Ryan dạy cho Natalie những bài học kinh nghiệm giá trị về quan hệ giữa người và người, để rồi chính anh cũng học được những bài học về cuộc sống và tình cảm giữa người và người mà có lẽ anh chưa từng trải nghiệm.

Đạo diễn Jason Reitman có cách đặt vấn đề khá thú vị trong cả ba bộ phim anh từng làm, đặc biệt là trong bộ phim đầu tay Thank you for smoking (Cảm ơn đã hút thuốc) và bộ phim mới nhất này. Jason lật lại những vấn đề đạo đức trong kinh doanh, nhìn nhận lại những hành vi ứng xử đi ngược lại đạo đức xã hội với một lối lập luận logic chặt chẽ. Trong Up in the air, nhân vật chính Ryan không xem công việc sa thải nhân viên của mình là một sự vi phạm đạo đức.

Mỉa mai thay, một người theo chủ nghĩa biệt lập, từ chối những mối quan hệ xã hội như Ryan Bingham lại quan tâm đến số phận của những người bị đuổi việc cho dù sự quan tâm ấy chỉ là vấn đề nghề nghiệp. Cũng như trong Thank you for smoking, Juno (bộ phim thứ hai của Jason đã thắng lớn tại mùa giải Oscar hai năm trước), lời thoại của Up in the air vừa hài hước, vừa châm biếm, vừa thông minh. Thế nhưng, không hề làm khán giả thấy cuộc đời thật tươi đẹp như cảm giác họ có với Juno, kết thúc của Up in the air khiến người ta chơi vơi.

George Clooney được sinh ra để đóng Ryan Bingham. Anh lịch lãm, tự tin, kiêu ngạo và khiến người ta ngưỡng mộ. Sự tự tin vào thuyết sống với vẻ phớt đời của Bingham được Clooney thể hiện sống động và chân thật. Anna Kendrick, khá mờ nhạt trong loạt phim Twilight với vai cô bạn của Bella, lại có những giây phút “lấn át” cả George Clooney khi vào vai Natalie hồn nhiên, ngây thơ.

Những cuộc đối đáp giữa họ khiến người xem phải bật cười nhưng đồng thời phải ngẫm nghĩ. Vera Farmiga vô cùng quyến rũ trong vai Alex, người phụ nữ biết làm chủ cuộc sống của mình. Sự tự tin của cô, những nụ cười hạnh phúc khi ở bên Ryan cũng như sự ăn ý giữa Farmiga và Clooney (cả về ngoại hình lẫn diễn xuất) càng khiến người xem giật mình khi đến cuối phim. Nó khiến cho Ryan Bingham, người đàn ông tưởng chừng rất vững vàng và kiên định, phải “chơi vơi”.

Cả người xem có lẽ cũng “chơi vơi” khi nghĩ đến cảm giác của Ryan sau những khoảnh khắc hạnh phúc mà anh tìm được khi về quê dự đám cưới người em gái và muốn thử phiêu lưu, từ bỏ mọi thứ để đặt vào hành trang cuộc đời mình một mối quan hệ tình cảm gắn bó. Hành trình mới trong đời của Ryan hẳn sẽ không nhẹ tênh và dễ dàng, bởi anh đã tự bỏ vào đó gánh nặng lớn nhất trong đời một con người.

PHAN XI NÊ (Theo TTO)

Bình luận (0)