Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

USD ế, tiền đồng lên ngôi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chỉ số dollars index đang xuống thấp nhất kể từ năm 2008 so với các ngoại tệ mạnh khác trên thế giới và lần đầu tiên ở Việt Nam trong vòng mười năm qua, đôla Mỹ xuống giá từng ngày so với tiền đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ngày 28-4-2011, giá mua đôla Mỹ tiền mặt và chuyển khoản của các ngân hàng đồng loạt ở mức sàn 20.486 đồng/USD (giá công bố của ngân hàng Nhà nước (NHNN) trừ hết biên độ 1% – NV), giá bán ra dao động trong khoảng 20.560 – 20.570 đồng/USD.
Thị trường ngoại hối đã quay ngoắt 180 độ so với hai tháng trước! Ngay cả các ngân hàng cũng không thể tưởng tượng nổi cung cầu ngoại tệ thay đổi nhanh đến vậy.
Hơn nữa, sự thay đổi này không giống với năm 2007 vì nó kéo dài đã một tuần và nhiều khả năng còn tiếp diễn. Người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng đã đành, những doanh nghiệp xuất khẩu cũng đăng ký bán. Một ngân hàng cho biết vai trò ngân hàng – nhà xuất khẩu thay đổi hẳn. Mới tháng trước nhà xuất khẩu là người ra giá bán ngoại tệ, nay vai trò đó thuộc về ngân hàng. Ngân hàng là người ra giá mua.
Tiền đồng lên ngôi
Theo một nguồn tin thân cận trong giới tài chính, NHNN đang mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhưng không mua ào ạt. Khối lượng mua, thời điểm mua trong ngày, giá mua được tính toán cẩn trọng. Lượng ngoại tệ mua vào phải cân đối với lượng tiền đồng đưa ra để không ảnh hưởng đến lượng nội tệ trong lưu thông, vẫn đảm bảo mục tiêu chống lạm phát. NHNN đang ở thế thượng phong và chủ động hoàn toàn trên thị trường ngoại hối.
Đã thấy rõ cung cầu tiền đồng và cung cầu ngoại tệ đang có mối quan hệ mật thiết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Để đảm bảo vừa mua được đôla Mỹ, vừa không đẩy cung tiền đồng dội chợ, NHNN có thể sẽ kéo dài thời gian mua. Như vậy đôla Mỹ có khả năng tiếp tục mất giá so với tiền đồng hoặc đứng ở mức thấp. Từ nay giá mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào tỷ giá công bố hàng ngày của cơ quan quản lý ngành ngân hàng. Còn giá bán ra cũng sẽ không thể có khoảng cách quá xa so với giá mua.
Một khi đầu vào ngoại tệ dồi dào, thì lợi nhuận nhiều ít không chỉ phụ thuộc vào khoảng cách giá mua – giá bán, mà còn phụ thuộc vào khối lượng tiêu thụ. Chênh lệch giá vào – ra thấp, nhưng tiêu thụ được nhiều, thì lợi nhuận vẫn có thể cao hơn.
NHNN, theo thông tin của chúng tôi, đang xem xét khả năng nâng trần lãi suất huy động tiền đồng từ 14% lên 16%/năm nhằm hút thêm tiền gửi của dân cư vào ngân hàng. Động thái này nếu được thực hiện có hai cái lợi: thứ nhất nó giúp cải thiện nhanh tình trạng thanh khoản của ngân hàng, đặc biệt ngân hàng nhỏ và nó không làm thay đổi mặt bằng lãi suất bởi thực tế không ít ngân hàng đã thoả thuận lãi suất tiền gửi với khách hàng 16 – 18%/năm dưới nhiều hình thức khác nhau.
Nâng trần lãi suất huy động chỉ là sự hợp thức hoá một thực tế đang tồn tại. Mặt khác, các ngân hàng cũng không thể tăng lãi suất cho vay cao hơn vì lãi suất đầu ra đang dao động quanh 19 – 24%/năm. Tăng nữa doanh nghiệp không chịu nổi, họ sẽ không vay. Đó là chưa kể đến sự dịch chuyển tiền gửi ngoại tệ sang tiền đồng của dân cư chưa kết thúc và còn kéo dài, nên về căn bản cung tiền đồng sẽ bớt căng thẳng. Những ngân hàng đón đầu, đi trước sẽ không dại gì tăng thêm lãi suất cho vay.
Thứ hai, nó củng cố sự kiên định và tính hợp lý trong điều hành tiền tệ của NHNN bắt đầu từ lần điều chỉnh tỷ giá ngày 11-2-2011. Mục tiêu ổn định và gia tăng sức mạnh cho đồng Việt Nam đang được ưu tiên. Những nghi ngờ xung quanh việc tiền đồng có thể yếu trở lại vẫn còn và chắc chắn chưa thể bị xoá bỏ hết ngày một ngày hai. Hiện tại chỉ có sự nhất quán và kiên định mới dần loại bỏ được mối nghi ngờ đó.
Tín dụng ngoại tệ sẽ giảm?
Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu tín dụng ngoại tệ có tăng mạnh khi tỷ giá đang có lợi cho người vay đôla Mỹ và lãi suất tiền đồng đang cao? Hãy cùng cân nhắc hai khả năng. Muốn cho vay ngoại tệ, theo quy định hiện hành, ngân hàng buộc cam kết có ngoại tệ bán lại cho bên vay vào thời điểm đáo hạn để trả nợ hoặc bên vay có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ. Vế thứ hai chỉ đúng với nhà xuất khẩu.
Ở vế thứ nhất, ngân hàng không được lợi gì khi trữ đôla Mỹ để bán lại cho bên vay sau này vì để trữ đôla phải có lượng tiền đồng tương ứng. Tiền đồng đang có giá, hà cớ gì lại trữ, khác nào chôn vốn, không sinh lời? Chưa kể sắp tới có thể trạng thái ngoại hối sẽ giảm xuống, lúc đó ngân hàng muốn giữ nhiều ngoại tệ cũng không được.
Bên cạnh đó vốn huy động ngoại tệ của ngân hàng sẽ giảm do dân cư chuyển sang gửi tiền đồng. Hiện tổng dư nợ ngoại tệ của một số ngân hàng còn cao hơn tổng huy động ngoại tệ, cho vay thêm có thể dẫn tới tình trạng mất cân đối huy động – cho vay đôla Mỹ, ẩn chứa rủi ro. Xét ở khía cạnh đó, tín dụng ngoại tệ sẽ giảm chứ không tăng.
Khi điều chỉnh tỷ giá tăng 9,3% vào đầu tháng 2 năm nay, một quan chức lĩnh vực tài chính – ngân hàng giấu tên nói rằng mục tiêu năm nay là đưa tỷ giá ổn định ở mức 20.500 đồng/USD. Vào thời điểm đó, nhiều người không tin. Còn bây giờ, xem ra mục tiêu đó là có thể…
Theo Sài Gòn tiếp thị

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)