LTS: Sau khi Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ GTVT công bố, hàng loạt dự án đầu tư đường sắt mới rục rịch triển khai. Những dự án này được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho ngành đường sắt Việt Nam nói riêng, ngành vận tải nói chung.
Xe lửa qua khu dân cư trên địa bàn TP Thủ Đức, TPHCM.
Theo quy hoạch được công bố, đến năm 2030, ngành đường sắt sẽ có 9 tuyến đường mới, với tổng chiều dài 2.362km.
Tất bật triển khai
Trong 9 tuyến đường sắt đã quy hoạch, dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đang được Chính phủ, các bộ, ngành và người dân quan tâm nhất. Khởi động từ năm 2005 và sau nhiều lần cân nhắc, mới đây, dự án được Bộ GTVT dự kiến trình Bộ Chính trị xem xét về chủ trương đầu tư vào tháng 9-2022. Theo đại diện Bộ GTVT, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được rà soát, cập nhật bổ sung hoàn thiện theo góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học. Đơn vị soạn thảo cũng đã lấy ý kiến của 20 địa phương có dự án đi qua và các bộ, ban, ngành liên quan. Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết, sau khi Bộ Chính trị cho phép đưa vào chương trình làm việc, Chính phủ sẽ xin chủ trương về dự án này. Sau đó, dự án sẽ được báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong nhiệm kỳ 2021-2026. Bộ GTVT sẽ lập báo cáo khả thi, duyệt thiết kế, giải phóng mặt bằng; đến năm 2028-2029 có thể khởi công một số gói thầu của 2 đoạn Hà Nội – Vinh, TPHCM – Nha Trang.
Tương tự, 2 dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và Thủ Thiêm – Long Thành cũng đã có những “bước đi” đầu tiên. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa yêu cầu Bộ GTVT thống nhất với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM và các cơ quan liên quan về phương án đầu tư 2 tuyến đường sắt này. Theo đó, tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu có mức đầu tư 50.822 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư (PPP); tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành có tổng mức đầu tư 40.566 tỷ đồng, cũng theo phương thức PPP. Hiện Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án đường sắt tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho 2 dự án này, dự kiến sẽ có kết quả trong quý 3-2022.
Với tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ, hiện Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương liên quan để thống nhất về hướng tuyến và phương án đầu tư. Đơn vị tư vấn đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để Bộ GTVT trình Chính phủ thông qua; sau đó trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2024. Đại diện các địa phương đều bày tỏ mong muốn đến năm 2025 hoặc năm 2026, dự án sẽ được khởi công.
Thay đổi diện mạo ngành đường sắt
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, các dự án đường sắt mới sẽ làm thay đổi toàn bộ diện mạo của ngành đường sắt Việt Nam. Được đầu tư hiện đại, đường ray khổ rộng và tốc độ cao, các dự án này sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển giao thông vận tải ở các vùng miền, thay đổi cơ cấu thành phần vận tải, từng bước kéo giảm chi phí logistics tại Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực phía Nam. Hiện các dự án đường sắt đang được Bộ GTVT và các cơ quan, địa phương liên quan triển khai thực hiện bám sát quy hoạch. Tuy nhiên, để hiện thực hóa quy hoạch này, còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Xe lửa qua khu dân cư trên địa bàn TP Thủ Đức, TPHCM.
Trước hết, việc triển khai các dự án đường sắt mới có thể sẽ gặp khó khăn về mặt bằng. Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết, hiện quy hoạch của các ngành, địa phương còn xung đột, chồng lấn, thiếu đồng bộ với quy hoạch đường sắt. Tình trạng giao đất, cấp phép xây dựng ngay trong hành lang đường sắt đã được quy hoạch vẫn còn diễn ra, dẫn đến chậm tiến độ, tăng chi phí giải phóng mặt bằng. Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ quy hoạch mạng lưới đường sắt trong việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất và quản lý quỹ đất.
Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai các dự án đường sắt mới là nguồn vốn đầu tư. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn cho các dự án đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng ngân sách nhà nước, ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư kết cấu trực tiếp chạy tàu; hạng mục nhà ga, bến bãi có thể huy động vốn xã hội. Trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố có liên quan phải chủ động huy động nguồn vốn hợp pháp để đầu tư các tuyến đường sắt kết nối đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, các cảng biển lớn, cảng cạn, cảng thủy nội địa, khu kinh tế, khu du lịch… với mạng lưới đường sắt quốc gia, cũng như tham gia hỗ trợ đầu tư các tuyến đường sắt quốc gia qua địa bàn.
Trên cơ sở này, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, có cơ chế khai thác quỹ đất, nhất là tại các ga đường sắt. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn để thực hiện các dự án đường sắt mới vẫn chưa được làm rõ. Hiện chưa có dự án đường sắt mới nào có phương án huy động vốn cụ thể, cũng như chưa có nhà đầu tư nào lộ diện.
Năng lực vận tải của ngành đường sắt
– Năm 2018: Mạng lưới đường sắt quốc gia Việt Nam có 7 tuyến chính với tổng chiều dài gần 3.160km, bao gồm 3 loại khổ ray, trong đó khổ đường 1.000mm chiếm 84%, khổ đường 1.435mm chiếm 6% và khổ đường lồng chiếm 9%. Thị phần vận tải của đường sắt (cả hàng hóa và hành khách) chiếm dưới 1%.
– Dự kiến đến năm 2030: Có thêm 9 tuyến mới hoàn toàn khổ đường 1.435mm. Khối lượng vận chuyển hàng hóa dự kiến đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40% (trong đó đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%).
|
HOÀI DƯƠNG (theo SGGP)
Bình luận (0)