Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa cho biết, hiện công an đang tiến hành điều tra đối tượng rao bán 30 triệu thông tin cá nhân được cho là từ Bộ GD-ĐT.
Trước đó, trên một diễn đàn tin tặc, hacker Meli0das đã rao bán một cơ sở dữ liệu chứa khoảng 30 triệu bản ghi và tương ứng với mỗi bản ghi là dữ liệu của một người Việt Nam. Thời gian qua, tình trạng thu thập trái phép, tấn công, lấy cắp, mua bán dữ liệu cá nhân để trục lợi đã khá phổ biến trên môi trường internet, mạng xã hội. Đây là vấn nạn luôn nhức nhối trên không gian mạng.
Tại Việt Nam đã có khung pháp lý ở mức độ cơ bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức phạt trong luật pháp Việt Nam còn khá nhẹ, trong khi hậu quả từ hành vi xâm phạm quyền riêng tư có thể rất nghiêm trọng, gây tổn hại tới danh dự, nhân phẩm, an toàn và cả tính mạng của không chỉ một mà có thể là nhiều nạn nhân. Vì vậy, cần phải xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ đối với dữ liệu cá nhân trong Bộ luật Hình sự.
Một số hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể xem xét hình sự hóa như: hành vi thu thập, sử dụng, khai thác, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân. Cùng với đó, cần tăng thêm hiệu quả của cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân thông qua khởi kiện dân sự.
Một vấn đề rất quan trọng hiện nay là đảm bảo an toàn cho Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hệ thống này đang được Bộ Công an tiến hành số hóa, cũng như xây dựng các phương án khai thác để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đây là tài nguyên của quốc gia, phải được bảo đảm và quản lý rất nghiêm ngặt. Bộ Công an thực hiện đúng điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn mức độ 4 quốc gia; thực hiện nghiêm việc thu thập dữ liệu, phân cấp, phân quyền từ trung ương đến địa phương; đồng thời giám sát kỹ thuật chuyên biệt 24/24 giờ để phòng chống tấn công, đánh cắp dữ liệu.
Từ năm 2019 đến năm 2020, Bộ Công an đã phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) một lần nữa cảnh báo và khuyến cáo người dân không đăng tải, chia sẻ hình ảnh Căn cước công dân (CCCD), Chứng minh nhân dân (CMND) và tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội – điều mà rất nhiều người dân thời gian qua vẫn “hồn nhiên” làm, xem như không hề có mối nguy nào. Đây được xem là một hành vi “tiếp tay” cho vấn nạn thu thập dữ liệu cá nhân trái phép; tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc…
Vì vậy, để chủ động bảo vệ mình, mỗi người dân phải hết sức cảnh giác; tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ hình ảnh về CCCD, CMND, tài khoản ngân hàng, hay những thông tin cá nhân khác lên mạng xã hội. Không cung cấp các thông tin trên cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên không gian mạng.
Dữ liệu cá nhân hiện được xem là nguồn tài liệu giá trị để phát triển nền kinh tế số quốc gia, xã hội số. Khi quá trình chuyển đổi số, thực hiện số hóa các nguồn dữ liệu ở Việt Nam đang được đẩy mạnh, nhằm xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số… vấn đề đảm bảo an toàn cho dữ liệu, thông tin cá nhân cần phải được xem là ưu tiên hàng đầu. Đó không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà còn là nhận thức và hành động của mỗi người dân, khi tham gia các hoạt động trên môi trường số.
TRẦN LƯU (theo SGGP)
Bình luận (0)