Hội nhậpThế giới 24h

Ưu tiên hàng đầu ngăn chặn gia tăng lạm phát, giá năng lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Theo IMF, các nền kinh tế trên thế giới cần dành ưu tiên hàng đầu cho việc ngăn chặn sự gia tăng của lạm phát, giá năng lượng và nguyên vật liệu.
IMF kêu gọi thế giới kiềm chế giá năng lượng tăng cao.
Vào thời điểm sắp kết thúc năm 2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là thể chế tài chính và tiền tệ đa phương đầu tiên trên thế giới đưa ra dự báo mới về tăng trưởng kinh tế thế giới, khu vực và các nền kinh tế cho năm 2022 và triển vọng cho năm 2023. Bức tranh chung được IMF phác họa thông qua các dữ liệu và đánh giá mang gam màu ảm đạm nhiều hơn là sáng sủa.
IMF dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2022 chỉ còn được 3,2% (năm 2021 là 6,0%) và dự báo cho năm 2023 là 2,7%. Như vậy, mức độ tăng trưởng này của kinh tế thế giới thấp nhất kể từ năm 2001 trở lại đây, không tính đến quãng thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính. 
Cho các nền kinh tế phát triển, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 2,4%, còn thấp hơn cả mức độ tăng trưởng chung cho kinh tế thế giới, (tăng trường kinh tế của các nền kinh tế này năm 2021 là 5,2%) và IMF dự báo trong năm 2023, các nền kinh tế phát triển chỉ đạt được mức độ tăng trưởng kinh tế 1,1%, tức là vẫn thấp hơn mức độ dự báo chung cho kinh tế thế giới. 
Dự báo của IMF cho các nền kinh tế đang trỗi dậy lại rất khác khi các con số liên quan cụ thể của IMF cho diện các nền kinh tế này về tăng trưởng kinh tế đều cao hơn so với các con số của IMF cho kinh tế thế giới nói chung: Tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 6,6%, dự báo cho năm 2022 là 3,7% và năm 2023 cũng là 3,7%. 
Trong đánh giá và dự báo của IMF, tình hình và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ, Khu vực Euro và khu vực Mỹ Latinh, Caribe bi quan, trong khi cho các khu vực khác lại có thể lạc quan. IMF dự báo  kinh tế Mỹ tăng trưởng năm 2022 là 1,6% trong khi năm 2021 đạt 5,7% và dự báo năm 2023 thậm chí chỉ còn 1%; Khu vực đồng Euro dự báo tăng trưởng kinh tế 3,1% (năm 2021 đạt 5,2%) và năm 2023 giảm tiếp xuống còn 0,5%; khu vực Mỹ Latinh và Caribe giảm từ 6,9% năm 2021 xuống 3,5% năm 2022 và còn 1,7% năm 2023.
Cho khu vực Trung Đông và Trung Á, dự báo của IMF là 5,0% năm 2022 (tăng từ mức 4,5% năm 2021) nhưng trong năm 2023 sẽ giảm xuống còn 3,6%. Trong dự báo mới nhất này của IMF, chỉ có khu vực Tiểu vùng Sahara của Châu Phi và các nền kinh tế trỗi dậy và đang phát triển ở Châu Á dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 khả quan hơn so với năm 2022 cho dù năm 2022 đều bị giảm so với năm 2021: Cho khu vực Tiểu vùng Sahara của Châu Phi năm 2022 là 3,6% (năm 2021 đạt 4,7%) và năm 2023 là 3,7%; cho chung các nền kinh tế trỗi dậy và đang phát triển ở Châu Á là 4,4% năm 2022 (năm 2021 đạt 7,2%) và năm 2023 là 4,9%. 
Nhìn vào dự báo này của IMF có thể thấy mức độ chênh lệch giữa các khu vực đều khá lớn và tình trạng tăng hoặc giảm đều không ổn định. Điều này báo hiệu những dự báo nói trên của IMF chắc rồi sẽ còn bị điều chỉnh hoặc thay đổi bởi tất cả các nhân tố tác động đều rất biến động. 
Những nhân tố tác động chính ấy là tỷ lệ lạm phát cao, giá năng lượng và nguyên vật liệu cao, chi phí sinh hoạt của người dân gia tăng, hầu hết các khu vực đều bắt đầu hoặc tiếp tục thắt chặt chính sách tài chính và tiền tệ, tác động tiêu cực của cuộc chiến ở Ukraina giữa Nga và Ukraina cũng như của dịch bệnh. 
IMF dự báo không khả quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2023 sắp tới vì cho rằng tác động tiêu cực của những nhân tố nói trên chưa thể được khắc phục cơ bản và ứng phó hiệu quả trong năm tới.
Theo IMF, các nền kinh tế trên thế giới cần dành ưu tiên hàng đầu cho việc ngăn chặn sự gia tăng của lạm phát, giá năng lượng và nguyên vật liệu cũng như chi phí sinh hoạt của người dân, đồng thời nhanh chóng giảm tỉ lệ lạm phát và các loại giá cả nói trên. 
IMF khuyến nghị các nền kinh tế cần thực thi chính sách tài khoá và tiền tệ linh hoạt thích hợp để có được hiệu ứng đồng thời là vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa chống lạm phát và giảm các loại giá cả nói trên.
IMF đặc biệt đề cao việc các nền kinh tế chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực cũng như tăng cường hợp tác quốc tế để cùng nhau ứng phó biến động mới.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)