Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ưu tiên khơi thông nguồn vốn cho nông dân

Tạp Chí Giáo Dục

Tại cuộc họp bình ổn giá lương thực, thực phẩm do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 18-7, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã nhận định, việc người nông dân khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất có nhiều nguyên nhân do các địa phương và ngành nông nghiệp chưa sát sao.

Ảnh: minh họa – Internet

Chưa thể đoán trước giá tăng hay giảm

Theo nhận định của Cục Trồng trọt, khoảng một tuần nay, giá rau đã có dấu hiệu tăng với mức độ ít hơn, rơi vào các chủng loại rau ăn lá như rau cải, rau sống… Tuy nhiên, phải đến khoảng tháng 10 giá rau mới có thể giảm nhẹ. "Nguyên nhân là thời điểm này, nguồn cung rau ra thị trường khan hiếm, nếu vận chuyển từ Nam ra Bắc, mức chênh lệch giá vẫn cao" – ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.
Về giá thịt lợn, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, những tháng từ nay đến cuối năm, giá thịt lợn sẽ thiết lập mặt bằng mới theo hướng giảm 10 – 15% và xu hướng giảm bắt đầu từ giữa tháng 7. Song, nhận định này không có nhiều cơ sở chắc chắn.
Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc công ty Cổ phần chăn nuôi Phú Sơn (Đồng Nai) lo ngại: Có thể tháng 8 sẽ thiết lập mặt bằng giá thịt lợn mới, song theo hướng tiếp tục tăng hay giảm rất khó nói và chưa có gì đảm bảo. Lý do là hiện giá con giống đang ở mức rất cao, khoảng 2 triệu đồng/con lợn giống, gà vịt cũng đã tăng từ 65 – 150%. Trong khi, giá thức ăn chăn nuôi không được bình ổn, phụ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài nên các chủ trang trại không dám mở rộng quy mô vào lúc này.
Trong khi đó, tình hình thu gom nông sản, trứng gà, trứng vịt… của các thương nhân nước ngoài, chủ yếu qua đường tiểu ngạch vẫn chưa được quản lý và kiểm soát.
Đẩy mạnh đầu tư vốn cho nông dân
Biện pháp quan trọng để bình ổn giá thực phẩm được Bộ NN&PTNT đưa ra là đẩy mạnh sản xuất, tăng thêm nguồn cung. Muốn làm được điều này, cần tăng cường hỗ trợ cho người sản xuất. Bà Trần Thị Miêng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối đề xuất: Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ như: Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước ưu tiên khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ trang trại, hộ chăn nuôi trong thời gian qua gặp rủi ro được tiếp tục vay vốn; hỗ trợ 50% lãi suất khi vay cho họ tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Vụ phó Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, các tổ chức tín dụng căn cứ vào mức độ thiệt hại và khả năng trả nợ của khách hàng để xem xét khoanh nợ không tính lãi suất tối đa 2 năm. Tuy nhiên, do nhiều địa phương công bố dịch bệnh không rõ ràng nên các tổ chức tín dụng chưa thể triển khai cho vay vốn.
Còn về các trang trại, theo tiêu chí trang trại mới, khoản vốn cho vay cao hơn tiêu chí cũ. Tuy nhiên, việc hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận trang trại nhiều nơi còn hạn chế. Do đó, để tạo điều kiện cho các chủ trang trại tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, Bộ NN&PTNT cần sớm hướng dẫn, triển khai về tiêu chí trang trại mới và thống kê đối tượng cho vay. Đồng thời, xác định rõ từng mô hình sản xuất, kết hợp mô hình nuôi trồng gắn với chế biến và có hợp đồng tiêu thụ. Trên cơ sở đó ngân hàng mới có thể cho vay với lãi suất phù hợp và giám sát hiệu quả vốn vay.
Đồng tình với ý kiến của bà Hạnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị các địa phương và đơn vị liên quan cần thông tin rõ ràng về thị trường, tình hình dịch bệnh, công khai chất lượng rau xanh… để người sản xuất, tiêu dùng nắm được. Đồng thời, Bộ sẽ sớm chỉ đạo hướng dẫn cụ thể về trang trại theo tiêu chí mới. Trong tuần này, Bộ NN&PTNT sẽ bàn bạc với các bộ, ngành khác để tìm biện pháp hỗ trợ cho người nông dân phát triển sản xuất.
Theo Thiên Tú
Kinh tế & Đô thị

 

 

Bình luận (0)