Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ưu tiên phát triển hệ thống trường lớp chuyên

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Năm học 2010-2011, phát huy những thuận lợi và khắc phục những khó khăn, GD-ĐT TP.HCM đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với những thành tích rất đáng tự hào. Trước thềm năm học mới Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.

PV: Thưa Giám đốc, kết thúc năm học 2010-2011 ngành GD-ĐT TP đã hoàn thành xuất sắc 14/14 chỉ tiêu thi đua của Bộ GD-ĐT. Bước vào năm học mới với cương vị là Giám đốc mới, ông có những định hướng cụ thể gì để giữ vững và phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được?
Ông Lê Hồng Sơn: Căn cứ vào tình hình thực tế, ngành GD-ĐT TP đề ra 5 chỉ tiêu cho năm học mới 2011-2012, đó là: Tiếp tục đổi mới toàn diện nhà trường, xây dựng trường học dân chủ, coi trọng giáo dục truyền thống, lý tưởng, đạo đức; Phát huy năng lực sáng tạo của học sinh, đào tạo ra những con người Việt Nam phù hợp với yêu cầu kinh tế, xã hội thời kỳ hội nhập. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; Xây thêm trên 2 trường THPT, từng cấp học ở từng địa phương, quận, huyện phải có ít nhất 1 đơn vị trường học đạt chuẩn của khu vực và quốc tế; Đảm bảo đủ chỗ học ở mọi cấp học, ngành học; Chấm dứt không còn một đơn vị trường học nào yếu kém về cơ sở vật chất và môi trường sư phạm.
Đặc biệt, trong đề án của TP để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, thì giáo dục phổ thông phải là nền tảng cơ bản nhất. Ở đó, phải đầu tư phát triển hệ thống trường chuyên, lớp chuyên, trường chất lượng cao. Tuy nhiên, để giáo dục phổ thông có những bước đột phá quan trọng trong những năm tới thì ngoài việc đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, con người… cho trường, lớp chuyên, ngành còn mở rộng ra ở tất cả các trường phổ thông khác. Việc đẩy mạnh hệ thống trường, lớp chuyên nhằm phát huy được hết năng khiếu, tính tích cực của học sinh trong việc tự học và sáng tạo. Ngoài ra ngành còn triển khai, thực hiện giai đoạn đầu của Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và các trường chuyên nghiệp.
Năm học mới đã đến nhưng hiện nay vẫn còn một số dự án xây dựng trường, lớp học bị chậm tiến độ thi công hoặc không khởi công được, ngành giáo dục giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa Giám đốc?
Sở GD-ĐT rất tích cực phối hợp, tham mưu với lãnh đạo TP để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án xây dựng trường, lớp mới. Đặc biệt, thời gian qua Tổ công tác liên ngành đã phối kết hợp chặt chẽ với từng quận, huyện để nắm bắt khó khăn của từng dự án, làm việc trực tiếp với lãnh đạo các sở Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Quy hoạch – Kiến trúc, Xây dựng… để liệt kê các công trình, dự án cấp thiết phải xây mới, sửa chữa. Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP, nhất là Thường trực UBND TP đã đi đến từng quận, huyện, từng trường học để chỉ đạo cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn cho một số công trình, phê duyệt ghi vốn tiếp tục đầu tư những công trình chậm tiến độ đã giúp cho các quận, huyện khắc phục và cơ bản đáp ứng tốt chỗ học cho con em nhân dân TP. Lãnh đạo TP đã chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc về vốn, giải phóng mặt bằng… để từ nay đến cuối năm 2011 và đầu năm 2012 tiếp tục khởi công xây dựng các công trình trường học đã hoàn tất hồ sơ dự án.
Thưa Giám đốc, bên cạnh việc xây dựng trường lớp thì vấn đề tuyển dụng giáo viên cũng không kém phần quan trọng. Được biết, hiện nay có bậc học thì dư giáo viên nhưng có bậc học lại không tuyển đủ. Vậy để giải bài toán này cho năm học 2011-2012 cũng như các năm tiếp theo, ngành GD-ĐT TP đã có chiến lược gì?
Trong đợt tuyển dụng giáo viên năm 2011 vừa qua, TP vẫn còn thiếu giáo viên mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, con số này không lớn do ngành đã có một cơ chế tuyển dụng “thông thoáng” được UBND TP phê duyệt. Sở đã chỉ đạo cho các quận, huyện chủ động liên kết đào tạo, phân công giáo viên hợp lý trên cơ sở tính toán cự ly từ nhà đến trường… nhằm khắc phục tình trạng giáo viên được tuyển dụng khi phân công về những trường vùng sâu, vùng xa thì không đến nhận nhiệm sở. Vì thế việc đào tạo giáo viên tại chỗ đã phần nào cơ bản giúp các quận, huyện của TP giải quyết được khó khăn này.
Bên cạnh đó phải nói đến nguyên nhân thiếu hụt giáo viên một phần là do hiện nay các trường sư phạm của TP ngày càng thu hẹp chỉ tiêu đào tạo sư phạm và mở rộng hệ đa ngành. Sở sẽ kiến nghị với UBND TP có chỉ đạo cụ thể những trường gốc là sư phạm phải đào tạo tăng chỉ tiêu trên cơ sở kế hoạch dự báo chỉ tiêu sư phạm trong 5 năm tới (2012-2017); ở đó sẽ đưa ra chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên cụ thể của từng quận, huyện, nhu cầu tuyển dụng giáo viên của các bậc học, môn học cho từng năm. Đồng thời, tiếp tục tham mưu TP bổ sung các chế độ, chính sách nhằm nâng cao đời sống giáo viên để họ yên tâm với nghề.
Năm học 2011-2012 TP tiếp tục không tăng học phí, trong khi vật giá luôn tăng chóng mặt. Giám đốc chỉ đạo vấn đề này thế nào để các trường đảm bảo được chất lượng dạy và học?
Các khoản thu như quản lý bán trú, vệ sinh bán trú rất cần có sự điều chỉnh hợp lý để phục vụ, chăm sóc tốt cho học sinh, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay, lãnh đạo các phòng GD-ĐT nên chủ động tham mưu trình UBND quận, huyện phê duyệt mức thu cụ thể, hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở trường học.
Đối với các khoản mang tính chất thu hộ – chi hộ cho học sinh như: tiền ăn, tiền vệ sinh… phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường tính toán thu đủ bù chi. Đảm bảo sử dụng đúng mục đích thu, thực hiện công khai kế hoạch thu – chi của từng khoản thu hộ – chi hộ đến phụ huynh học sinh trước khi thực hiện. Tuy mức học phí vẫn giữ nguyên như những năm trước, vật giá thì leo thang nhưng việc phân bổ ngân sách cho giáo dục luôn được TP ưu tiên hàng đầu. Việc tổ chức bán trú ở các trường, sở đã tham mưu cho UBND TP chỉ đạo các quận, huyện cho phép các trường thỏa thuận với phụ huynh để bảo đảm chất lượng bữa ăn cho các em học sinh.
Bước vào năm học mới với khí thế mới, Giám đốc có nhắn nhủ gì đến CB, GV, CNV và phụ huynh, học sinh toàn thành?
Mặc dù chế độ, chính sách hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của CB, GV, CNV, nhưng với tâm huyết và lòng yêu nghề có sẵn của các thầy cô giáo, lãnh đạo ngành mong muốn thầy cô giáo tiếp tục cống hiến, phát huy hết năng lực, đạo đức nghề nghiệp cùng sự sáng tạo của mình trong công việc để chăm chút đến từng học sinh, làm cho hiệu quả dạy học của đơn vị, của ngành tiếp tục được giữ vững và ngày càng phát triển hơn nữa. Rất mong các bậc cha mẹ học sinh tiếp tục gắn bó với nhà trường, thầy cô giáo, tạo mọi điều kiện từ cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập đến việc quản lý giáo dục con em của mình để hợp sức chăm lo cho các em học hành tiến bộ và rèn luyện đạo đức, nhân cách tốt.
Đối với các em học sinh, phải luôn luôn phấn đấu thực hiện nhiệm vụ duy nhất của mình là học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành… Xã hội, nhà trường, cha mẹ các em đang ra sức chăm lo, tạo mọi điều kiện để các em trở thành con ngoan trò giỏi, công dân tốt.
Xin cám ơn Giám đốc!
Lê Quang Huy (thực hiện)

“Trong nhiệm kỳ Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, bản thân tôi sẽ tích cực tham mưu cho lãnh đạo TP phát triển mạnh hệ thống trường, lớp chuyên; mô hình trường tiên tiến chất lượng cao; phát hiện bồi dưỡng đội ngũ học sinh năng khiếu, qua đó giúp các em phát huy được hết khả năng sáng tạo của mình trong học tập và rèn luyện, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho học sinh; Bồi dưỡng, nâng chất đội ngũ CB, GV, CNV ngành GD-ĐT để “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức về tự học và sáng tạo”, ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)