Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ưu tiên STEM cho các môn tự nhiên – khoa học

Tạp Chí Giáo Dục

Phương pháp dạy học tích cực, dạy học theo định hướng STEM là một xu hướng tiến bộ đang được phổ biến rộng rãi.  Theo Wikipedia, STEM (trước đây SMET) là thuật ngữ dùng để chỉ các ngành học về Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học). Thuật ngữ này thường được sử dụng khi giải quyết các chính sách giáo dục và lựa chọn chương trình giảng dạy trong các trường học để nâng cao khả năng cạnh tranh trong phát triển khoa học và công nghệ. Việc tổ chức liên môn toán – lý – hóa – sinh – kỹ thuật và cả mỹ thuật để tạo nên các câu lạc bộ khoa học, tổ chức chuyên đề để thuyết trình và cho ra sản phẩm là điều cần thiết nên làm, hay chí ít là phổ biến nhằm cải tiến phương pháp dạy tại nhà trường cho các bộ môn là việc đáng khích lệ. Tôi thấy từ khi các trường sử dụng phương pháp giáo dục theo định hướng STEM đã tạo ra sự gắn kết giữa các bộ môn hơn, nhưng cái được nhất là học sinh đã thực hành nhiều hơn, nối kết kiến thức lý thuyết từ các môn học rời rạc lại với nhau. Trường tôi vừa tổ chức chuyên đề của môn hóa học, sản phẩm là chiếc xe đua Baking Soda được làm từ vỏ chai nhựa, bánh xe đồ chơi… Nguyên liệu tạo nên phản ứng hóa học là giấm 5%, nước Soda sản sinh ra khí Carbonic đẩy xe đi.

Mặt lợi từ phương pháp STEM thì ai cũng thấy, cũng khuyến khích nhưng phía sau còn một vài băn khoăn từ các bộ môn khác. Vừa rồi, tôi có dịp nói chuyện với hai người bạn là giáo viên dạy môn mỹ thuật và âm nhạc thì được nghe than thở: nhà trường theo “phong trào” quá!… Bạn nói: “Bản chất phương pháp STEM là dành cho các môn khoa học, học sinh sử dụng kiến thức từ các môn toán, lý, hóa… qua các buổi học lý thuyết để vận dụng vào giờ thực hành, tạo nên một sản phẩm mà lâu nay các em chỉ thấy trên sách, báo, ti-vi thì nay chính các em tạo ra. Hơn thế, các em còn có cơ hội thi thố để biết sản phẩm của nhóm mình đã hoàn thiện chưa so với bạn nhóm khác,  đó là điều tốt…”. Bạn ngừng lấy hơi rồi nói tiếp: “Những bộ môn như mỹ thuật, âm nhạc thì không nhất thiết phải bắt buộc thực hiện tạo ra sản phẩm từ STEM. Mỗi tiết vẽ, mỗi giờ học mỹ thuật các em đã tự vẽ, tự thực hiện để có sản phẩm. Hay mỗi giờ âm nhạc, các em đã học các âm tiết, nốt thăng nốt trầm, các em dần cảm nhận được vẻ đẹp của bộ môn nghệ thuật. Hay như môn thể dục, là môn học để rèn luyện sức khỏe, củng cố ý chí nghị lực vượt chướng ngại vật – một môn học để phát huy nội lực thể chất cũng như thỏa mãn tinh thần đồng đội, thể hiện khí chất trước khó khăn. Tất cả những cái đó do giáo viên đứng lớp có trách nhiệm và hướng dẫn để các em thực hiện”.

Tôi đồng tình với ý kiến của bạn mình. Cần khuyến khích và thường xuyên sử dụng phương pháp STEM, nhưng là do giáo viên lựa chọn từng chủ đề phù hợp để tạo hứng thú cho học sinh. Hơn hết, không nên áp đặt thực hiện theo phong trào cho tất cả các môn học. Lãnh đạo nhà trường đừng thấy cái gì hay cũng mang về cho trường tổ chức dạy, đến lúc thất bại chẳng ai chịu trách nhiệm…

Nguyn Minh Thanh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)