Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ưu tư về Liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên tại Pleiku

Tạp Chí Giáo Dục

Lần đầu tiên thành phố Pleiku tổ chức đại hội liên hoan cồng chiêng thế giới lần thứ nhất từ ngày 12 đến 15-11-2009, với sự tham dự của gần 3.000 nhạc sĩ, vũ công của đa số sắc tộc Tây Nguyên cùng với sự tham gia của nhạc cồng chiêng của 5 quốc gia: Myanmar, Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia. Cùng những chương trình nghệ thuật, hội thảo đề tài “Sự thay đổi đời sống kinh tế, xã hội và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á” do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức có sự tham gia của gần 100 đại biểu trong và ngoài nước (Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Lào, Hà Lan, Pháp, Canada…).

Chương trình hoành tráng khai mạc và bế mạc giới thiệu đến công chúng nào là đèn laser, âm thanh nổi, dòng nhạc kích động của Nguyễn Cường trên một sân khấu rộng lớn cùng màn pháo hoa rực rỡ… Đây đúng là một chương trình giải trí, vui chơi, phù hợp với mục đích du lịch, lôi kéo du khách hơn là một sự trình bày các loại cồng chiêng Tây Nguyên.

Những đoàn vũ công bay lượn trên sân khấu giữa tiếng nhạc chát chúa, lồng trong một tiết tấu hip hop điếc tai làm át cả các đoàn cồng chiêng đi ngang qua khán đài danh dự. Hầu như các đại biểu ngoại quốc đều thất vọng khi tham dự hai chương trình khai mạc và bế mạc.

Nhà học giả Oscar Salemink của xứ Hà Lan cho biết: “Đứng về mặt sân khấu trình diễn thì thành công, nhưng về mặt văn hóa cồng chiêng thì không cảm thấy”.

GS Trần Văn Khê đã phát biểu: “Ban tổ chức quá tham lam về sự hoành tráng hào nhoáng bên ngoài mà quên đi tiếng cồng chiêng thật sự trong không gian văn hóa thiên nhiên của núi rừng”.

Vũ khúc Tây Nguyên. Ảnh: AN DUNG

Sự tốn kém quá nhiều về hình thức đại hội (3.000 nghệ nhân trên sân khấu, 11 chú voi diễu hành một cách mệt mỏi và màn pháo hoa không liên hệ gì tới cồng chiêng) đã làm giảm đi việc tôn vinh cồng chiêng Tây Nguyên.

Những địa điểm sinh hoạt nghệ thuật cồng chiêng (Đồng Xanh, Về Nguồn, Diên Hồng) xung quanh thành phố Pleiku không thu hút nhiều du khách như dự trù mặc dù có những chương trình đặc sắc như mừng lúa mới, lễ đâm trâu và các tiết mục biểu diễn của đoàn cồng chiêng các nước.

Tôi được mời tham dự hội thảo cồng chiêng với đề tài tham luận bao quát “Cồng chiêng ở Đông Nam Á: tổ chức, phân loại, phát triển và bảo tồn trong bối cảnh thay đổi kinh tế – xã hội hiện nay”. Chỉ có 4 người trình bày tham luận có sự đối chiếu cồng chiêng các nước trong khu vực Đông Nam Á (GS-TS Trần Văn Khê, GS-TS Yamaguti Osamu, Th.S Bùi Ngọc Phúc và tôi), còn những bài tham luận khác của các đại biểu trong nước phần đông bàn về cồng chiêng của nhiều sắc tộc Tây Nguyên và Mường với nhiều lo âu cho tương lai cồng chiêng trước sự thay đổi kinh tế – xã hội ngày nay. Một số bài bàn về vai trò của cồng chiêng Tây Nguyên trong việc phát triển du lịch.

Với số lượng 86 bài tham luận do những chuyên gia nổi tiếng về cồng chiêng Đông Nam Á và Tây Nguyên, thấy đó là một thành công ngoài mong đợi. Tuy nhiên, thời gian hội thảo quá ngắn (chỉ trong một ngày), cho nên không một ai có thì giờ để phát biểu, trao đổi kiến thức, thành quả nghiên cứu… và nhất là phải có những chương trình minh họa sống với sự trình diễn của nhiều đội cồng chiêng Tây Nguyên dành riêng cho các đại biểu với sự giải thích từng tiết mục cho các đại biểu ngoại quốc.

Đặc biệt, không có một bài tham luận nào về giá trị âm nhạc và tiết tấu cồng chiêng. Đây là một khía cạnh khá quan trọng cho việc bảo tồn nhạc cồng chiêng nếu chúng ta biết được sự đa dạng của các công thức cồng chiêng và vai trò của mỗi cồng chiêng trong diễn tấu (cồng chiêng mẹ, con,…). Sự sáng tạo âm nhạc của cách đánh cồng chiêng của từng bộ lạc (Gia Rai, Bana, Xơ Đăng , Ê Đê, Churu, Mnong, Ka Tu, Giẻ Triêng, Rơ Măm, Brâu, Cơ Ho, Mạ…). Có đối chiếu các tiết điệu của chiêng đâm trâu (dồn dập), chiêng cưới hỏi (lảnh lót), chiêng tang lễ (chậm rãi), biết được cấu trúc từng bài chiêng thì việc bảo tồn mới cụ thể và việc lưu truyền mới có hiệu quả.

Muốn cho một truyền thống được giữ gìn và phát huy là phải nhắm vào thế hệ trẻ. Làm thế nào cho giới trẻ để ý và hiểu được giá trị của kho tàng văn hóa cổ truyền và tự hào với cái mình có hơn là chạy theo văn hóa giải trí Âu Mỹ mà lại do người bản xứ sáng tạo “xào nấu” lại. Điều này cần phải được Chính phủ lưu tâm và đưa nhạc cồng chiêng Tây Nguyên vào chương trình giáo dục âm nhạc toàn quốc từ cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học.

Không phải chúng ta bắt trẻ em học đánh cồng chiêng, nhưng cho các cháu cơ hội khám phá nhạc cồng chiêng qua phim video, nhạc cồng chiêng nguyên xi được các nghệ nhân nổi tiếng của từng bộ lạc trình bày qua CD, DVD. Đó là phương pháp “thụ động”, sau đó tiến tới phương pháp “tích động” là trẻ em nào thích thì có thể thực tập đánh cồng chiêng theo những chương trình hoạt náo do các nghệ nhân Tây Nguyên được đưa đi tới các trường học biểu diễn “sống” (âm nhạc đi vào học đường).

Cần nhớ là mục đích của UNESCO là “gìn giữ văn hóa cồng chiêng trong xã hội ngày nay không được biến đổi từ hình thức tới nội dung”, đồng thời hỗ trợ những người bảo tồn và lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ mai sau. Đó là việc làm trường kỳ, nên cần được Chính phủ và các cấp lãnh đạo quan tâm và tôn vinh các nghệ nhân lớn tuổi còn sống (những báu vật sống) bằng việc phụ cấp tài chánh dài hạn để họ có đời sống thoải mái để họ để hết tâm lực vào việc truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cổ truyền cho đám hậu sinh. Các phim tài liệu, các kho lưu trữ có nhiều đi nữa mà thế hệ trẻ thờ ơ lãnh đạm với vốn cổ thì chỉ đi tới chỗ tự hủy diệt.

Ngoài việc bảo tồn các công thức đánh cồng chiêng truyền thống, có thể sáng tác những bài bản mới dựa theo nhạc cồng chiêng cổ truyền với những tiết tấu mới tạo nên bằng cách đánh cồng chiêng theo sự đối thoại giữa cồng chiêng cha, mẹ và con. Cũng cần phục hồi y phục của từng sắc dân để cho thấy sự đa màu, đa dạng, chứ không phải “đồng phục hóa” y phục Tây Nguyên.

Không nên chỉnh các chiêng theo thang âm Tây phương vì như vậy sẽ làm mất đi âm thanh linh thiêng của từng chiếc cồng chiêng và nên gửi các đoàn cồng chiêng tham dự những đại hội liên hoan quốc tế với những tiết mục nguyên xi, không pha trộn nhạc khí Tây phương vào.

GS-TS Trần Quang Hải (Pháp) (Theo SGGP)

Bình luận (0)