Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM: Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 19-12, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư và Thông tri số 24 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Đây là các văn bản quan trọng nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác giám sát và phản biện xã hội. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

Sau thời gian triển khai, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp tại TP.HCM đã có những chuyển biến tích cực. Các hoạt động giám sát ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, với trọng tâm rõ ràng. Nhân dân ngày càng tích cực góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức.

Trên cơ sở thực hiện các văn bản chỉ đạo, kế hoạch của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã triển khai giám sát 10 nội dung đối với 36 tổ chức và 3 cá nhân.

Tại các quận, huyện, TP.Thủ Đức và phường, xã, thị trấn, mặt trận đã chủ trì tổ chức 1.689 cuộc giám sát chuyên đề. Đối tượng giám sát bao gồm các cơ quan tham mưu giúp việc cho cấp ủy, các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP; Đảng ủy, UBND một số phường, xã, thị trấn.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phát biểu kết luận hội nghị

MTTQ Việt Nam TP chủ trì tổ chức phản biện xã hội đối với 7 nội dung (gồm: dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chờ bố trí nhà ở, đất ở tái định cư trên địa bàn TP; dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM; dự thảo Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP đến năm 2030; dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự thảo quyết định của UBND TP ban hành quy định về điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP.HCM; dự thảo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của TP.HCM; dự thảo quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16-1-2020 của UBND TP quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP).

Qua đó đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các vị nhân sĩ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học, luật sư, luật gia, thành viên các tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, quận, huyện, TP.Thủ Đức. Các kiến nghị sau phản biện xã hội được các cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc tiếp thu.

Bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình, cho biết đơn vị đã triển khai đồng bộ các chương trình hành động, góp phần nâng cao nhận thức về công tác giám sát và phản biện xã hội. Đặc biệt, quận Tân Bình tập trung đào tạo cán bộ giám sát, chú trọng vào các giải pháp mới để giám sát hiệu quả hơn.

Bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình nêu một số kinh nghiệm trong thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội trên địa bàn

Ông Khưu Thiên Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 7 cho biết, Tổ giám sát nhân dân quận và 10 phường tích cực tham gia hoạt động giám sát, góp ý, kiến nghị để cấp ủy Đảng, chính quyền quận, phường kịp thời nắm bắt thông tin để xử lý, góp phần ngăn chặn những hành vi, việc làm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Thành viên các tổ giám sát nhân dân nhiệt tình, xông xáo, kiên trì đeo bám trong việc thư thi nhiệm vụ, biết phát huy bề dày kinh nghiệm cá nhân để thực hiện công tác giám sát, phản biện nhiều vấn đề có tính thiết thực, tạo sự đồng thuận cao.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Thị Kim Thúy kêu gọi các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, tổ chức các hội nghị đối thoại giữa chính quyền và nhân dân để lắng nghe, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc trong xã hội.

Tiếp tục phối hợp tổ chức các hội nghị nhân dân của quận phường, hội nghị đối thoại, gặp gỡ trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân để lắng nghe rồi ghi nhận ý kiến phản ánh những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như là những việc tồn tại, những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh trong thời gian tới.

Thủy Phạm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)