Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành chậm 30 tháng; Bộ GD-ĐT không biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định; tình trạng in sách lậu, phát hành sách giáo khoa giả diễn ra phức tạp; giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2-4 lần…
Học sinh lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới. Ảnh: Như Ý
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Nhiều kết quả quan trọng
Trên cơ sở xem xét báo cáo của đoàn giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” cùng ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung báo cáo với những kết quả được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc thực hiện 2 nghị quyết trên.
Cụ thể, theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành, địa phương cũng như toàn ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng đáng ghi nhận. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 88.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đổi mới đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Nội dung các môn học được xây dựng theo hướng giảm tải, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn đời sống. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai đúng lộ trình trên phạm vi cả nước từ năm học 2020-2021. Quy mô, chất lượng đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó, hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản đúng tiến độ theo Nghị quyết 51, đáp ứng nhu cầu dạy – học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Việc biên soạn sách giáo khoa đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm. Từ năm 2020-2022, đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản; 194 triệu bản sách giáo khoa mới được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty CP Đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam phát hành.
Ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới chậm 30 tháng
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn tồn tại, hạn chế. Trong đó, chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu. Bộ máy chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng, thẩm định chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chưa hợp lý về cơ cấu, thành phần, số lượng, phải thay đổi nhiều lần. Việc thực nghiệm, đánh giá tác động đối với những nội dung đổi mới quan trọng của chương trình chưa được chú trọng, thực hiện trong thời gian ngắn, phạm vi hẹp, hiệu quả chưa cao. Quy định về môn học lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới gây bức xúc trong nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học; Quốc hội đã phải thảo luận, hai lần ra nghị quyết về nội dung này vào năm 2015 và 2022.
Đặc biệt, việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa còn nhiều bất cập: Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết 88; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung giáo dục phổ thông; quản lý, điều tiết sách giáo khoa. Việc thực nghiệm sách giáo khoa chưa coi trọng đúng mức, thời gian ngắn, chưa đảm bảo yêu cầu về quy mô, chất lượng. Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa sách giáo khoa chưa chặt chẽ dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, khoa học tự nhiên lớp 6, lịch sử lớp 11.
Cung ứng phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ với một số đầu sách trước thềm năm học mới. Việc mua sách giáo khoa ngoài thị trường còn gặp khó khăn. Tình trạng in sách lậu, phát hành sách giáo khoa giả diễn ra phức tạp. Xảy ra sai phạm trong in ấn, xuất bản sách giáo khoa đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; một số tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong khi đó, quy định về lựa chọn sách giáo khoa tại Thông tư 25 của Bộ GD-ĐT chưa chặt chẽ dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương; tạo kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều tỉnh chậm phê duyệt kết quả lựa chọn sách giáo khoa, ảnh hưởng tiến độ cung ứng sách. Giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2-4 lần so với bộ sách của Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách. Chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý.
Đề nghị xem xét trách nhiệm việc Bộ GD-ĐT không biên soạn một bộ sách giáo khoa
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm chính trong tham mưu toàn diện việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông; về các tồn tại, hạn chế trong xây dựng, thực nghiệm, thẩm định chương trình, sách giáo khoa, hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông cũng như việc không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa; giá các bộ sách giáo khoa, tỷ lệ chiết khấu cao; sai phạm trong in, xuất bản sách giáo khoa…
Trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra có đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết 88 về việc giao Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Kiểm tra, thanh tra việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa trên phạm vi toàn quốc.
Cùng với đó, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan về việc không chấp hành Nghị quyết số 88 ở nội dung “Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa” trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 122/2020/QH14; về việc để xảy ra sai sót với môn lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Việt Ngân
Bình luận (0)