Sáng 27-3, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chủ trì đã có buổi làm việc với Thường trực UBND TP.HCM về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm việc với TP.HCM sáng 27-3
Buổi làm việc có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cùng các sở, ban ngành thành phố.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, năm 2023, Quốc hội quyết định 4 chuyên đề giám sát. Trong đó, triển khai Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 là một trong các chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mục tiêu của đợt giám sát nhằm đánh giá công bằng, khách quan kết quả thực hiện trong thời gian qua, làm rõ các khó khăn, vướng mắc để qua đó kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đồng thời phát hiện những cách làm tốt, mô hình hay để nhân rộng cả nước.
Ông đánh giá, TP.HCM chịu áp lực cao về dân số, đồng thời xác định vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu cả nước. Do đó, từ thực tế kinh nghiệm quản lý và triển khai, TP.HCM sẽ đóng góp thêm nhiều kinh nghiệm, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Buổi làm việc tập trung 5 nhóm vấn đề gồm: văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 nhất là đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục; lựa chọn, phát hành SGK giáo dục phổ thông và tài liệu giáo dục địa phương; kinh phí thực hiện chương trình.
Báo cáo về kết quả triển khai CT GDPT 2018, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin, sau 3 năm thực hiện, chương trình được triển khai đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp. Quá trình triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo hướng dẫn chuyên môn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, TP.HCM cần cơ chế linh hoạt trong xã hội hóa giáo dục
Song song đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp nhu cầu sử dụng, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ năm 2020 đến nay nên việc tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên theo hình thức trực tiếp bị gián đoạn. Điều này ảnh hưởng tâm lý giáo viên, chất lượng tập huấn trực tuyến bị hạn chế nên khả năng tiếp thu, vận dụng nội dung bồi dưỡng vào thực tế giảng dạy chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, do hạn chế về quỹ đất, tiến độ xây mới và mở rộng trường chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích sân chơi, bãi tập.
Đội ngũ giáo viên ở một số trường chưa đáp ứng về số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của CT GDPT 2018. Một số giáo viên còn lúng túng khi triển khai dạy chương trình mới, tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Qua thực tế giám sát, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực thực hiện CT GDPT 2018 của TP.HCM. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, kịp thời, tạo hành lang pháp lý cho các trường học triển khai một cách bài bản, hệ thống.
Thực tế triển khai bà đặt ra cho TP.HCM 9 vấn đề bất cập mà thành phố cần phải lưu tâm, đánh giá: Công tác đấu thầu tập trung mua sắm trang thiết bị; Giáo viên còn thiếu về số lượng và chưa đồng bộ về cơ cấu, một số cơ sở lúng túng trong bố trí giáo viên dạy môn tích hợp; Việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh gặp khó khăn đối với một bộ phận giáo viên lớn tuổi, hạn chế trình độ tin học. Riêng đối với việc lựa chọn SGK, hoạt động nghiên cứu và lựa chọn diễn ra trong thời gian gấp rút, số bản mẫu nhiều, thực hiện trong năm học khiến giáo viên gặp khó khăn, ảnh hưởng độ chuẩn xác của kết quả lựa chọn.
Kiến nghị lùi thời gian công bố danh mục chọn sách giáo khoa Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, TP.HCM không có kinh phí dành riêng cho mua sắm trang thiết bị triển khai CT GDPT 2018. Thay vào đó, thành phố thực hiện rà soát thiết bị dạy học hiện có, từ đó thực hiện mua sắm bổ sung từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị kết hợp bổ sung từ ngân sách. Đối với việc phân bổ giáo viên, TP.HCM được giao hơn 11.000 biên chế viên chức giáo dục nhưng hiện nay chưa tuyển dụng đủ. Nếu căn cứ theo định biên giáo viên/lớp thì thành phố cần bố trí 15.000 giáo viên. Tuy nhiên, do chưa tuyển dụng hết biên chế được giao nên gặp khó khăn trong hợp đồng giáo viên. Tới đây, toàn ngành tiếp tục tăng cường tuyển dụng giáo viên các bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật song song với việc tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TP.HCM chính sách thu hút giáo viên các môn đặc thù. Liên quan đến việc lựa chọn SGK, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, quy định phải đưa ra danh mục lựa chọn SGK trước 5 tháng so với ngày khai giảng, tức đầu tháng 4 phải có danh mục SGK đang tạo áp lực lớn cho cơ sở phổ thông. Từ thực tế này, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy định thời gian đưa ra danh mục lựa chọn SGK trước ngày khai giảng 3 tháng để các nhà xuất bản có đủ thời gian in ấn và phát hành SGK. Trong đó, tinh thần chọn sách không xác định một bộ sách chủ lực, các bộ sách còn lại tham khảo mà trao quyền chủ động cho các cơ giáo dục lựa chọn phù hợp điều kiện thực tế tại đơn vị. |
“Đối với việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, việc biên soạn và in ấn chậm ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai chương trình. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đang sử dụng tài liệu điện tử do vướng cơ chế về in ấn nên cần giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới” – bà Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá.
Trước hàng loạt khó khăn, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, hiện nay, TP.HCM với quy mô dân số hơn 10 triệu người, chưa tính bộ phận dân cư vãng lai nên việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và y tế gặp nhiều khó khăn. Trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, TP.HCM đã xây dựng đề án tự chủ trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa xã hội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời điểm sau dịch, công tác tự chủ vô cùng khó khăn do không có nguồn thu.
Hiện nay, xét theo tiêu chuẩn của ngành giáo dục, thành phố còn thiếu 5.000 phòng học. Song, xét theo mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học thì TP.HCM còn thiếu 8.000 phòng học. Đơn cử, huyện Bình Chánh có trường học trên 90 lớp, cao hơn rất nhiều so với quy định tiêu chuẩn 30 lớp/trường học, sĩ số trên 50 học sinh/lớp.
"Từ nay đến năm 2025, mục tiêu bổ sung thêm 8.000 phòng học gặp nhiều khó khăn nên cần cơ chế linh hoạt cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xã hội hóa để tạo thêm nguồn lực cho giáo dục", đồng chí Phan Văn Mãi nhận định.
Yến Hoa
Bình luận (0)