Sự kiện giáo dụcTin tức

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường

Tạp Chí Giáo Dục

Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường và Nghị quyết về việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, TP trực thuộc trung ương; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của UBND huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trước khi bế mạc phiên họp thứ 16 vào cuối buổi chiều qua, 16-1. Tiếp thu những ý kiến đóng góp của UBTVQH trong phiên họp ngày 15-1, hai nghị quyết nêu trên đã được chỉnh lý một số điểm quan trọng.

Theo đó, sẽ thực hiện việc thí điểm không tổ chức HĐND ở cả các phường trực thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND vẫn là một cấp ngân sách, nhưng đây là một cấp ngân sách không hoàn chỉnh. Như vậy, UBND huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND có trách nhiệm lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương, báo cáo UBND cấp trên trực tiếp để trình HĐND quyết định.

Căn cứ vào dự toán ngân sách được giao (UBND huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND – PV) quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách và báo cáo UBND, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách địa phương; lập quyết toán thu, chi ngân sách địa phương báo cáo UBND cấp trên trực tiếp để trình HĐND phê chuẩn.

Hai nghị quyết nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2009.

* Cùng ngày, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong dự án Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Đa số ý kiến trong UBTVQH thống nhất với nguyên tắc tăng cường sự thống nhất về chế độ làm việc của cơ quan đại diện dưới sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan đại diện theo chế độ thủ trưởng. Riêng đối với thương vụ, đa số ý kiến cho rằng nên coi thương vụ là một bộ phận của cơ quan đại diện.

A. PHƯƠNG (Theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)