Sự kiện giáo dụcTin tức

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn 3 bộ trưởng: Nghị trường “nóng” vì tình trạng mất việc

Tạp Chí Giáo Dục


Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn 3 bộ trưởng vào ngày 20.3.

Hôm qua (20.3), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn 3 bộ trưởng: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay thì phiên chất vấn và trả lời chất vấn này có ý nghĩa đặc biệt – đã phần nào phác hoạ được bức tranh kinh tế xã hội.

Kích cầu nền kinh tế, đầu tư, việc làm, tiền lương, đời sống của người nghèo và những nét văn hoá xã hội nổi cộm… cho thấy những trách nhiệm lớn của nhiều cấp, nhiều ngành trong quản lý kinh tế – xã hội. 

Trách nhiệm đối với việc xà xẻo tiền Tết của người nghèo
Trước hàng loạt câu hỏi chất vấn về tình trạng xà xẻo tiền Tết của người nghèo, Bộ trưởng LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay trách nhiệm là của chính quyền địa phương: Do việc tổ chức thực hiện ở cấp xã chưa tốt, hướng dẫn, quán triệt cấp dưới chưa đến nơi đến chốn, phó mặc cho cán bộ thôn, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ, dẫn đến sự tùy tiện, tắc trách của cán bộ thôn. Việc quản lý, rà soát hộ nghèo hàng năm ở địa phương, nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm túc, thiếu khách quan, không công bằng, công khai, dân chủ, có nơi còn nặng bệnh thành tích… nên dẫn đến làm sai, cào bằng, bỏ sót đối tượng.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay: Để xảy ra tình trạng thống kê số hộ nghèo chưa chính xác không phải vì bộ chưa có hướng dẫn chuẩn nghèo mà vì địa phương xét tùy tiện. Và vì vậy, chủ tịch tỉnh cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này.
Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Nguyễn Minh Thuyết truy vấn trách nhiệm của Bộ LĐTBXH: "Đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Bộ LĐTBXH trong việc tham mưu quá gấp gáp, mà Bộ trưởng cho đây là nguyên nhân khách quan?".
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục khẳng định, sai sót vẫn là do các tỉnh làm tùy tiện chứ không phải do bộ chưa có tiêu chí hướng dẫn vì không phải tỉnh nào cũng sai phạm. Và cuối cùng Bộ trưởng cũng nhận một phần trách nhiệm của bộ: "Chúng tôi có trách nhiệm trong việc chưa rà soát hết, kiểm tra được hết hộ nghèo để chấn chỉnh".
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định thêm trách nhiệm của chính quyền địa phương và của cả Bộ LĐTBXH: "Việc dự toán 2.500 tỉ cho 2,4 triệu hộ nghèo là căn cứ vào danh sách các tỉnh đưa lên. Nếu trong trường hợp thống kê hộ nghèo chuẩn xác thì chỉ cần đưa tiền xuống. Nhưng do thống kê danh sách hộ nghèo gặp vấn đề nên đưa tiền xuống không còn chuẩn".
Về tình trạng mất việc làm, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thừa nhận: Không quản lý được lao động tự do, nhất là lao động ở khu vực hợp tác xã, làng nghề… Chính tình trạng không có cơ sở dữ liệu chung về lao động quốc gia nên Bộ LĐTBXH không thể xác định nổi tỉ lệ lao động và con số tăng thêm hàng năm trong các thành phần kinh tế khác nhau. Trong số 300 ngàn người mất việc năm nay, khó lòng thống kê rạch ròi ai tìm được việc làm mới, ai quay về nông thôn. Về những trả lời của Bộ trưởng Ngân, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận bày tỏ: "Nắm lao động trong doanh nghiệp thì dễ còn lao động ngoài doanh nghiệp khó là vì sao?".
Trong làm luật có nể nang

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhận được ngay những chất vấn: Vì sao thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản vẫn rườm rà, khó khăn, giải ngân chậm…đặt biệt trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu làm cho kinh tế VN rơi vào tình trạng khó khăn chồng lên khó khăn?
Trước khi trả lời vào câu hỏi này, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết tín hiệu khả quan và rất đáng mừng của nền kinh tế nước ta trong điều kiện suy giảm kinh tế hiện nay: GDP quý I/2009 đạt 3,1%, chỉ số lạm phát là 1,47%. Tuy nhiên về vấn đề thủ tục đầu tư rườm rà, giải ngân chậm, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng do các luật: Xây dựng, Đầu tư, Đấu thầu, Doanh nghiệp, Thuế thu nhập DN, Bảo vệ môi trường và Phòng cháy chữa cháy chồng chéo, xung đột lẫn nhau. Và tới kỳ họp thứ 5 QH khoá XII (dự kiến tháng 5.2009) Chính phủ sẽ trình QH thông qua dự án Luật sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để khắc phục thực trạng xung đột, chồng chéo hiện nay.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận truy trách nhiệm: Các bộ là cơ quan soạn thảo các dự luật trình QH. Vậy tình trạng luật xung đột, thủ tục hành chính quá rườm rà, có yếu tố con người không? Có sự nể nang trong làm luật và ban hành chính sách không? Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thẳng thắn nói: "Luật xung đột là do ngay từ khâu soạn thảo cho đến các khâu trình duyệt còn có sự nể nang. Phần nữa là tầm nhìn và khả năng của người làm luật".
Các ĐBQH tiếp tục đặt vấn đề: Về gói kích cầu 17 nghìn tỉ đồng hỗ trợ kích cầu qua lãi suất thì sao? Chính phủ có thể tự quyết định hay đáng ra phải đợi ý kiến của Quốc hội? Bộ trưởng Phúc lý giải: Quốc hội của Việt Nam không họp thường xuyên, mỗi năm hai kỳ, mỗi kỳ chỉ khoảng một tháng, muốn xin ý kiến cũng khó. Nguồn tiền này lấy từ dự trữ ngoại hối, Chính phủ có quyền linh hoạt điều động. Đợi đến tháng 5 họp Quốc hội mới đưa ra trình thì còn đâu tính chất nhạy bén của chính sách nữa? Đương nhiên, Chính phủ cũng sẽ báo cáo để Quốc hội giám sát trong kỳ họp tới.
Chưa đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Văn Thuận và ĐB Ngô Văn Minh chỉ rõ trách nhiệm: Ở đây có lỗi của cả Chính phủ và QH là chưa lường trước, lường hết được biến động xấu của nền kinh tế. Nếu kỳ họp cuối năm ngoái, dự báo tốt, lường trước được tình hình phức tạp, thì trong nghị quyết có thể giao Thường vụ Quốc hội và Chính phủ chủ động phối hợp xử lý. Và nếu cần thiết thì có thể triệu tập kỳ họp bất thường. Nhiều ĐB cũng lo ngại, hiệu quả thực tế của gói kích cầu đến đâu, có hay không chuyện đảo nợ, khiến cho tiền chỉ chạy vòng quanh các ngân hàng?
Bộ trưởng Phúc cho rằng: Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá về hiệu quả của các gói kích cầu. Còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu vẫn lạc quan khẳng định: Tới thời điểm này chưa phát hiện bất kỳ trường hợp đảo nợ nào và không cần quá lo lắng về tăng trưởng dư nợ.
Hà Nội đứng đầu danh sách di tích bị xâm phạm
Bộ trưởng VHTTDL Hoàng Tuấn Anh là người nhận được ít chất vấn nhất, xoay quanh vấn đề: Tình trạng xâm phạm di tích lịch sử văn hóa diễn ra nhiều; lễ hội phát triển tràn lan, kịch bản giống nhau, tốn kém nhiều thời gian, tiền của?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thẳng thắn trả lời: "Hiện nay, cả nước có khoảng 4 vạn di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh. Có 228/3.018 di tích xếp hạng quốc gia bị vi phạm, chiếm 7,5%. Trong số 5.347 di tích xếp hạng cấp tỉnh có 69 di tích bị xâm phạm, chiếm gần 1,3%. Hà Nội có nhiều di tích bị xâm phạm nhất (hiện có 1.200 hộ dân và 11 cơ quan đang sử dụng đất của 104 di tích). Tình trạng này do: Công tác phân cấp quản lý còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến lúng túng trong thực thi và đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong việc xử lý hoặc xử lý xâm phạm thiếu kiên quyết…
 Về lễ hội, cả nước có 7.966 lễ hội, tỉnh có nhiều lễ hội nhất: Thành phố Hà Nội (1.095 lễ hội). Các lễ hội văn hoá-thể thao-du lịch được tổ chức phần lễ khai mạc sân khấu hoá tốn kém, các hoạt động biểu diễn chưa đầu tư về nội dung và chất lượng, lặp lại theo chu kỳ thời gian nhưng thiếu đổi mới, tuy chủ đề khác nhau nhưng nét riêng chưa rõ ràng. Nội dung kịch bản thường do một số tác giả, đơn vị được các địa phương hợp đồng thực hiện nên nội dung trùng chéo, giống nhau, dẫn đến sự nhàm chán trong thị hiếu thưởng thức của khán giả. Bên cạnh những nghi thức đã định hình, có biểu hiện pha tạp, vay mượn hoặc cải biên làm biến dạng nghi thức lễ hội dân gian. Kịch bản lễ hội, kế hoạch tổ chức lễ hội thiếu sự thống nhất. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu gương mẫu, dự lễ hội với mục đích cầu lộc, cầu danh, vụ lợi, nêu gương xấu cho quần chúng và làm biến dạng ý nghĩa nội dung lễ hội".
 

Dự báo con số mất việc làm "khổng lồ"
Theo báo cáo của 40 tỉnh, thành phố đến hết tháng 1.2009 đã có trên 85 ngàn người bị mất việc làm; trên 40 ngàn người bị cắt giảm việc làm và trên 20 ngàn người tạm nghỉ chờ việc. Tình hình lao động mất việc làm vẫn tiếp tục tăng trong 2 tháng còn lại của quý I và quý II năm 2009, các gói kích cầu, kích thích kinh tế mới được triển khai, tác động còn hạn chế. Dự báo, trên phạm vi toàn quốc trong năm có khoảng 300.000 lao động bị mất việc làm; số lao động bị mất việc làm tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp gia công xuất khẩu, đặc biệt trong các doanh nghiệp dệt may, sản xuất linh kiện điện tử, thủ công mỹ nghệ…
Từ 1.5, điều chỉnh mức lương tối thiểu chung. Hiện, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tính toán, trình Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung để áp dụng từ ngày 1.5.2009.

Đỗ Lê Tảo(Theo LDO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)