Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Uy tín của người làm báo chân chính

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày qua, dư luận bất bình về việc nhiều nhà báo dỏm tác oai tác quái trong một thời gian dài để kiếm những khoản tiền bồi dưỡng từ các đơn vị, doanh nghiệp. Mỗi người một kiểu, họ có nhiều chiêu thức để làm tiền doanh nghiệp nhưng ở họ đều có một cái chung đức tính xấu: lười lao động và lì lợm.
Họ là những con sâu làm rầu nồi canh, làm ô uế danh dự của chính mình, của gia đình, người thân đang ngày đêm mong mỏi ở mình là “đại diện tiếng nói của người dân hay một con người có ích cho xã hội”. Nhưng không, họ đã đánh mất tất cả, kể cả danh dự, uy tín của người làm báo chân chính. Tội của họ đang được “tòa án dư luận” phán xét ở mọi nơi, từ hang cùng ngõ hẻm, từ quán cà phê lề đường đến nhà hàng sang trọng. Người làm báo chân chính không lạ gì những khuôn mặt ngờ nghệch với những lần cải trang hết sức lố bịch nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ “khi nào giả danh tên mình, tên cơ quan mình thì mới điểm mặt”. Nhiều doanh nghiệp, đồng nghiệp lại chẳng muốn bị làm phiền khi thẳng thắn chỉ trích vô tình đã biến thành “đất lành” cho nhà báo dỏm “tác nghiệp”.
Không ít những nhà báo “dỏm” có học thức, trình độ nghiệp vụ đạt đến bậc thầy trong làng báo nhưng vì thiếu đạo đức nên đã bị “tẩy chay” chỉ sau một thời gian ngắn làm việc. Cũng không ít người khi đã bị vạch trần bộ mặt, nhận hình thức kỷ luật được tạo cơ hội để làm lại từ đầu nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Cái thói hoạch hẹ, kiêu ngạo, lười lao động đã ăn sâu vào trong máu, càng làm tăng thêm sự lì lợm vốn có của họ.
“Có tài mà không có đức thì vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Câu nói của Bác Hồ thường được các thầy cô giáo đưa ra cho học sinh giải thích. Kết quả có 99% học sinh lớp 6 giải thích đúng. Nhà báo “dỏm” làm được nhiều “việc lớn” thừa sức giải thích cặn kẽ câu nói ấy nhưng có điều không làm theo được.
Phương Nghi

Bình luận (0)