Người ta nói giáo chức là “dứt cháo” (ăn cháo), thầy giáo là “tháo giày” (tức nghèo đến độ phải… tháo giày bán). Vậy mà những đồng nghiệp của tôi vẫn sống và vui với nghề.
Ngoài đồng lương còm cõi hằng tháng, những học sinh cá biệt hỗn láo, các bà mẹ nóng ruột con, thất lễ với thầy cô… Nói chung nghề giáo với tôi vẫn có những điều thú vị. Một sáng tôi vượt đèn đỏ trên đường Hồng Bàng, bất ngờ một chú công an tinh nghịch núp khuất bên gốc cây to xuất hiện và… “tuýt!”. Tôi chuẩn bị bài “ca con cá” (năn nỉ đó mà). Bỗng: “Ủa cô…”. Trời ạ, học trò cũ của tôi! Em học tôi ở trường dân lập nhiều năm trước, nay đã là cảnh sát giao thông. Em nhẹ nhàng nhắc tôi và cho tôi… đi. Thế nhưng, như phim Pháp, em hết sức ngạc nhiên khi tôi “xin” được nộp phạt. Tại sao ư? Vì tôi đã từng dạy học sinh về tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh “dám làm dám chịu”. Cô giáo không làm khác được…
Một tối ngày nhà giáo 20/11, mưa dầm dề. Chợt nghe tiếng gọi cửa gấp rút. Thì ra em Ngọc, lớp 9B của mấy chục năm về trước trên Bình Long, nhiệm sở đầu tiên của tôi. Em tặng tôi hộp bút. Em đã có gia đình, hiện lái xe hàng và nhân dịp xe chạy ngang qua thành phố, em tạt vào thăm cô giáo cũ. Như phim Hồng Kông. Và cô giáo mếu…
Nếu kể những lần hội ngộ những trò tinh nghịch cũng như tình cảm học sinh dành cho thầy cô, chắc nguyên tờ báo ghi không hết. Nói chung, ngành nghề nào cũng có niềm vui, nỗi buồn. Riêng ngành giáo hình như niềm vui từ học trò, nỗi buồn từ… ban giám hiệu, từ cơ chế… Mà niềm vui từ học trò cũng đủ cho người thầy đứng vững với nghề.
Có lần, cả lớp chỉ vài em thuộc bài, lại còn nói chuyện râm ran. Tức mình, tôi “chửi” té tát suốt gần một tiết. Thế mà giờ chơi, gặp các em ở căng tin, các em cười vui, gọi cô ơi ới, như giữa cô trò chưa từng có chuyện gì xảy ra. Chợt nhớ bản nhạc ngày xưa của Phạm Duy: “Trả lại tôi là tuổi trẻ bao dung…”. Ừ, tuổi trẻ thật bao dung.
Một lần ăn tối cùng với các đồng nghiệp, bữa ăn do một học trò cũ đãi. Cậu học trò hỏi thầy: “Ngày xưa thầy có… ghét em không?”. Câu hỏi bất ngờ, hình như ngày xưa cậu này là học sinh cá biệt. Tỉnh bơ, đồng nghiệp của tôi nói: “Thầy giáo mà ghét học trò, làm sao làm thầy được, em…”. Đồng nghiệp tôi trả lời đúng. Không thầy cô nào ghét học trò cả. Đó là lương tâm…
Thỉnh thoảng xếp lại kệ sách, tôi bắt gặp những lá thư của lớp học trò đầu tiên mà nay các em đã nên danh, nên người. Nào là… “cô xa nhớ”, “cô thương nhớ”… Có thể cuộc sống đa đoan, lắm khắc nghiệt, có khi các em quên thầy cô, nhưng chợt nhớ ra và nhớ đến tôi. Cũng như tôi, vòng quay cuộc đời nhà giáo đơn điệu, áo cơm cực nhọc, thi thoảng lại nhớ đến những gương mặt học trò. Những gì các em đã mang đến cho tôi là những kỷ niệm, những dấu ấn, những hành trang… để tôi đứng vững trên bục giảng hôm nay.
Và cũng là niềm an ủi, niềm vui của ngày mai, khi về già, khi không còn đứng trên bục giảng nữa. Và sẽ như phim Hàn Quốc, tôi khóc!
Nguyễn Ngọc Hà
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)