Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Vá những “vầng trăng” chưa tròn

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Lê Thái Minh Hậu vá lại phù hiệu của trường cho học trò mình

Để giúp các em nhỏ “khuyết tật” cả về thể xác lẫn tâm hồn từng bước hòa nhập với môi trường học đường và cuộc sống, đã 11 năm qua, người hiệu trưởng ngôi trường ấy vẫn không ngừng miệt mài trên con đường mình chọn: Đưa giáo dục đặc biệt vào nhà trường và trên hết là để những “vầng trăng khuyết lại được tròn”.
Đó là thầy Lê Thái Minh Hầu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Q.5), người thầy đầu tiên đưa mô hình giáo dục đặc biệt vào trường tiểu học ở TP.HCM. Vậy nhưng ở cái tuổi gần về hưu này, thầy vẫn chỉ đau đáu một điều rằng: Làm thế nào để trò của thầy bớt ngây ngô và điều này đã thôi thúc thầy làm tất cả…
Vì thầy là… Hiệu trưởng
Năm 1998, khi mới về nhận công tác Hiệu trưởng tại trường, tình cờ đọc được trên báo mẩu tin đào tạo bằng cử nhân 2 về giáo dục đặc biệt trong vòng 2 năm của Quỹ Việt Đức tài trợ cho Việt Nam, thầy mạnh dạn tham gia. Thầy kể “Lúc đó học cũng chưa biết sẽ làm được gì không. Trong lớp học có cô Ẩn đến từ Sở GD-ĐT. Cô có nói một câu làm thầy phải suy nghĩ rất nhiều: Học xong rồi thì phải thực hành, học trò thuộc diện đặc biệt nhiều lắm. Mà chẳng trường nào nhận dạy. Cả lớp chỉ thầy là có điều kiện thuận lợi nhất để biến những điều đã học thành hiện thực. Vì thầy là Hiệu trưởng…”
“Vì thầy là Hiệu trưởng” câu nói đó cứ trở đi trở lại trong tâm trí người thầy. Thầy tự hỏi: Liệu mình có làm được không, khi mới chỉ về trường được vài bữa, khi trước mắt chưa có một điều gì trong tay, ngoài chức Hiệu trưởng và những điều đã được học. Và liệu mình đã xứng đáng với tên gọi thầy Hiệu trưởng?
Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, thầy quyết định phải làm, dù biết khó khăn sẽ rất nhiều. Thầy cùng cô Ẩn tham mưu với Sở GD-ĐT và UBND TP, được sự tán thành, tạo điều kiện và giúp đỡ về mặt pháp lý. Năm 2001, lần đầu tiên ở TP.HCM, giáo dục đặc biệt đã được đưa vào nhà trường ở ngôi trường tiểu học mang tên Trần Quốc Toản. Hai thầy cô học cùng lớp với thầy khi đó đã tình nguyện chuyển công tác về trường để giúp thầy. Và từ đó, những gian nan bắt đầu. Nhưng cũng từ đó, niềm hạnh phúc được nhân lên…
Nghỉ hè năm ấy, ngày nào thầy cũng tất bật đón các em đặc biệt đến trường đăng ký học, rồi lo làm hồ sơ, xây dựng giáo án cho việc giảng dạy các em. Một lớp học đặc biệt với 18 học sinh (HS) từ tâm thần, tự kỉ đến mắc hội chứng down đã được mở ra, sẵn sàng cho một năm học đầy những điều đặc biệt. Nhưng điều thầy lo lắng nhất lại chính là việc làm sao để thuyết phục các bậc phụ huynh chấp nhận việc con em mình sẽ học chung, chơi chung một môi trường, thậm chí là học cùng lớp, ngồi cùng bàn với những HS “không bình thường”. Rồi làm sao để các em HS bình thường hòa đồng, tôn trọng những HS đặc biệt, dễ tổn thương ấy… Và trên hết, làm thế nào để giáo viên của trường vẫn quen với những trò “lành” thích nghi được với những trò “khuyết”?
Ngày đầu tiên của năm học mới, một buổi họp phụ huynh đầy căng thẳng đã diễn ra. Đứng trước hàng trăm phụ huynh, giọng thầy run run gần như lạc đi vì xúc động: “Sinh con ra, cha mẹ nào lại không muốn con mình được trọn vẹn. Nhưng đời đâu phải là mơ, có những người cha, người mẹ đã phải nuốt ngược nước mắt vào trong để mà bế bồng, để mà yêu thương, để mà chấp nhận những đứa con dứt ruột đẻ ra méo mó về hình hài và khiếm khuyết về tâm hồn. Nếu chẳng may, đó là con của ai trong số các phụ huynh ngồi đây, chúng ta có muốn thiên thần đáng thương đó được học hành bình thường với các bạn bình thường, trong một ngôi trường bình thường để các em có cơ hội hòa nhập và khả năng phục hồi? Hay là muốn tách các em ra nhốt vào trong một ngôi trường riêng biệt?…”. Suốt 4 tiếng đồng hồ thầy nói những điều như thế. Và phụ huynh tạm chấp nhận.
Ngày đó, nhà trường toàn giáo viên trẻ, chưa lập gia đình. Chứng kiến những buổi dạy ở lớp đặc biệt của hai giáo viên học cùng thầy, thầy cô nào cũng lắc đầu lè lưỡi. Hầu như mọi người đều có tâm lý sợ nếu tiếp xúc nhiều với các em, sau này có con rồi sẽ bị ảnh hưởng. Thầy tìm cách động viên các thầy cô: “Mình là những người thầy. Mình còn may mắn được khỏe mạnh. Một vài trò của mình không bình thường. Mình càng phải yêu thương để đưa các trò đến gần hơn với cộng đồng. Khi đó, mình không chỉ làm đúng với trọng trách của một người thầy, mà còn trở thành người có trái tim nhân hậu để yêu và sống không hổ thẹn với nghề…”.
Cứ thế, đến bây giờ thầy tự hào chia sẻ rằng, điều may mắn đối với thầy để mô hình này thành công là đội ngũ giáo viên của trường cực kỳ yêu nghề, tâm huyết và thương HS. Các thầy cô được đào tạo để giảng dạy những HS bình thường nhưng đã tự mày mò đi học thêm về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho giáo dục đặc biệt. Với mong muốn khôn nguôi là đưa các em hòa nhập với cuộc sống.
Trăng khuyết rồi sẽ tròn
Mô hình giáo dục đặc biệt của nhà trường đi từ hội nhập đến hòa nhập. Với mỗi trẻ đặc biệt vào trường, ngoài việc căn cứ trên giấy xác nhận bệnh án của bệnh viện nơi trẻ điều trị, thầy Hiệu trưởng sẽ trực tiếp gặp gỡ trẻ để hiểu và đánh giá mức độ đặc biệt mà phân vào lớp nào cho phù hợp. Đầu tiên, trẻ sẽ được học để hội nhập. Tức là các em chưa được học với trẻ bình thường, mà sẽ học trong lớp học riêng, để dần hình thành nên khả năng nhận thức, kỹ năng sống và giao tiếp sàng lọc từ đó hình thành kỹ năng học đường. Sau một thời gian ngắn dài không xác định, khi đã cơ bản nhận thức được những điều đơn giản, các em sẽ được học chung với trẻ bình thường để hòa nhập với môi trường học đường và xã hội. Từ sĩ số 18 của những ngày đầu, giờ con số đã là hơn 200 em học ở lớp hội nhập và hòa nhập.
Hiện nhà trường có 3 lớp: 1/6, 1/7 và 1/8 là lớp hội nhập với mức độ tình trạng bệnh “đặc biệt” của các em tăng dần theo lớp. Cô Nguyễn Thị Phương – chủ nhiệm lớp 1/8 chia sẻ: “Sĩ số của lớp là 32 em tuổi từ 6 đến 26 gồm những em nặng nhất, rối loạn về hành vi và nhận thức, chưa bằng một đứa trẻ lên 3. Có tới 13 em chưa biết nói và nói chưa sõi. Các em còn chưa thể tự ăn uống được. Nhiều em còn không có khả năng tự đi vệ sinh. Lúc nào nghe mùi là cô phải kiểm tra từng em để thay đồ, dọn dẹp… Các em có thời khóa biểu riêng biệt, gồm cả môn tập viết và những kế hoạch hình thành khả năng nhận thức cho các em do giáo viên chủ nhiệm tự lập ra”. Cô Phương tâm sự rằng, đôi lúc cũng nản lắm, sáng 6 giờ là có mặt ở trường để đón trẻ và chiều phải đợi phụ huynh đón các em hết mới trở về. Vì các em không tự ý thức được nên việc cô bị túm tóc, giật áo là chuyện thường ngày. Vậy mà cứ xa là lại nhớ các em…
Hiểu được nỗi vất vả của thầy cô, thầy Hiệu trưởng càng gắng sức hơn trong sứ mệnh uốn nắn trẻ đặc biệt. Thầy thường xuyên động viên đội ngũ giáo viên trong trường rằng, trăng khuyết chỉ là trăng chưa tròn. Rồi sẽ đến lúc trăng tròn. “Các em cũng tình cảm lắm. Những khi nhìn các em chơi đùa, rồi đọc được thành thạo, làm được phép tính thầy mừng đến ứa nước mắt. Suốt 11 năm qua, có em đã vào được cấp 3, trở thành HS bình thường vẫn nhớ về thầy. Có phụ huynh ở tít Kiên Giang cũng thuê nhà trên đây cho con học, giờ em đó đã học lớp 3. Thậm chí có phụ huynh thấy con mình có nhận thức tốt hơn, ý thức được việc đi học và trở nên hiền hòa hơn đã khóc, quỳ lạy cảm ơn thầy… Hạnh phúc khi đó lâng lâng cứ như sờ thấy được… Cả một đời giáo viên, còn mong gì hơn thế?”, thầy thổ lộ.
Bài, ảnh: Đỗ Yến Hoa
11 năm đưa giáo dục đặc biệt vào trong  trường, bao nhiêu khó khăn và gian nan. Thầy vẫn nhủ bản thân không được nản. Con đường để trái đắng lại ngọt, để trăng khuyết lại tròn là sự nghiệp cả đời. Chỉ cần nhìn niềm vui ánh lên trong mắt người mẹ, nghe giọng các em ê a đánh vần, và tiếng “con chào thầy ạ” của các em đặc biệt, với thầy, không còn đền đáp nào hơn thế. 
 

Bình luận (0)