Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vắc xin cháy hàng do nhu cầu tăng đột biến

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 28.2, tại Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, rất nhiều người dân dẫn con nhỏ đến tiêm ngừa vắc xin thủy đậu, Infanrix Hexa (6 trong 1), Pentaxim Pháp (5 trong 1)… nhưng đành phải quay về vì… hết vắc xin.

Anh Tống Viết Trinh (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) dẫn con gái 28 tháng tuổi đến tiêm ngừa thủy đậu, nhưng được thông báo, loại vắc xin này đã cạn, và sẽ có lại đầu tháng 4.

“Tôi phải làm đơn nhập học mẫu giáo cho cháu, nhưng nhà trường bắt buộc phải có phiếu chích ngừa thủy đậu mới nhận hồ sơ. Xin vô trường đã khó, xin không được phiếu chích ngừa, thì coi như… xong. Giờ không biết phải làm sao!”, anh Trinh chia sẻ.

Rất nhiều phụ huynh tìm đến Trung tâm Y tế dự phòng với mục đích như anh Trinh, nhưng cũng đều phải ra về trong thất vọng. Cũng có nhiều phụ huynh đến tiêm ngừa bởi nghe tin dịch bệnh đang tràn lan, nhưng cũng đành chịu vì vắc xin đã hết hoàn toàn.

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng cho hay, mỗi ngày hàng trăm lượt người đến để chích ngừa, nhưng cũng không có vắc xin để chích.

Nhiều người dân chờ đợi để chích ngừa nhưng đành phải bồng con về vì vắc xin đã cạn

Trao đổi với PV, ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, cho hay các loại vắc xin thủy đậu, Infanrix Hexa (6 trong 1), Pentaxim Pháp (5 trong 1) và vắc xin 3 trong 1 sởi, quai bị, rubella (Séc) đã hết nửa tháng nay.

Ông Thạnh giải thích, sở dĩ các loại vắc xin “cháy hàng” là do tâm lý của người dân, thấy các phương tiện truyền thông tuyên truyền dịch bệnh có những chuyển biến phức tạp mới đổ xô đi chích ngừa.

“Thực tế, đợi đến khi dịch bệnh bùng phát mới đi chích ngừa là không hiệu quả, bởi chích trước thì khả năng phòng bệnh mới cao. Còn đợi đến khi có dịch, có thể cơ thể đã nhiễm vi rút thì dù có chích ngừa vẫn sẽ khó phòng được bệnh”, ông Thạnh nói thêm.

Do tâm lý “nước đến chân mới nhảy”, nên việc người dân đổ xô đi tiêm vắc xin, khiến lượng vắc xin tăng đột biến so với cùng kỳ các năm, nên Trung tâm Y tế dự phòng không dự trữ đủ lượng vắc xin.

“Chúng tôi chỉ được trữ vắc xin trong vòng 6 tháng khi nhập về, nên không dám trữ nhiều vì giá của vắc xin không rẻ. Nếu người dân không có nhu cầu thì số vắc xin phải bị hủy đúng thời điểm sau 6 tháng. Đó là lý do vì sao lượng vắc xin không dồi dào để đáp ứng nhu cầu của người dân", ông Thạnh chia sẻ.

Ông Thạnh cũng cho biết thêm, "từ tháng trước, ngay khi vắc xin gần cạn, chúng tôi cũng đã lập tức liên hệ với các địa phương còn dư vắc xin để xin chuyển về phục vụ người dân, nhưng số vắc xin còn không nhiều. Đồng thời, chúng tôi liên hệ các công ty cung ứng vắc xin để đặt thêm hàng. Và họ có báo lại là vắc xin thủy đậu sẽ có vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, còn vắc xin Infanrix Hexa (6 trong 1), Pentaxim Pháp (5 trong 1) có vào đầu tháng 5".

Diệu Hiền (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)