“Vắc-xin là phải tiêm sớm. Lúc nhỏ, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu nên tiêm sớm để tăng đề kháng cho trẻ. Vì vậy trong 24 giờ đầu sau sinh, trẻ đã được tiêm vắc-xin theo Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 1,4 triệu trẻ em ra đời…”, PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – cho biết.
Phụ huynh đưa con đi tiêm vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM
Khoảng 20 triệu mũi tiêm/năm
Chương trình TCMR bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Chương trình có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao. Sau một thời gian thí điểm, chương trình từng bước được mở rộng dần cả về địa bàn và đối tượng tiêm chủng. Từ năm 1985 đến nay, toàn bộ trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc đã có cơ hội được tiếp cận với Chương trình TCMR. Đến năm 2010, đã có 11 vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào chương trình bao gồm vắc-xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.
“Theo Nghị quyết 104/NQ-CP ngày 15-8-2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc-xin trong Chương trình TCMR giai đoạn 2021-2030; dự kiến quý II/2024 sẽ đưa vắc-xin Rota (loại vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy – bệnh rất phổ biến và nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ – do virus Rota gây ra – PV) vào Chương trình TCMR; từ năm 2025 đến 2030 sẽ đưa các vắc-xin phế cầu (giúp phòng ngừa các bệnh lý do phế cầu gây ra như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai, nhiễm trùng huyết… Tiêm vắc-xin phế cầu giúp bảo vệ phổi và hệ hô hấp – PV), vắc-xin HPV (vắc-xin giúp phòng bệnh ung thư cổ tử cung và u nhú bộ phận sinh dục, sùi mào gà – PV) và vắc-xin cúm mùa (là một giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn bệnh cúm – một căn bệnh lành tính, tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, nó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh) vào Chương trình TCMR”, TS. Hồng thông tin.
Cũng theo TS. Hồng, hiện nay, hàng năm nước ta có khoảng 20 triệu mũi tiêm cho tất cả các đối tượng trẻ em trong Chương trình TCMR. Cả nước có khoảng 11 ngàn điểm tiêm cố định và khoảng 4 ngàn điểm tiêm khác thực hiện Chương trình TCMR.
“Chương trình TCMR là điểm sáng của ngành y tế trong việc thực hiện công bằng về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiêm chủng đến được với tất cả trẻ em từ thành thị, nông thôn đến biên giới hải đảo, vùng sâu – vùng xa. Năm 2000, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt. Căn bệnh này chưa được thanh toán trên phạm vi toàn cầu. Bệnh bại liệt do virus hoang dại (nếu mắc thì sẽ bị liệt suốt đời) hiện vẫn lưu hành tại một số quốc gia như Apghanistan, Pakistan, Mozambique. Năm 2005, Việt Nam được quốc tế công nhân đạt mục tiêu loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh…”, TS. Hồng nhấn mạnh.
Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch
Mỗi năm Chương trình TCMR hoàn thành 12 chỉ tiêu và mục tiêu. Năm 2022, mặc dù vẫn còn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các chỉ tiêu và mục tiêu cơ bản đạt kết quả cao. Cụ thể, không có địa phương nào để bệnh bại liệt quay trở lại; 100% huyện duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 90%; trên 85% phụ nữ có thai được tiêm đủ mũi vắc-xin uốn ván; tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh đạt trên 80% (10 năm trước chỉ có 24%); tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin sởi – rubella đạt trên 95%; tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin DPT 4 (bạch hầu, ho gà, uốn ván) đạt trên 80%; tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản và IPV 2 (ngừa bại liệt) đều đạt trên 90%; tỷ lệ mắc sởi dưới 5/100.000 dân (ngành y tế cố gắng loại trừ bệnh sởi vào năm 2025); tỷ lệ bạch hầu dưới 0,05/100.000 dân; tỷ lệ mắc ho gà dưới 1/100.000 dân.
Tuy nhiên, “năm 2023 do thiếu một số loại vắc-xin nên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ bị sụt giảm đáng kể. Thấp hơn bình quân mọi năm khoảng 10%, ngành y tế đang và sẽ nỗ lực khắc phục trong quý I/2024”, TS. Hồng cho biết.
Theo đó, từ đầu tháng 1 đến nay, sau khi tiếp nhận 490.600 liều vắc-xin DPT-VGB-Hib (5 trong 1), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ cho các địa phương để tiến hành tiêm chủng cho trẻ em trong Chương trình TCMR. Trong đó ưu tiên trẻ dưới 2 tháng chưa tiêm mũi 1, nhóm trẻ nhỏ tuổi nhất; tiêm mũi 2, 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi. Từ ngày 4-1 đến nay, các địa phương đang khẩn trương tiêm bù, tiêm vét nhằm đạt tỷ lệ bao phủ 95%.
Riêng tại TP.HCM, sau khi triển khai tiêm chủng vắc-xin 5 trong 1, TP tiếp tục triển khai tiêm chủng thêm các vắc-xin khác trong Chương trình TCMR. Cụ thể, TP đã nhận 8.100 liều vắc-xin 5 trong 1, 55.000 liều vắc-xin phòng lao (BCG), 25.000 liều vắc-xin viêm gan B, 36.000 liều vắc-xin bại liệt – dạng uống (bOPV), 23.000 liều vắc-xin sởi, 18.000 liều vắc-xin sởi – rubella (MR), 9.700 liều vắc-xin viêm não Nhật Bản, 34.100 liều vắc-xin phối hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván (DPT) và 30.300 liều vắc-xin uốn ván.
Công tác tiêm chủng được triển khai đầy đủ tại 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức với điểm tiêm tại 310 phường/xã/thị trấn, các bệnh viện quận, huyện và một số bệnh viện tuyến TP.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Nếu tuân thủ việc tiêm chủng, trẻ nhỏ sẽ giảm được nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm màng não mủ, lao, rubella, quai bị, viêm não Nhật Bản, thương hàn… Bên cạnh đó, tiêm chủng vắc-xin còn giúp giảm thiểu tối đa các di chứng, biến chứng, tử vong do bệnh tật so với trường hợp không được tiêm phòng. Các vắc-xin trong Chương trình TCMR hiện đang được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Để phòng tránh các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, các bậc cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đến cơ sở tiêm chủng để trẻ được tiêm đầy đủ, đúng lịch…
Kim Anh
Bình luận (0)