Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Vắc-xin phòng bại liệt: Làm gì nếu không nhớ bé đã tiêm đủ liều hay chưa?

Tạp Chí Giáo Dục

Trước thông tin ở Lào xuất hiện một số ca bại liệt, nhiều phụ huynh băn khoăn làm cách nào phòng ngừa bại liệt cho trẻ nhỏ?…

Trước thông tin ở Lào xuất hiện một số ca bại liệt, lây lan trong cộng đồng và đã có trường hợp tử vong, nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn, cách nào phòng ngừa căn bệnh này cho trẻ nhỏ và khi nào nên đưa trẻ đi tiêm phòng? Báo phụ Nữ đã trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM về một số thông tin liên quan.

* Sốt bại liệt lây truyền nguy hiểm như thế nào, thưa bác sĩ?

– Sốt bại liệt là một bệnh truyền nhiễm diễn tiến cấp tính do vi rút bại liệt (poliovirus) gây ra. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và tiếp xúc qua đường miệng do tay bẩn, hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước bị nhiễm phân có vi rút bại liệt.

Vi rút xâm nhập làm tổn thương tủy sống, tùy theo vị trí tổn thương sẽ gây liệt từ mức độ nhẹ, trung bình và nặng nhất là liệt cơ hô hấp gây tử vong. Triệu chứng của bệnh thể điển hình với tình trạng sốt, viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, hội chứng màng não: nhức đầu, nôn ói, táo bón, ở trẻ nhỏ có dấu hiệu phồng thóp trước; rối loạn thần kinh: vã mồ hôi, li bì, vật vã… Cuối cùng là liệt mềm yếu cơ nhẹ đến liệt nhóm cơ và liệt hoàn toàn.

Vac-xin phong bai liet: Lam gi neu khong nho be da tiem du lieu hay chua?
Ảnh mang tính minh họa: Internet

* Nhóm người có nguy cơ mắc bệnh?

– Bệnh xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi chưa chủng ngừa bại liệt. Theo thống kê, 60- 80% bệnh nhân ở lứa tuổi hai-năm tuổi. Bệnh sốt bại liệt hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng, hạn chế di chứng, phục hồi chức năng vận động nhưng hiệu quả rất hạn chế.

Cách phòng ngừa tốt nhất hiện nay là phòng bệnh bằng vắc-xin. Hiện có hai loại vắc-xin là: IPV – vắc-xin bất hoạt dạng tiêm có trong thành phần vắc-xin Infanrixhexa (6 trong 1) hoặc vắc-xin Pentaxim (5 trong 1). OPV: vắc-xin sống giảm độc lực dạng uống sử dụng miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia.

Theo lịch chủng ngừa quốc gia (miễn phí): trẻ được uống ba lần, mỗi lần hai giọt. Lần 1: khi trẻ được hai tháng tuổi; lần 2: khi trẻ được ba tháng tuổi; lần 3: khi trẻ được bốn tháng tuổi. Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ chủng ngừa đầy đủ bệnh bại liệt tại các trạm y tế phường, xã hoặc bệnh viện có thực hiện tiêm chủng mở rộng.

Đối với người lớn, một số trường hợp khi đi nước ngoài, vào vùng dịch, có thể phải tiêm vắc-xin ngừa bại liệt theo yêu cầu nước sở tại.

* Việt Nam đã sản xuất được vắc-xin phòng bại liệt? TP.HCM đã thực hiện việc phòng chống căn bệnh này như thế nào?

– Việt Nam có bệnh bại liệt trong phạm vi cả nước. Trong những năm 1959 – 1960, bệnh bại liệt bùng phát thành dịch lớn tại các tỉnh phía Bắc với khoảng 17.000 trẻ mắc bệnh và trên 500 trẻ tử vong. Để phòng chống bệnh bại liệt, Bộ Y tế đã chỉ đạo nghiên cứu sản xuất vắc-xin. Năm 1962, Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội đã sản xuất thành công vắc-xin Sabin (OPV).

Trước tác hại của bệnh bại liệt đối với sức khỏe trẻ em toàn thế giới, năm 1988 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước hưởng ứng cam kết đẩy mạnh công tác tiêm chủng và hoàn thành thanh toán bại liệt vào năm 2000. Và, Việt Nam được WHO công nhận thanh toán bại liệt vào tháng 10/2000.

Theo chỉ đạo của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, TP.HCM tăng cường thực hiện tiêm chủng mở rộng, cho trẻ uống đủ ba liều vắc-xin OPV. Rà soát các trường hợp trẻ chưa uống ba liều OPV và vận động phụ huynh đưa trẻ đi chủng ngừa đầy đủ. Đảm bảo cung ứng đầy đủ vắcxin phòng bệnh.

Tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện ca liệt mềm cấp theo quy định… Lưu ý, với những trường hợp trẻ dùng vắc-xin chưa đủ số lần hoặc do phụ huynh không nhớ chắc con em đã dùng đủ vắc-xin hay chưa, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn dùng vắc-xin bổ sung.

 

Vinh Nguyễn/ PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)