TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, giải đáp thắc mắc cho HS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân tại chương trình
|
Đăng ký môn thi tự chọn nào để dễ xét tuyển vào ĐH, CĐ? Có nên học theo khối hay không?… Đó là các câu hỏi mà các em học sinh (HS) đặt cho Ban tư vấn chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại các trường THPT Bình Tân, Nguyễn Hữu Huân, Sương Nguyệt Anh.
Chọn môn thi nào dễ đậu ĐH?
Năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành kỳ thi THPT quốc gia, một trong những vấn đề mà HS còn băn khoăn là kỳ thi này sẽ được tổ chức như thế nào?
Tư vấn tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Năm học này, HS lớp 12 sẽ thi chung một kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, để xét tốt nghiệp, các em sẽ thi 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn cộng với điểm xét tuyển trung bình lớp 12. Còn để xét vào các trường ĐH và CĐ, chúng tôi dự đoán những HS có học lực tốt có thể thi 5 đến 6 môn vì các trường ĐH, CĐ sẽ xét tuyển theo tổ hợp. Trong đó các trường bắt buộc phải xét theo quy chế cũ là 3 môn thi theo khối truyền thống, có trường có thêm một số tổ hợp mới như năm nay Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có thêm tổ hợp toán, hóa, tiếng Anh”.
Trong chương trình tư vấn năm nay, các em HS đã đặt các câu hỏi cụ thể và chi tiết hơn so với các năm trước, đặc biệt là việc lựa chọn môn thi tự chọn sao phù hợp với sức học. Em Hoàng Quốc Bảo (HS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) thắc mắc: “Trong kỳ thi THPT quốc gia, nếu em chọn khối A1 hoặc khối D1 thì có nhiều lợi thế không? Vì nếu chọn hai khối này, ngoài 3 môn bắt buộc là toán, văn và tiếng Anh thì em chỉ cần thi thêm một môn nữa là có thể xét vào ĐH; trong khi nếu chọn các khối khác, em có thể phải thi ít nhất 2 môn thi tự chọn”. Tâm đắc với câu hỏi này, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) phân tích: “Suy luận của em hoàn toàn có căn cứ. Với 3 môn thi bắt buộc là toán, văn và tiếng Anh thì khối D1, các em có lợi thế nhất vì đã nằm trong 3 môn bắt buộc; còn khối C các em phải thi thêm 2 môn tự chọn là lịch sử và địa lý”.
Có nên tập trung vào một khối thi?
Năm nay, Bộ GD-ĐT tích hợp 2 kỳ thi THPT và ĐH, CĐ thành 1 nên đề thi, theo dự đoán của chúng tôi sẽ đáp ứng yêu cầu HS tốt nghiệp THPT nhưng cũng có độ phân hóa để xét vào ĐH, CĐ.
|
Tại Trường THPT Bình Tân, buổi hướng nghiệp như “bùng nổ” trước hàng loạt câu hỏi mà các em HS đặt ra cho Ban tư vấn. Theo đó, bên cạnh các câu hỏi như: Đăng ký môn thi tự chọn nào cho dễ đậu ĐH? Nên ưu tiên sở thích hay năng lực? Làm thế nào để tránh thất nghiệp…, các em còn quan tâm đến chuyện: Học như thế nào để đạt được điểm cao? Đề thi sẽ được ra như thế nào?…
Em Phạm Văn Tùng (lớp 12A2) đặt câu hỏi cho bạn Lê Ngọc Bảo Trang (á khoa Trường ĐH Luật TP.HCM trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013): “Chị có thể chia sẻ bí quyết học để em có thể giành một tấm vé vào ĐH?”. Về vấn đề này, Bảo Trang cho biết: “Khi đăng ký thi ĐH, tôi đăng ký 2 khối và tập trung nhiều thời gian để ôn tập các môn trong 2 khối này. Với các bài tập toán, tôi thường tìm hiểu các bài khó trên mạng, vì đề ĐH có độ phân hóa rất cao. Còn với khối thi thuộc lĩnh vực xã hội thì ngoài việc nắm chắc kiến thức, tôi thường liên hệ thêm các vấn đề, sự kiện ngoài xã hội”.
Trong khi đó, ThS. Trần Từ Duy (Trưởng phòng Hướng nghiệp – Việc làm, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Năm nay, Bộ GD-ĐT tích hợp 2 kỳ thi THPT và ĐH, CĐ thành 1 nên đề thi, theo dự đoán của chúng tôi sẽ đáp ứng yêu cầu HS tốt nghiệp THPT nhưng cũng có độ phân hóa để xét vào ĐH, CĐ. Vì là một kỳ thi tích hợp, trong đó phải thi ít nhất là 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn để xét tốt nghiệp THPT, sau đó các em có thể thi thêm một số môn để xét vào ĐH, CĐ. Do đó các em không nên tập trung học 3 môn theo khối như trước đây mà cần dàn trải hơn”.
Không chỉ định hướng cho HS lớp 12, tại Trường THPT Sương Nguyệt Anh, Ban tư vấn còn định hướng cho HS lớp 10 và 11. TS. Lê Thị Thanh Mai cho hay: “Năm 2015, các trường ĐH ít tuyển sinh theo tổ hợp môn mới, chủ yếu là theo các khối truyền thống A, B C, D cũ, nhưng sang năm 2016 trở đi sẽ có nhiều tổ hợp môn thi mới nên HS lớp 10 và 11 hiện nay không nên chủ quan học theo khối thi và phải có định hướng, chiến lược ngay từ sớm”.
Bài, ảnh: Minh Châu
4 bước chọn nghề
Để chọn nghề phù hợp, không nên nhìn ánh hào quang của nghề mà nên thực hiện theo 4 bước cơ bản sau: Liệt kê 5 nghề mình yêu thích; tham khảo trên Google với dòng chữ MÔ TẢ CÔNG VIỆC cộng với nghề mà mình yêu thích để xem nghề đó có những yêu cầu gì, phù hợp sở thích của mình hay không; xâm nhập thực tế, tận dụng các mối quan hệ để trực tiếp biết rõ về nghề hơn; bước cuối cùng là chọn trường thi, mỗi trường có một thế mạnh riêng, cùng một ngành đào tạo nhưng khung chương trình mỗi trường sẽ khác nhau khoảng 20-30%, vì vậy các em nên dành một vài buổi đến trường để tìm hiểu thông tin kỹ hơn.
|
Bình luận (0)