Các nhà nghiên cứu Úc vừa tạo cú đột phá khi phát hiện một loại vắc-xin chống sốt rét – căn bệnh nguy hiểm khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm, đặc biệt là trẻ em.
Phát hiện chỉ ra rằng, những người phát triển khả năng miễn dịch với sốt rét, thường phát triển các kháng thể chuyên tấn công protein PfEMP1, vốn là loại protein được sản xuất ra bởi ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum – tác nhân gây ra hầu hết các trường hợp mắc bệnh sốt rét.
Theo báo cáo của tạp chí Journal Clinical Investigation (Mỹ), GS James Beeson, nhà nghiên cứu thâm niên thuộc Viện Brunet – Trung tâm nghiên cứu vi trùng học và lây nhiễm bệnh lớn nhất nước Úc, cho biết phát hiện này là một thành tựu trong việc phát triển một loại vắcxin hiệu quả giúp chống lại bệnh sốt rét.
Những phát hiện này đã vén lên bức màn bí ẩn về các loại protein gây sốt rét, được gọi là kháng nguyên bề mặt biến thể (VSAs), và VSAs có thể bị tấn công bởi một loại vắc-xin hiệu quả, nhằm tạo nên sự miễn dịch của cơ thể với ký sinh trùng sốt rét, theo một tuyên bố của các nhà khoa học Viện Burnet.
“Một loại vắcxin chống lại bệnh sốt rét sẽ giúp kéo giảm căn bệnh mang tính toàn cầu mà tới nay chưa có bất cứ vắcxin phòng ngừa nào thích hợp”, giáo sư Beeson nói.
Các nhà khoa học cho biết, bệnh sốt rét gây ra bởi một loại ký sinh trùng lây nhiễm vào các tế bào máu của con người và tái tạo trong đó. Trong thời gian ở bên trong các tế bào, ký sinh trùng sốt rét sản xuất ra các loại protein đặc thù, khiến các tế bào máu bị nhiễm quyện lại với nhau, gây tắc nghẽn các mạch máu. Tình trạng huyết khối có thể xảy ra trong các cơ quan như não, phổi và nhau của phụ nữ mang thai, gây nên các chứng bệnh nghiêm trọng và dẫn đến tử vong.
Theo PNO
Bình luận (0)