Các vườn vải chín sớm ở H.Lục Ngạn (Bắc Giang) được mùa và đang có giá bán cao nhất trong nhiều năm qua.
Hiện nhiều vườn vải chín sớm nhóm giống vải u trứng, u hồng và u thâm của người dân H.Lục Ngạn bắt đầu cho thu hoạch. Tại các điểm thu mua, vải chín sớm có giá bán dao động từ 30.000 – 45.000 đồng/kg, còn đối với loại vải lai Thanh Hà chính vụ đang lác đác cho thu hoạch thì giá cao ngất ngưởng, từ 50.000 – 53.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với mùa vải năm 2016.
Chị Nguyễn Thị Trúc, chủ vườn vải tại xã Hồng Giang (H.Lục Ngạn) cho biết, vải chính vụ thường cho thu hoạch vào khoảng cuối tháng 6 nhưng năm nay thời tiết khắc nghiệt nên vải chính vụ giảm sản lượng một nửa so với năm 2016, thậm chí nhiều chủ vườn mất trắng. Mùa vải này, gia đình chị Trúc trông cả vào diện tích trồng giống vải chín sớm đang trĩu quả trên cành. Theo chị Trúc, vải chín sớm vừa được mùa, vừa được giá nên sẽ cho thu nhập cao.
Có nhiều vườn vải trồng tập trung theo tiêu chuẩn Global Gap và VietGap vốn được các doanh nghiệp trong nước chọn thu mua để xuất khẩu, xã Tân Mộc (H.Lục Ngạn) đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch. May mắn là vùng vải chín sớm được mùa nhất, dọc đường vào các thôn, xóm của xã Tân Mộc, nhiều vườn vải quả sai trĩu cành. Chủ khu vườn với hơn 100 gốc vải, sẽ cho thu hoạch trong khoảng 7 – 10 ngày nữa, ông Nguyễn Văn Tải (ngụ tại xã Tân Mộc) ước tính sản lượng vải chín sớm của gia đình cao gấp đôi so với năm 2017. Cộng với giá vải cao ngay từ đầu vụ, dự kiến doanh thu từ vườn vải này sẽ vào khoảng 250 – 300 triệu đồng.
Theo ông Tải, vải đầu mùa giá cao là quy luật chung của thị trường. Khi vải chính vụ bắt đầu cho thu hoạch thì giá bán vải chín sớm thường giảm rất mạnh, thậm chí có thời điểm chỉ còn một nửa so với đầu vụ. Tuy nhiên, năm nay, vải lai Thanh Hà chính vụ bị mất mùa nên giá vải chín sớm tính từ cuối tháng 5 đến nay luôn ở mức ổn định hiếm thấy.
Doanh thu không dưới 2.000 tỉ đồng
Trao đổi với Thanh Niên, ông Cao Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND H.Lục Ngạn cho biết, mùa vải năm nay, ước tính sản lượng của toàn huyện đạt khoảng 100.000 tấn, chỉ bằng 2/3 so với tổng sản lượng mùa vải năm 2016. Trong đó, vải chính vụ bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 20.6 bị mất mùa. Nhưng bù lại, loại vải chín sớm lại được mùa và giá bán cao, phá kỷ lục trong nhiều năm qua. Dự kiến doanh thu từ cây vải trong toàn huyện sẽ không dưới 2.000 tỉ đồng.
Theo ông Hoà, ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, năm nay UBND H.Lục Ngạn và Sở Công thương tỉnh Bắc Giang đã xúc tiến mở nhiều kênh tiêu thụ vải ở thị trường nội địa. Theo đó, điểm mới trong tổ chức hệ thống tiêu thụ vải trong nước là thành lập thêm các hợp tác xã, tổ liên kết, chi hội tiêu thụ vải. Bằng cách này, các hộ nông dân trồng vải trước đây chủ yếu là tự trồng tự bán thì nay được tập hợp thành đầu mối để dễ dàng ký kết các hợp đồng tiêu thụ vải với các doanh nghiệp.
Hiện, toàn H.Lục Ngạn đã có thêm 5 hợp tác xã, 247 tổ liên kết và 27 chi hội sản xuất và tiêu thụ vải được thành lập. Ngoài thương lái Trung Quốc thu mua trực tiếp tại vườn, nhiều doanh nghiệp trong nước bắt đầu tìm về Lục Ngạn thu mua vải để xuất khẩu hoặc đưa vào các hệ thống, chuỗi siêu thị.
Phan Hậu (TNO)
Bình luận (0)