Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Vài kỷ niệm nhỏ với Cánh đồng hoang

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong phim Cánh đồng hoang

Năm 1966, tôi vượt Trường Sơn về chiến trường Đồng Tháp Mười vào đúng mùa nước nổi. Đây là một chiến trường không có núi non, chiến sĩ cán bộ đều sống trên chiếc xuồng lênh đênh trên mặt nước. Tránh pháo, tránh bom, tránh trực thăng băng xuống chỉ có một cách duy nhất là… lặn. Dân Đồng Tháp ai mà không biết bơi, biết lặn, biết chèo, biết chống. Nhưng những đứa nhỏ một hai tuổi thì sao? Nhà nào có con nhỏ, thì cha mẹ đã có sẵn bao ni lông. Bom đạn tới thì cha mẹ bỏ đứa nhỏ vào bao ni lông nhấn nó xuống nước, bom đạn dứt thì trồi lên, mở miệng bao ni lông cho nó thở. Nhìn đứa nhỏ được cha đưa ra khỏi bao ni lông, mặt nó ngơ ngơ ngác ngác, tôi bần thần, bị ám ảnh rất lâu. Cũng từ hình ảnh của đứa bé, tôi mơ mơ màng màng nghĩ đến một phim về chiến tranh. Nghĩ vậy thôi chứ chưa viết, không biết viết thế nào và nếu viết được thì lúc bấy giờ không thể nào thực hiện được. Vậy là tôi “ngậm” lại, để đó. 12 năm sau mới viết. Tôi viết Cánh đồng hoang vào buổi sáng ngày 18-12-1978. Kịch bản tôi không trao cho ai ngoài đạo diễn Hồng Sến, bởi tôi với anh có cùng một vốn sống. Đạo diễn và tác giả kịch bản có cùng một vốn sống là một yếu tố quan trọng cho sự thành công. Có một điều băn khoăn, tôi nói với Hồng Sến, làm sao có một đứa nhỏ, và ai dám cho con mình đóng một vai nguy hiểm như vậy, chắc là phải làm con búp bê thay cho đứa nhỏ. Nhưng Hồng Sến đã làm được. Một điều khó nữa, phim phải có trực thăng. Lúc đầu tôi định viết một bầy trực thăng, ít nhất phải 12 chiếc, rợp trời sẽ ầm ĩ, rung động cả trời đất. Đến khi tìm hiểu được biết, HU1A của Mỹ bỏ lại có vài chiếc thôi. Vậy là tôi viết một đội, ba chiếc cũng đủ gây “sóng gió” rồi. Không có ba chiếc trực thăng thì bộ phim coi như dẹp. Hết sức tình nghĩa, các đồng chí quân đội không chỉ giúp đỡ mà cảm thấy có trách nhiệm với bộ phim về chiến tranh. Không thuê mướn gì hết, xăng dầu thì tính vào xăng dầu tập bay. Phim về chiến tranh mà thiếu sự hỗ trợ của quân đội, rất khó thành công. Ba diễn viên phi công đã diễn rất xuất sắc. Bây giờ xem lại, ba chiếc trực thăng khi quần đảo trên bầu trời, khi là trên ngọn cây, ngọn cỏ càng phục tài năng quay phim Đường Tuấn Ba. Về nhạc phim này do Trịnh Công Sơn đảm nhận. Sau khi phim Cánh đồng hoang được trình chiếu thì anh em nói đùa là bộ phim của “Sơn, Sến, Sáng”, sau gọi là phim của “ba chữ S”.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Bình luận (0)