Ở các huyện miền núi xa xôi của tỉnh Kontum có các “nhân viên hỗ trợ” giáo viên. Không chỉ trên lớp mà các trợ giảng này còn lặn lội đến nhà học sinh sau giờ học nhắc nhở học sinh học bài, làm bài…
Nhân viên hỗ trợ tuy chỉ là người đóng “vai phụ” của giáo viên, nhưng lại là người không thể thiếu trong sự phát triển giáo dục ở Kontum.
Anh A Tông Lêu giảng giải cho học sinh người Xê Đăng ở điểm trường Kon Mong, xã Đăk Hring – Ảnh: Trần Thảo Nhi
Chân dung “vai phụ”
Theo ông Hoàng Xuân Cẩm – trưởng phòng tiểu học – mầm non, Sở GD-ĐT Kontum, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kontum có 368 nhân viên hỗ trợ giáo viên tại tám huyện với gần 100 trường tiểu học (345 lớp, gần 5.000 học sinh) và 335 điểm trường tại các buôn làng. Đây là một trong những nội dung của dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Để người đóng “vai phụ” hoàn thành được khối lượng công việc đòi hỏi họ phải là người bản địa, có trình độ văn hóa nhất định và biết diễn đạt một cách thấu đáo, dễ hiểu mọi vấn đề trước học sinh. Với các em học sinh ở miền núi, nhiều sự vật các em không thể hình dung được dù có tranh ảnh minh họa, nhưng nhờ có những trợ giảng này mà các em hiểu các vấn đề một cách thấu đáo…
Tìm đến các trường trong tỉnh chúng tôi nghe các thầy cô, phụ huynh và cộng đồng đánh giá cao vai trò của nhân viên hỗ trợ. Dễ dàng hình dung đó là những người có uy tín cao trong cộng đồng các dân tộc, thông thạo đường đi lối lại, hiểu tâm lý và hoàn cảnh các em, rành tiếng Việt và tiếng bản địa… Họ được ban giám hiệu các trường tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng dạy tiếng Việt, cách làm và sử dụng linh hoạt đồ dùng dạy học, cách huy động học sinh ra lớp.
Nữ “nhân viên hỗ trợ” Y Khâm người dân tộc Xơ Dră, ở làng Kon Bưu (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy), kể: “Tôi học lớp 11 Trường Dân tộc nội trú huyện Kon Rẫy, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải chấp nhận nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình. Nghỉ học ở nhà buồn lắm nên khi các thầy cô đến vận động làm “nhân viên hỗ trợ”, tôi nhận lời ngay và thấy đây là một công việc rất vui, thú vị”. Ngoài những buổi phụ giáo viên đứng lớp và bao công việc không tên để duy trì sĩ số học sinh, Y Khâm còn phải tranh thủ làm rẫy và khi rảnh rỗi không ngần ngại đi làm mướn kiếm tiền vì thu nhập cho công việc hỗ trợ giáo viên chỉ có 500.000 đồng.
A Tông Lêu (huyện Đăk Hà) từng giữ nhiều chức vụ trong làng như phó trưởng thôn, phụ trách mặt trận thôn, đoàn thanh niên nhưng chưa “chức vụ” nào được anh xem trọng như công việc “nhân viên hỗ trợ”. Lêu nói: “Mình được dân làng tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ, cương vị khác nhau, nhưng từ khi được chọn làm nhân viên hỗ trợ giáo viên mới thấy đây là công việc thú vị, hấp dẫn nhất, bởi công việc mình làm chẳng khác nào một giáo viên thực thụ. Trẻ con rất quý mến, suốt ngày quấn quýt nên thấy rất vui và hạnh phúc, muốn gắn bó công việc này lâu dài…”.
Nâng chất lượng giáo dục
Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Giót (xã Đăk Hring) Phạm Quang Thiện cho biết: “Nhân viên hỗ trợ giáo viên có vai trò và đóng góp quan trọng cho việc nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Họ đã vận động, thuyết phục các em học sinh đến lớp đông đủ, kiên trì tập cho các em nói tiếng Việt. Trong buổi lên lớp, hễ vắng em nào họ lại đôn đáo đến nhà tìm hiểu và có biện pháp giúp đỡ các em trở lại lớp. Vấn đề gì học sinh chưa hiểu sẽ được họ giảng giải cho tới khi nào các em hiểu mới thôi”.
Cô giáo Lê Thị Tâm, dạy tại điểm trường cụm làng Kon Đao Yốp (huyện Đắk Hà), cho biết: “Ngoài giờ lên lớp, nhân viên hỗ trợ giáo viên đã làm việc không kể giờ giấc, buổi tối họ đánh kẻng làm hiệu lệnh học bài, rồi lần lượt đi kiểm tra việc học bài của các em tại gia đình. Em nào chấp hành chưa nghiêm sẽ được nhắc nhở, vấn đề gì khó hiểu sẽ được giải thích… Từ ngày có các “nhân viên hỗ trợ” này giúp đỡ, mỗi giờ học của trẻ em Tây nguyên là một niềm vui, phấn khởi. Tâm lý rụt rè, sợ sệt, thụ động, tự ti, mặc cảm… của các em gần như được trút bỏ. Các em mạnh dạn hơn trong phát biểu xây dựng bài và dám đưa ra ý kiến của mình, vì thế chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt”.
TRẦN THẢO NHI /TTO
Bình luận (0)