Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vài suy nghĩ về đề thi môn ngữ văn

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh xem lại đề thi môn ngữ văn. Ảnh: Yên Hà

Dù có những ý kiến khác nhau về đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 nhưng nhìn chung, phần đông thí sinh, giáo viên và những người quan tâm đến giáo dục đều cho rằng đây là một đề khá hay, phù hợp với tính chất một kỳ thi chung, có tính gợi mở và tính giáo dục đáng kể.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề thi năm nay có khả năng yêu cầu thí sinh ở các mức độ tư duy: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Có thể nhìn nhận đề thi này ở một số góc độ tích cực sau:

Thứ nhất, đề thi có thể đánh giá được khả năng “đọc”, “hiểu”, “diễn đạt” cả về làm văn lẫn kiểm tra kiến thức tiếng Việt. Đề thi này thực sự tránh được tình trạng học thuộc lòng, thể hiện rõ ở phần “đọc hiểu”, mà qua việc nắm chắc kiến thức, thí sinh mới có thể vận dụng đúng vào từng câu hỏi. Đồng thời, không đi vào lối mòn bình giảng, phân tích các tác phẩm văn học, đề thi không chỉ kiểm tra được việc nắm bắt vấn đề của thí sinh mà còn đánh giá được năng lực diễn đạt, nhất là ở phần làm văn. Với phần viết các bài luận, thí sinh không chỉ phản ánh nhận thức của mình về vấn đề mà còn phải đưa ra được luận cứ, luận chứng, lập luận thế nào cho thuyết phục. Có thể nói, ba yêu cầu “đọc”, “hiểu”, “diễn đạt” là vấn đề rất quan trọng của môn văn hiện nay, và qua đề thi này sẽ hướng cho giáo viên lẫn học sinh quan tâm rèn các kỹ năng này nhiều hơn trong thời gian tới.

Thứ hai, đề thi gắn với một số vấn đề mang tính thời sự hiện nay. Trước hết, vấn đề biển đảo hiện vẫn rất “nóng”, không chỉ với những diễn biến trên biển Đông mà còn có xu hướng phát triển đất nước vươn ra biển của nước ta trong thời gian tới. Do đó, đọc, tìm hiểu về một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa có thể giúp cho thí sinh có thêm nhiều ý niệm về biển, đảo, hun đúc tình yêu biển đảo nhiều hơn. Hay vấn đề “vô cảm” cũng là một biểu hiện đáng báo động của xã hội ta hiện nay, trong đó người trẻ thường bị lên án. Trong khi họ sẽ trở thành lực lượng trụ cột trong xây dựng và phát triển đất nước, thì sự vô cảm có thể là lực cản không nhỏ cho quá trình đó, cũng như có thể làm cho các tiêu cực xã hội trầm trọng hơn, khiến nền tảng tinh thần của xã hội bị tác động xấu.

Một đề thi ở một kỳ thi, dù là kỳ thi quốc gia, thì vẫn chưa phản ánh được biểu hiện, thực chất của một nền giáo dục.

Thứ ba, đề thi có khả năng gợi mở tư duy cao cho thí sinh. Theo đó, đề thi không chỉ gợi mở trong ý tưởng mà còn trong nhận thức và hành động. Từ gợi mở về hiểu biết đối với một hòn đảo có thể khái quát thành hiểu biết về quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nâng cao hơn nữa là thành nhận thức về biển đảo, từ đó có thể hun đúc thành hành động cụ thể để giữ gìn biển đảo của Tổ quốc, biện pháp để phát triển kinh tế biển… Hay từ gợi mở về vai trò của rèn luyện kỹ năng sống có thể thúc đẩy thí sinh nâng cao thành động lực, phương hướng để học tập, thực hành và phát triển kỹ năng sống. Cũng như vậy, đã nhận thức được tác hại của sự vô cảm thì từng cá nhân sẽ phấn đấu khắc phục như thế nào, sẽ tác động đến cộng đồng như thế nào để hạn chế dần hiện tượng đó…

Thứ tư, đề thi có tính giáo dục. Tích hợp lại, đề thi có tính giáo dục cao, tức là không phải thi xong là quên hết. Người thi hẳn ít nhiều có hiểu biết, tình cảm về đảo Thuyền Chài, hẳn thấy mình nên làm gì để đừng mắc sự vô cảm, hẳn quan tâm đến việc rèn kỹ năng sống, hẳn có tình cảm tốt đẹp hơn về những người phụ nữ lam lũ, chịu thương chịu khó… Người thi rõ ràng là được tạo điều kiện để suy nghĩ, để hành động, từ đó nâng mình lên, chứ không phải chỉ để hoàn thành một bài thi rồi xếp xó…

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đề thi khá dài, dễ làm thí sinh lạc lối. Điều này có thể xem là “sự hai mặt”: Với thí sinh thiếu cẩn trọng sẽ dễ đọc lướt, đọc sót, dẫn đến làm thiếu, làm sai, tức là đã rèn kỹ năng đọc văn bản cho thí sinh. Còn với thí sinh kỹ lưỡng sẽ nhận ra rằng đề dài có thể qua đó cung cấp thêm nhiều dữ liệu, có tính định hướng cao, để dễ đi vào trọng tâm hơn.

Trúc Giang

Có thể ra đề mang tính tổng hợp hơn

Để có thể kiểm tra, đánh giá năng lực của thí sinh tốt hơn, Bộ GD-ĐT có thể ra đề mang tính tổng hợp hơn. Cụ thể ở phần kiến thức, nên cho thi trắc nghiệm, khi đó sẽ có nhiều câu hỏi, đánh giá được toàn diện hơn, tránh học tủ, từ đó cũng phân hóa thí sinh tốt hơn, nhất là trong điều kiện thi “2 trong 1” như thế này. Ở phần tự luận, thực chất cũng tiếp tục kiểm tra và đánh giá kiến thức, gắn với sự nắm bắt, hiểu biết các vấn đề xã hội, nhất là những vấn đề mang tính thời sự, đồng thời phân loại thêm nữa cho mục tiêu tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH qua các kỹ năng diễn đạt, thể hiện tư duy…

Dĩ nhiên, để đổi mới giáo dục, phải đi từ chương trình, sách giáo khoa, cách giảng dạy, cách kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Đề thi quốc gia chỉ là phần đỉnh của cái ngọn; do đó vẫn cần phần gốc thực sự tích cực, bền vững!

 

Bình luận (0)