Theo Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28-12-2023 của Bộ GD-ĐT, việc chọn sách giáo khoa để giảng dạy là do nhà trường tự quyết định, cụ thể là các tổ bộ môn lấy ý kiến giáo viên giảng dạy để đề nghị với nhà trường chọn sách dạy.
Theo tác giả, hiện nay nhà trường chưa phát huy hết mặt tích cực trong quan điểm có tính mở “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ảnh minh họa). Ảnh: TL
Quy định mới này hợp lý và sát sao với thực tế nhà trường hơn quy định trước đây là giao về cho địa phương. Tuy vậy, việc các tổ bộ môn lựa chọn sách hiện nay còn cho thấy nhiều bất cập, nhất là chưa đáp ứng hết tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa.
Tinh thần “mở” của chương trình mới
Cách lựa chọn phổ biến của giáo viên hiện nay là chọn bộ sách đã được chọn học các năm trước. Chẳng hạn, nếu ở lớp 10 và lớp 11 đã chọn bộ sách A (một trong 3 bộ sách, gồm Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo) thì lớp 12 cũng chọn bộ sách ấy. Cách làm này có nhiều hợp lý, như việc học sinh sẽ sử dụng sách đồng bộ trong quá trình học. Sẽ tránh chồng chéo, trùng lặp các văn bản giữa các khối lớp từ THCS đến THPT. Như ở môn ngữ văn, văn bản “Tôi có một giấc mơ” của Martin Luther King được học ở lớp 10 bộ Chân trời sáng tạo, trong khi bộ Kết nối tri thức với cuộc sống thì đưa vào lớp 11. Hay bài thơ “Tây Tiến” (Quang Dũng), bộ Chân trời sáng tạo học ở lớp 10, còn bộ Cánh diều học ở lớp 12. Ngoài ra, phụ huynh và học sinh cũng sẽ chủ động hơn trong việc mua sách học hàng năm.
Xu hướng thứ hai trong lựa chọn sách hiện nay là thầy cô chọn bộ sách mà giáo viên dễ dạy và học sinh dễ học. Nhiều thầy cô dạy THPT, sau 2 năm giảng dạy sách lớp 10 và lớp 11, đã có đủ thời gian để quan sát, đánh giá bộ sách nào nên chọn cho lớp 12, phù hợp với trường mình dạy. Vì thế, các tổ bộ môn sẵn sàng chọn lại bộ sách mới để sử dụng dù 1, 2 năm trước đã dạy bộ sách khác. Cả giáo viên cũng chấp nhận mất thời gian đầu tư soạn lại giáo án mới để dạy theo bộ sách chọn mới.
Điều quan tâm nữa của giáo viên khi chọn sách là phần tri thức ngữ văn mỗi bài học và sách giáo viên hướng dẫn cách dạy. Tổ trưởng bộ môn ngữ văn một trường THPT tại Q.Tân Phú (TP.HCM) nêu quan điểm: Sách nào trình bày dễ hiểu, dễ học và dễ dạy thì ưu tiên lựa chọn. Đây chính là việc “ngầm đánh giá” thành công trong cách biên soạn của các bộ sách.
Tuy nhiên, khi lựa chọn, giáo viên còn nhiều băn khoăn. Điều này cho thấy tình hình chung của nhà trường hiện nay là chưa phát huy hết mặt tích cực trong quan điểm có tính mở “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó là, theo quan điểm của những người xây dựng chương trình, điều này cũng đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn quán triệt trong buổi gặp gỡ trực tuyến với giáo viên toàn quốc trước đây, sách giáo khoa chỉ là học liệu, chương trình mới là pháp lý. Nên giáo viên có thể chọn cùng lúc nhiều bộ sách để giảng dạy. Lấy yêu cầu cần đạt của từng bài học, từng chủ đề làm chuẩn kiến thức. Và có thể chọn phần hay của bộ sách này và lược bỏ phần cảm thấy không phù hợp của bộ sách kia. Trong những buổi tập huấn sử dụng sách giáo khoa, soạn giả các bộ sách cũng đã nêu quan điểm rất rõ ràng là: Ngoài những tác phẩm bắt buộc phải được học, giáo viên có thể tự lựa chọn văn bản. Miễn sao đáp ứng yêu cầu cần đạt. Nếu áp dụng được như thế, thì các trường sẽ giảm bớt nặng nề về chọn lựa sách giáo khoa. Thậm chí, xu hướng tiến tới tương lai không xa, là các trường tự chủ xây dựng tài liệu giảng dạy, học tập riêng cho mình dựa trên cơ sở chương trình chung và tích hợp từ nhiều bộ sách giáo khoa hiện hành.
Sách giáo khoa và đề thi tốt nghiệp THPT
Việc chọn bộ sách giáo khoa (lớp 12) nào để giảng dạy cho năm học 2024-2025 sắp tới đây cũng là vấn đề được nhiều giáo viên quan tâm. Trong đó còn suy nghĩ chọn bộ sách này, không chọn bộ sách kia để sát với đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Thực tế này được ThS. Trần Lê Duy (đồng tác giả của nhóm biên soạn sách giáo khoa bộ Chân trời sáng tạo, môn ngữ văn) nêu quan điểm: “Có nhiều tổ bộ môn khi bàn về lựa chọn sách giáo khoa lớp 12 giảng dạy cho năm sau có suy nghĩ là lựa chọn bộ sách này, bộ sách kia vì bộ sách ấy sát với đề thi tốt nghiệp THPT. Đây là suy nghĩ không đúng. Vì bộ sách nào cũng lấy yêu cầu cần đạt của chương trình đề ra làm cơ sở để soạn, và khi ra đề, ban soạn đề thi cũng dựa vào yêu cầu cần đạt ấy. Cho nên việc chọn các bộ sách để học và để thi đều như nhau”.
Đặc trưng cách dạy và học của chương trình mới là hướng đến đánh giá kỹ năng của học sinh hơn là chú trọng kiến thức. Vì vậy, kiến thức bài học ở bộ sách giáo khoa nào cũng chỉ là học liệu, quan trọng là kỹ năng làm bài. Hơn nữa, các bài học ở cả 3 bộ sách (Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cánh diều) đều xây dựng theo khung quy định chung của chương trình bộ môn; các bài học thiết kế theo hệ thống nhóm thể loại văn bản. Nên việc học sinh học các thể loại văn bản là như nhau. Và khi đề thi cho văn bản ngoài sách giáo khoa, thì việc đem công bằng đến cho mọi học sinh được xem gần như tuyệt đối. Sách giáo khoa chỉ là phương tiện học tập. Cái quan trọng là giáo viên phải nắm vững chương trình. Các bộ sách giáo khoa phần lớn đều giống nhau vì theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sẽ có may rủi giữa các học sinh về đề thi vì học 3 bộ sách khác nhau. Tuy nhiên, nếu học sinh nắm chắc kỹ năng làm bài thì sẽ xử lý được đề thi, dù văn bản đề thi nằm ngoài sách giáo khoa.
Mặc dù vậy, cũng sẽ có trường hợp bất công bằng ở đề thi tốt nghiệp THPT khi học sinh học 3 bộ sách. Đó là, theo đề thi minh họa môn ngữ văn cho kỳ thi tốt nghiệp 2025 mà Bộ GD-ĐT đã công bố, văn bản trong đề thi có thể lấy một đoạn trích khác (miễn không trùng lặp với đoạn trong sách giáo khoa) của cùng tác phẩm đã được học trong chương trình. Đề minh họa là một đoạn trích trong sử thi “Đăm Săn” (sử thi Ê – Đê) lấy ở chương trình lớp 10. Đây chỉ là minh họa về dạng đề, cách đặt câu hỏi, chứ không liên quan đến kiến thức. Vì có thể kiến thức chỉ lấy ở sách giáo khoa lớp 12 (!?). Điều này kéo theo hệ lụy là, nếu đề thi ra văn bản của tác phẩm mà bộ sách A có học ở lớp 12, còn bộ sách B thì không học (vì 3 bộ sách không trùng nhau hoàn toàn), thì học sinh lớp 12 học bộ sách A sẽ được lợi, học sinh học bộ sách B sẽ thiệt thòi. Như trường hợp văn bản “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (Hoàng Phủ Ngọc Tường), trong khi bộ Chân trời sáng tạo học ở lớp 12, thì bộ Kết nối tri thức với cuộc sống học ở lớp 11. Vì vậy, thiết nghĩ, trước khi lựa chọn văn bản, ban soạn đề môn ngữ văn cần có sự đối chiếu, tổng hợp, đối sánh 3 bộ sách; cân nhắc đến tính phù hợp, công bằng cho học sinh cả nước.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)