Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vài suy nghĩ về môn… phụ

Tạp Chí Giáo Dục

Mấy năm gần đây, bộ môn lịch sử (LS) trong nhà trường đã được dư luận trong và ngoài ngành “quan tâm” vì chất lượng dạy và học chưa đạt được kết quả như mong muốn. Để góp phần vào việc tìm hiểu nguyên nhân và định hướng việc khắc phục những mặt yếu kém trong quá trình dạy và học bộ môn này, tôi xin có vài ý kiến nhỏ như sau:
– Một là: gia đình và học sinh không chịu đầu tư cho việc học môn LS vì trong nhà trường, trong xã hội đều coi đó là môn phụ! Không biết từ lúc nào, theo quan niệm truyền thống (?) của mọi người là có môn chính và môn phụ (môn chính gồm: toán, lý, hóa, sinh, văn, Anh văn và còn lại là môn phụ như lịch sử, địa lý, thể dục, giáo dục công dân, tin học, kỹ nghệ…). Nguyên nhân là đầu ra của môn LS như thi vào đại học rất hẹp (chỉ có ngành sư phạm, tổng hợp…). Ngoài ra các ngành khác không yêu cầu môn LS (?) hoặc thực dụng hơn là môn LS không dạy thêm được như các môn “tự nhiên”!
– Hai là: đội ngũ GV dạy môn LS vừa thiếu, vừa yếu, rất ít người có tâm huyết, say mê, đầu tư thích đáng cho bộ môn “khó ăn” này! Cũng dễ hiểu vì bản thân các GV bộ môn cũng bị ám ảnh là “môn phụ”. Theo tôi, dạy LS cũng rất cần có năng khiếu, rất cần sự đam mê nghề nghiệp (khả năng lôi cuốn, trình bày, kiến thức tổng hợp… để hấp dẫn HS). Ngồi dự giờ một số GV bộ môn LS, tôi cảm giác như họ không vào được các ngành khác nên đành vào ngành này! Nhìn chung hiện nay dạy LS chỉ “đọc – chép” là chính, cung cấp cho HS những kiến thức… đúng như sách giáo khoa là “đạt yêu cầu” – còn HS hiểu hay không, nhập tâm hay không lại là “xem hồi sau sẽ rõ”. Mặt khác, GV bộ môn LS nhiều người vẫn không chịu tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn. Hầu như họ ít bước chân vào thư viện, đọc báo hàng ngày, xem tin tức thời sự…
– Ba là: “Góp phần” không nhỏ cho thực trạng chán học LS là nội dung sách giáo khoa! Mục đích của việc học LS là giáo dục lòng tự hào về LS dân tộc, làm cho HS say mê tìm hiểu về những chặng đường LS của dân tộc… Nhưng nói thực tình là sách giáo khoa biên soạn vô cùng rối rắm, không hấp dẫn! Quá thừa nhiều chi tiết nhỏ nhặt, vụn vặt tưởng chừng không còn gì vụn vặt hơn và thiếu những nhận định sắc sảo, trí tuệ… Từ đó làm cho HS không còn thích học LS trong chương trình (không phải các em không yêu nước, không yêu LS) mà do nội dung chưa thực sự khoa học, hấp dẫn…
Lê Lam Hồng

Bình luận (0)