Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vài suy nghĩ về sách công cụ của người dạy văn

Tạp Chí Giáo Dục

Trong cuộc sống, nghề nghiệp nào cũng cần có công cụ để tham gia vào quá trình làm ra sản phẩm. Nếu thiếu công cụ thì mọi việc sẽ trở nên khó khăn, khó mà làm tốt được công việc mình cần. Trong nghề nghiệp dạy học, nhất là dạy văn, sách công cụ là điều không thể thiếu và vô cùng cần thiết. Đó là những cuốn sách cơ bản “gối đầu giường” như “Từ điển văn học”; “Từ điển tiếng Việt”; “Từ điển từ và ngữ Hán Việt”; “Từ điển thành ngữ, tục ngữ”; “Từ điển thuật ngữ văn học”; “Lý luận văn học”… Có một số ít giáo viên dạy văn cho rằng: Thời buổi công nghệ, cứ lên mạng internet tìm hiểu, cần gì phải mua sách; cần gì phải tra cứu sách, tìm hiểu cho vất vả. Muốn tìm khái niệm gì, kiến thức gì cứ gõ từ khóa lên Google là có ngay hàng trăm câu trả lời trong vòng vài giây, tha hồ chọn lựa! Nếu người ngoài cuộc nghe như vậy thì thấy rất đúng vì trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, việc tham khảo, tìm hiểu kiến thức rất dễ dàng, không mất nhiều thời gian như hàng chục năm trước đây. Tuy nhiên, có những “sự cố” khi có giáo viên sử dụng tư liệu trên mạng internet để ra đề thi. Đó là kiến thức không chính xác, trích dẫn thiếu từ, thiếu câu nên đề ra thiếu chính xác về ngữ liệu! Trên mạng đầy rẫy thông tin, kiến thức “thượng vàng hạ cám” đủ cả nhưng không thể tin được sự chính xác của nó!

Có sách công cụ rồi, cần có thói quen làm việc khoa học là tra cứu những kiến thức, thuật ngữ, từ ngữ mà mình chưa chắc chắn! Không thể chủ quan theo trí nhớ “hình như là…” mà phải tra cứu bằng giấy trắng mực đen mới đảm bảo sự tuyệt đối chính xác. Đặc biệt là từ ngữ Hán Việt, vì trong kho tàng tiếng Việt, có tới 70% số lượng từ Hán Việt. Hoặc có giáo viên dạy văn (do chưa đọc “Từ điển thuật ngữ văn học”) hỏi tôi: “Thế nào là tác gia? Thế nào là tác giả? Sao nhà văn này là tác gia mà nhà văn khác thì không?”. Cũng cần đề phòng tình huống khi có học sinh nào đó “cắc cớ” hỏi giáo viên câu trên thì còn biết đường mà giải thích hay phải nói câu: “Thầy xin khất và tuần sau sẽ trả lời!”.

Trong công việc giảng dạy, một khi giáo viên đưa ra những kiến thức chuyên môn, kiến thức lý luận chính xác sẽ có tác động tích cực tới sự nhận thức của học sinh. Ngược lại, khi đưa ra một kiến thức mà không tra cứu kỹ, không sàng lọc thì sẽ gây hại cho học sinh khi làm bài thi chẳng hạn. Nói thiệt tình là nhiều giáo viên dạy văn nhưng các loại sách công cụ không có do chưa đam mê thực sự bộ môn và chưa lập được tủ sách chuyên môn cho mình. Dạy văn cũng như dạy các bộ môn khác, là một nghề sinh sống mà mình cùng nghề đi hết cuộc đời. Do đó, rất cần thiết phải tìm tòi, mua sắm bằng được những cuốn sách công cụ trên. Vì nhiều khái niệm, nhiều thuật ngữ văn học không có trong sách giáo khoa mà giáo viên phải tự tìm hiểu mới có để phục vụ bài dạy của mình.

Lê Đc Đng

Bình luận (0)