Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vải thiều bấp bênh Nam tiến

Tạp Chí Giáo Dục

Những yếu kém trong hạ tầng nông nghiệp, thương mại và cả công tác xúc tiến thị trường là nguyên nhân khiến đầu ra trái vải nói riêng, nông sản nói chung gặp khó khăn
Hội nghị “Tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều vùng Đông Tây Nam bộ 2014” do Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bắc Giang, Hải Dương phối hợp cùng UBND TP.HCM vừa tổ chức tại TP.HCM cho thấy, đầu ra loại trái cây đặc sản này rất bấp bênh khiến nông dân đối mặt với nhiều rủi ro.
Ngại đầu tư vì rủi ro kinh doanh cao
Theo đại diện UBND tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, vải thiều là loại đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, chủ yếu trồng ở hai tỉnh này. Năm 2014 tổng diện tích trồng vải thiều tại hai địa phương này khoảng 43.000ha, tăng 2,3%, sản lượng ước đạt 190.000 tấn quả tươi, tăng 13,6% so năm 2013. Trong đó, 60% sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước, 40% xuất sang thị trường Trung Quốc, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Singapore…
Theo ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, thị trường phía Nam tiêu thụ 50% tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ nội địa của tỉnh này. Tuy nhiên, thị trường chưa ổn định, thương nhân chủ yếu vẫn thu mua tự phát. “Bao bì, nhãn mác chưa đồng bộ, bảo quản, đóng gói thô sơ, chất lượng, mẫu mã sản phẩm cạnh tranh thấp, hay bị ép giá. Thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm kém chất lượng đội lốt vải thiều Bắc Giang làm ảnh hưởng uy tín”, ông Hạnh cho biết.
Được biết, đặc thù của vải chỉ kéo dài khoảng 2 tháng, như thế là đã cải tiến, đã áp dụng công nghệ. Loại trái cây đặc sản này khó bảo quản, khó vận chuyển đi xa, tỉ lệ hư hao cao, chi phí vận chuyển cao, đẩy giá thành lên cao gấp nhiều lần so với giá tại vườn. Các nhà bán lẻ, thương nhân cho biết dù muốn hỗ trợ nông dân Bắc Giang, Hải Dương tiêu thụ vải nhưng rủi ro kinh doanh mặt hàng này quá cao nên e ngại. Trong khi thị trường nội địa vẫn chưa thật sự ổn thì thị trường xuất khẩu càng… không ổn. Trái vải được xuất khẩu qua các thị trường Trung Quốc, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Singapore, Lào, Campuchia… Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc. Chính vì phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc nên thời điểm này khi quan hệ với quốc gia này trục trặc, lập tức việc xuất khẩu vải gặp khó. Theo ông Nguyễn Anh Cương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, so năm trước thì năm nay ít thương lái Trung Quốc đến mua hơn. Trong khi đó, lượng hàng xuất sang thị trường khó tính (Nhật, Hàn Quốc, châu Âu) mới chỉ chiếm 5% sản lượng xuất khẩu. “Nếu thị trường Trung Quốc giảm lượng tiêu thụ thì giá vải rất khó tăng, có thể tiếp tục giảm so đầu vụ, ảnh hưởng đến thu nhập và đầu tư vụ vải năm sau của nông dân”, ông Cương dự báo. Đại diện tỉnh Hải Dương cho rằng, địa phương đã hết sức quan tâm, tạo điều kiện, đảm bảo an ninh, an toàn cho thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều, nhằm tạo điều kiện đầu ra cho sản phẩm.
Thị trường nội địa lẫn xuất khẩu chưa ổn nhưng địa phương vẫn còn loay hoay, chưa tìm ra loại cây gì phù hợp thay thế cây vải, như lời đại diện tỉnh Hải Dương cho biết. “Không riêng gì cây vải, cây con gì cũng vậy. Cây vải, quả vải tốt, ngon nhưng chưa làm cho người dân các địa phương khác hiểu và tiêu thụ, phần lớn trách nhiệm thuộc về lãnh đạo địa phương”, ông Cương thừa nhận.
Hạ tầng yếu kém
Theo các đại biểu dự hội thảo, cũng chính đặc thù “khó chịu” và hạ tầng sau thu hoạch yếu kém càng khiến đầu ra quả vải khó khăn hơn. Cũng theo ông Cương, không thể trách doanh nghiệp, vì đầu tư vào nông nghiệp rủi ro cao nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ đúng mức. Một đại biểu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, ở Thái Lan doanh nghiệp xuất khẩu rau quả tươi được Nhà nước hỗ trợ đến chi phí vận chuyển. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần được hỗ trợ để đầu tư vào lĩnh vực này. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thẳng thắn đặt vấn đề tại hội nghị: “Sản lượng, chất lượng vải thiều đều tăng nhưng thu nhập nông dân không tăng lên. Trách nhiệm thuộc về ai? Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo. Trái cây nước ta rất tươi ngon, đa dạng không dễ gì nước nào có. Trái xoài hái xuống rất tươi nhưng để xuất sang Singapore thì không ổn do hạ tầng sau thu hoạch còn yếu kém. Ai chịu trách nhiệm việc này? Đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu thêm”.
Bà Hồng cho biết, để tìm đầu ra cho sản phẩm thì nói nhiều nhưng còn thiếu gắn kết. Không phải cứ xúc tiến là xuất được hàng, vì còn nhiều dích dắc. Thị trường nội địa hay xuất khẩu đều quan trọng. Thị trường nội địa tiềm năng lớn, thị trường xuất khẩu gia tăng giá trị nông sản, vải thiều. Vải thiều vào được thị trường TP.HCM có cơ hội phân phối đi các tỉnh khu vực và xuất ra thế giới. Tuy nhiên, yếu tố then chốt là công nghệ sau thu hoạch phải tốt. Hàng rào kỹ thuật, thuế quan cũng phải phù hợp để bảo hộ sản xuất, tiêu thụ nông sản trong nước. Đồng quan điểm, ông Đoàn Xuân Hòa, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng nhiều loại nông sản, trong đó quả vải đòi hỏi khắt khe công đoạn bảo quản, vận chuyển. Ngược lại, hạ tầng nông nghiệp nước ta vô cùng yếu kém. Nông sản sau thu hoạch không có gì để bảo quản, phương tiện vận chuyển không đảm bảo. Liên quan đến quả vải, ông Hòa kiến nghị, cần quan tâm thị trường nội địa, vì “hậu phương” chưa vững không thể làm xuất khẩu. Các đại biểu cho rằng, hạ tầng nông nghiệp yếu kém, hạ tầng thương mại cũng không ổn nên hàng sản xuất ra không bán được, người sản xuất nông nghiệp đời sống, thu nhập bấp bênh. Cần cơ cấu lại hoạt động sản xuất, thị trường, không để phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ bên ngoài nhiều quá. Trong đó, Nhà nước cần đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào kho vận, công nghệ sau thu hoạch.
Bài, ảnh: Vũ Việt Giang
Ông Nguyễn Anh Cương cho biết, đang đầu vụ nhưng việc tiêu thụ vải thiều có dấu hiệu khó khăn hơn năm 2013. Cụ thể, giá bán thấp hơn, chỉ bằng 50% cùng kỳ năm trước. 
 

Bình luận (0)