Trong thành công này, không thể không nhìn nhận vai trò to lớn của báo chí. Có thể điểm mấy đóng góp quan trọng của báo chí trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Phóng viên báo, đài phỏng vấn ông Nguyễn Trường Sơn (Thứ trưởng Bộ Y tế) trong dịp công bố xuất viện cho hai cha con quốc tịch Trung Quốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thời điểm chưa có khuyến cáo toàn dân đeo khẩu trang). Ảnh: D.Thương
Thông tin chính xác, kịp thời
Ngay từ đầu, báo chí nước ta đã thông tin rất sớm và kịp thời tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và có những cảnh báo khả năng lây nhiễm đến Việt Nam. Bối cảnh bùng phát dịch vào thời điểm dường như dễ xảy ra mất cảnh giác, đó là ngay vào lúc đang nghỉ Tết Nguyên đán và bắt đầu vào dịp có sự di chuyển lớn khi người dân từ các tỉnh đổ về các đô thị để làm việc trở lại. Do đó, những thông tin về tình hình lây nhiễm, cơ chế lây nhiễm, biện pháp phòng tránh, khả năng chữa trị… của báo chí là rất có ý nghĩa để người dân nâng cao hiểu biết và tự phòng tránh cho bản thân, gia đình. Nhiều nhà báo thực sự đã “xông pha” ở những điểm “nóng”, trong các bệnh viện, ở các khu cách ly, ở biên giới… để có những thông tin, hình ảnh chân thực, sống động, phong phú. Thậm chí có trường hợp nhà báo đã bị nhiễm Covid-19, đủ thấy nhiều người đã tác nghiệp trong tâm thế của những “phóng viên chiến trường” để kịp thời thông tin đến bạn đọc.
Trong giao ban báo chí trực tuyến về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế tổ chức, ngày 10-4-2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo) đã nhấn mạnh, báo chí góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bởi chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người…
Có khả năng định hướng tốt
Báo chí đã thể hiện sự định hướng rất tích cực trong suốt cuộc chiến chống dịch Covid-19. Điều này thể hiện qua các điểm sau: Thứ nhất, báo chí kịp thời phản ánh các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về công tác phòng chống dịch, thể hiện sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục, nhất quán và hiệu quả về công tác này, giúp người dân yên tâm và tin tưởng về hoạt động phòng chống dịch. Thứ hai, thông tin của báo chí cơ bản đúng mực, phù hợp, không gây hoang mang, lo lắng cho người dân nhưng cũng không làm dư luận chủ quan, thờ ơ. Thứ ba, báo chí kịp thời phê phán những biểu hiện thiếu lành mạnh trong công tác phòng, chống dịch, như thái độ lơ là, sự lo lắng quá mức của một số bộ phận nhân dân, việc thông tin sai trái liên quan đến dịch bệnh, hiện tượng đầu cơ khẩu trang, nước rửa tay… Thứ tư, báo chí thông tin nhanh về các hoạt động hỗ trợ người dân trong mùa dịch, như điểm phát khẩu trang miễn phí, điểm phát quà cho người nghèo, thủ tục nhận hỗ trợ theo các gói của Chính phủ và UBND thành phố… Thứ năm, báo chí kịp thời phản ánh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong hoạt động phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, như các y bác sĩ, lực lượng vũ trang, nhân viên phục vụ ở các điểm cách ly, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều sáng kiến trong hoạt động này…
Tích cực tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống dịch
Bên cạnh đó, báo chí đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Một trong những hoạt động nổi bật là làm cầu nối nhận ủng hộ, tài trợ của các tổ chức và cá nhân nhằm góp thêm tiền bạc, thiết bị, phương tiện trong công tác phòng, chống dịch. Với sự tác động của báo chí, không chỉ các doanh nghiệp mà nhiều người dân, trong đó có cả học sinh, người cao tuổi…, đã tích cực đóng góp hoặc tham gia nhắn tin ủng hộ để ngành y tế và các cơ quan, lực lượng chức năng có thêm điều kiện phòng, chống dịch có hiệu quả. Những việc làm đó có sự lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội. Ngoài ra, một số cơ quan báo chí còn trực tiếp tổ chức vận động và phát quà cho người nghèo, thể hiện tinh thần nhân văn và chia sẻ sâu sắc!
Phóng viên truyền hình phỏng vấn người bệnh trong khu cách ly. Ảnh: D.Thương
Góp phần tác động thay đổi một số hoạt động trên lĩnh vực giáo dục
Một điểm khá nổi bật nữa là báo chí đã tác động tích cực đối với hoạt động giáo dục trong thời điểm toàn bộ hệ thống trường lớp phải ngưng hoạt động để phòng, chống dịch. Nhiều báo đã đề cao giải pháp học trực tuyến, không chỉ là biện pháp ứng phó hữu hiệu trong mùa dịch mà còn xem là một xu thế trong bối cảnh hiện nay. Nhiều báo khác cũng đề xuất các cách thức dạy và học trực tuyến sao cho hiệu quả, phản ánh kịp thời những bất cập, hạn chế trong hoạt động này cũng như cảnh báo những rủi ro trong quá trình dạy và học. Các báo cũng đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu, thiết thực cho Bộ GD-ĐT về các biện pháp xử lý trong điều kiện dịch bệnh, như tính toán lại thời gian hoàn thành năm học, việc giảm tải chương trình, hình thức thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học… cùng một số hoạt động ngoài chuyên môn như biện pháp hỗ trợ giáo viên ngoài công lập bị mất việc do dịch, công tác phòng, chống dịch trong nhà trường như thế nào cho hiệu quả…
Dịch Covid-19 đã làm nhiều ngành, nhiều giới phải điều chỉnh hoạt động của mình thì chính báo chí cũng phải tự điều chỉnh để không chỉ thích nghi mà còn phải thực hiện tốt vai trò thông tin, định hướng của mình. Thực tế cho thấy, báo chí đã có nhiều đóng góp tích cực để góp phần cùng cả nước giành thắng lợi vang dội trong cuộc chiến cam go, khốc liệt này!
Trịnh Minh Giang
Bình luận (0)