Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Vai trò của công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng mà khả năng đáp ứng của ngành y tế chưa theo kịp thì những người làm công tác xã hội (CTXH) có vai trò rất quan trọng. Họ giúp tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người chung quanh, giữa người bệnh với cơ sở y tế…
Chăm sóc người bệnh tại Khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: DƯƠNG NGỌC  

 Ðể cân nhắc về vị trí của công tác xã hội trong hệ thống y tế, trước tiên cần xem xét vai trò và nhiệm vụ đòi hỏi ở một cán bộ CTXH. Kỹ năng chính đòi hỏi mỗi cán bộ CTXH phải biết là đưa ra những đánh giá về mặt xã hội để đóng góp cho việc chẩn đoán và điều trị. Những thông tin về hoàn cảnh xã hội của người bệnh, bao gồm cả các mối quan hệ với gia đình và các vấn đề đi kèm, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Người làm CTXH có thể can thiệp về mặt tâm lý xã hội với vai trò là một phần của kế hoạch điều trị kể cả việc tiếp tục hỗ trợ về mặt xã hội nếu cần các dịch vụ y tế tiếp theo.  Trong một số trường hợp, người cán bộ CTXH có liên quan đến việc thiết lập, quản lý dịch vụ, hoặc xây dựng chính sách để tạo ra những dịch vụ bảo đảm việc chăm sóc về sau cho người bệnh. Dựa trên những yếu tố đó cho thấy vai trò và trách nhiệm của cán bộ CTXH trong ngành y tế là như nhau, chỉ khác biệt ở chuyên ngành. Các bệnh viện (đa khoa, nhi, phụ sản, quân đội, tâm thần, lão khoa, chăm sóc liên tục) và các cơ sở y tế công cộng đều cần cán bộ CTXH. Cán bộ CTXH trong ngành y tế có vai trò lớn trong vấn đề sức khỏe sinh sản.  Cùng với y tá và các bác sĩ, cán bộ CTXH cung cấp các thông tin về sức khỏe và tham vấn liên quan đến mảng kế hoạch hóa gia đình, nạo phá thai, hỗ trợ các vấn đề sinh sản và sức khỏe sinh sản. 
Những người làm CTXH có vai trò rất lớn như vậy, nhưng trong thực tế ở cả ba cấp độ trong ngành y (bệnh viện, cộng đồng và hoạch định chính sách) đều ít có sự tham gia của cán bộ CTXH. Tại các bệnh viện ở tất cả các tuyến của khu vực công lập cũng như ngoài công lập, hoạt động khám, chữa bệnh mới chỉ được thực hiện bởi các nhân viên có trình độ chuyên môn về y. Các biện pháp trị liệu về xã hội chưa được quan tâm. Hiện tại, một vài bệnh viện có duy trì hoạt động xã hội, nhưng chủ yếu mang tính từ thiện. Các hoạt động này còn thiếu tính chuyên nghiệp, mang nặng tính từ thiện, chỉ hỗ trợ người bệnh giải quyết một vài nhu cầu bức thiết như: bếp ăn từ thiện, gây quỹ từ thiện… Trong khi đó, tại hầu hết các bệnh viện của cả nước, nhất là các bệnh viện tuyến trên, thường xuyên ở trong tình trạng quá tải. Nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để giải quyết nhiều nhu cầu của người bệnh. Do vậy, hiện đang có nhiều mâu thuẫn nảy sinh ở các bệnh viện như sự không hài lòng của người bệnh đối với các cơ sở y tế, căng thẳng trong mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc…
Có thể  tất cả những vấn đề này sẽ chấm dứt nếu có sự tham gia của những người làm CTXH tại các bệnh viện. Với mạng lưới hơn 1.000 bệnh viện, nếu hình thành một mạng lưới hoạt động CTXH thì cũng có nghĩa là sẽ cần đến hàng nghìn nhân viên xã hội. Hoạt động CTXH ở bệnh viện, không chỉ có vai trò trong hỗ trợ người bệnh mà còn có tác dụng lớn trong việc hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc cũng như nâng cao hiệu quả điều trị.
Tại cộng đồng, hiện nay nhiều chương trình mục tiêu y tế quốc gia đang triển khai và rất cần có sự tham dự của nhân viên CTXH, nhất là các chương trình liên quan đến những nhóm xã hội đặc thù như: quản lý, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, phòng, chống lao, tâm thần, quản lý sức khỏe hộ gia đình, sức khỏe sinh sản, phòng chống tai nạn thương tích… Tại tuyến xã, phường, các chương trình này từ trước đến nay thường do nhân viên y tế và các cán bộ đoàn thể đảm nhận theo tinh thần tự nguyện, chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Tại cấp hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe hiện nay cũng chưa có sự tham gia của CTXH.
Nhu cầu sử dụng đội ngũ nhân viên CTXH của ngành y tế hiện nay là rất lớn và rất cần thiết ở mọi cấp độ. Song theo các chuyên gia trong ngành, cần phải căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng đáp ứng để xác định lĩnh vực ưu tiên, lộ trình phát triển sao cho phù hợp. Trước mắt, cần ưu tiên hình thành mạng lưới hoạt động CTXH tại các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Tại mỗi bệnh viện nên thành lập một đơn vị chuyên đảm nhận hoạt động này. Về lâu dài, cần thiết phải mở rộng mạng lưới CTXH trong chăm sóc sức khỏe đến tận cộng đồng để có thể hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của chăm sóc sức khỏe ban đầu, đem dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến gần với người dân hơn. Ðể làm được việc này, ngay từ bây giờ có thể lồng ghép nội dung giảng dạy về CTXH trong chăm sóc sức khỏe vào chương trình đào tạo của một số trường đại học và cao đẳng. Nhưng quan trọng nhất là cần xác định hướng đi như thế nào cho loại hình CTXH. Chắc chắn CTXH trong ngành y tế sẽ là một phần trong quá trình chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội trong tương lai. Nhưng ngay từ bây giờ đòi hỏi phải có sự hỗ trợ lớn từ những người lập kế hoạch đến những người có hiểu biết, kiến thức sâu sắc về lĩnh vực này.
Theo THANH BÌNH
(NhanDan)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)