Hình mang tính minh họa. Ảnh: Q.T |
Thực hiện những quan điểm mới về giáo dục của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Xavier Darcos đã đề ra nhiều chủ trương mới nhằm cải cách nền giáo dục theo hướng “tổ chức gọn nhẹ, nội dung thiết thực, giáo viên là vai trò chủ đạo”.
Nhiều biện pháp cụ thể có tính nghiệp vụ và hành chính đã được đem ra thi hành. Sự đồng tình cũng nhiều, lời phàn nàn cũng lắm. Chúng ta hãy cùng nhìn lại bức tranh giáo dục Pháp sau một thời gian thực hiện chủ trương đổi mới…
Ông Xavier Darcos cũng thực sự bất ngờ trước sự đánh giá kém của quốc tế về nền giáo dục Pháp. Ông quyết tâm cải cách năng suất của bộ máy giáo dục theo hướng “chi tiêu ít hơn, chất lượng tốt hơn”. Số giờ giảng dạy của giáo viên đã phải thay đổi, số lượng giáo viên cũng phải giảm bớt. Từ năm 2006 đến 2009 có 30 vạn trong số 80 vạn giáo viên được cho “ngồi chơi xơi nước”. Chưa hết, để bù lại chỗ thiếu hụt giáo viên đó, ông yêu cầu giáo viên phải dạy thêm nhiều giờ phụ trội. Ông cho tăng lên nhiều tiền thưởng hấp dẫn để khuyến khích giáo viên “lao động sư phạm thực sự” (không đánh thuế thu nhập trên tiên phụ trội do dạy thêm, thưởng 500 Euro cho giáo viên dạy thêm 3 giờ một tuần). Theo ông, đây là thời kỳ “làm việc nhiều hơn, để hưởng nhiều hơn”. Ông chỉ trích tình trạng giáo viên không toàn tâm toàn ý phục vụ học sinh… Kết quả là giáo viên có thể lĩnh thêm từ 2.000 đến 3.000 Euro tiền phụ trội trong một năm, tương đương với một tháng lương.
Tình hình mới đòi hỏi giáo viên phải làm tốt hơn nhưng áp lực lên giáo viên cũng nặng nề hơn, khiến nhiều thầy cô giáo phàn nàn. Bà Hiệu trưởng Trường Essonne phải kêu lên “họ bắt chúng tôi phải số học hóa công việc” (ý muốn nói phải đặt chỉ tiêu rõ ràng). Ở cấp tiểu học bảng đánh giá học sinh lớp CÉ1 (lớp 2 VN) và lớp CM2 (lớp 5 VN) phải được gửi cho phụ huynh cùng với điểm trung bình. Bà cho rằng: “Đó quả là một cú sốc lớn, làm như giáo viên chưa làm hết mình vì thành tích tối đa của học sinh”. Bà nói thêm: “Bây giờ làm cái gì cũng phải đề ra chỉ tiêu bằng số”. Theo bà, giáo viên phải chịu sự giám sát chặt chẽ quá đáng, lúc nào cũng bị theo dõi, một cách làm mà bà cho là chẳng đem lại kết quả tốt đẹp gì hơn. Giáo viên trung học cũng bị áp lực không kém. “Chất lượng giảng dạy bị giám sát kỹ kể cả nội dung giáo trình và các hoạt động giáo dục khác”. Đáng lẽ việc này phải là nhiệm vụ của hiệu trưởng và hiệu phó mới đúng. Điều này làm cho giáo viên thấy bó buộc, bị ức chế. Ông Daniel Robin Đồng Tổng thư ký Nghiệp đoàn Giáo viên Trung học nói: “Chúng tôi từ chối việc hiệu trưởng đánh giá công việc của chúng tôi”, nhưng lời phàn nàn đó cũng bay theo gió.
Tiền thù lao cho kết quả công việc không phải là vấn đề nữa, ông Marcel Pochard, cố vấn thân cận của Bộ trưởng, người chỉ đạo bản báo cáo vừa rồi về việc đánh giá lại chức năng nghề nghiệp của giáo viên, tiếp tục hậu thuẫn rằng điều quan trọng là nền giáo dục quốc gia, cũng như toàn bộ máy phục vụ đại chúng, hưởng ứng việc đổi mới. Hiện nay người ta dừng lại ở những người đã chính thức ở trong ngành; thăng tiến cho tất cả, nhanh hay chậm tùy theo công trạng và thâm niên. Có một điểm mới là những người khá hơn sẽ có nhiều cơ hội được xếp vào “ngoại hạng”, bậc cao nhất trên bậc thang lương. Ở đầu kia của bậc thang là những cuộc thi tuyển vào ngành ngay ở năm thứ hai của ĐH. Điều đó có nghĩa là những giáo viên trẻ vào nghề ở bậc tú tài + 5 chứ không phải là tú tài + 3 nữa.
Nhưng các thầy giáo tương lai phải chấp nhận một định nghĩa mới về nghề sư phạm, vì giáo viên ngày nay đóng vai trò “nhạc trưởng”. Bộ Giáo dục đã “gọt bỏ” đến mức tối đa các chức cố vấn giáo dục, hỗ trợ xã hội, cố vấn hướng nghiệp… tất cả những chức vụ hỗ trợ giáo dục. “Cả một lô chức vụ tạo thành cột sống của các trường” đều bỏ hết, theo lời thầy Sébastien Clerc, giáo sư Pháp văn và sử – địa ở Trường Trung học chuyên nghiệp Seine Saint-Denis. Kết quả thế nào? Giáo viên phải làm cả công việc hướng nghiệp, theo dõi học sinh có khó khăn, vấn đề kỷ luật… và còn nhiều việc khác nữa. Nhiều giáo viên cảm thấy như là “hạ thấp vai trò của giáo viên”, nhưng Bộ Giáo dục thì cho rằng như thế là làm cho chức năng của thầy giáo thêm phong phú, toàn diện.
Phan Thanh Quang
(Trong Le Point)
Bình luận (0)