Dự kiến trong danh sách bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV, ĐB là phụ nữ bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử. Nhiều ĐB cho rằng, đây là mục tiêu bình đẳng giới (BĐG) mà nước ta đang hướng tới. Đặc biệt, BĐG trong lĩnh vực chính trị là nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được nói tiếng nói đại diện cho giới, được phát huy kinh nghiệm, quan điểm của mình trong quyết định chính sách.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu – đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII, IX, X, XI – mong muốn, đại biểu nữ cần tự tin khẳng định trong sự nghiệp chính trị. Ảnh: M.P
45-53% đại biểu nữ góp ý cho dự án luật
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tỷ lệ nữ ĐB chiếm 26,72% và tỷ lệ nữ ĐB HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 ở cả 3 cấp đều cao hơn các nhiệm kỳ trước. ĐB nữ đã có nhiều ý kiến góp ý chất lượng vào các dự án luật, trong đó các dự án luật thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội khoảng 45%; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) khoảng 53,57%; khoảng 25% ĐB nữ cho ý kiến đối với các dự án luật thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính, cao hơn so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Đặc biệt trong hoạt động Quốc hội khóa XIV, các nữ ĐB tích cực tham gia ý kiến đối với các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề và tham gia hoạt động chất vấn. Có 87/276 lượt phát biểu của nữ ĐB về các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 554/1.754 ý kiến nữ ĐB tham gia chất vấn Chính phủ và thành viên Chính phủ với tỷ lệ lần lượt là 31,52% và 31,58%.
Bà Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội – chia sẻ, thực tế với quá trình hoạt động tâm huyết, tích cực của mình, các nữ ĐB Quốc hội đã thể hiện vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và sự tận tụy trong công việc và đã có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Đặc biệt trong quá trình tham gia hoạt động dân cử các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, các vấn đề về BĐG, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân… được các nữ ĐB rất quan tâm. Nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp, kiến nghị vừa tâm huyết, sắc sảo, vừa khoa học của nữ ĐB đã được tiếp thu, giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về BĐG nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung.
“Trong hoạt động lập pháp, các nữ ĐB đã tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm trong thảo luận, đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi văn bản pháp luật. Là đại diện cho giới nữ và với thực tế tại Việt Nam, phụ nữ vẫn chịu nhiều tác động của bất BĐG hơn. Do đó các khía cạnh giới, các hoạt động nhằm thúc đẩy BĐG được nữ ĐB quan tâm nhiều hơn. Điểm nổi bật của nữ ĐB là việc đóng góp ý kiến về việc lồng ghép vấn đề BĐG trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Các nữ ĐB cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề BĐG trong quá trình xây dựng các văn bản của HĐND”, bà Nguyệt nói.
Cũng theo bà Nguyệt, các ĐB nữ quan tâm hoạt động giám sát việc ban hành, thi hành các văn bản quy phạm pháp luật. Trên diễn đàn Quốc hội, các nữ ĐB tích cực tham gia ý kiến về giám sát tối cao, hoạt động chất vấn. Trong quá trình tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng (như kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách, chủ trương đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình trọng điểm…), các ĐB nữ luôn quan tâm xem xét đến tác động giới của những quyết sách này, chú ý tới việc lồng ghép vấn đề BĐG trong các chương trình, kế hoạch, nhất là trong phân bổ ngân sách.
Các đại biểu nữ cần tự tin hơn
Với những nỗ lực, cố gắng trong hoạt động dân cử, các nữ ĐB đã có nhiều đóng góp cho công tác BĐG, cũng như các lĩnh vực khác. Hình ảnh và vị thế của nữ ĐB dân cử ngày càng được khẳng định và nâng cao trong lòng cử tri. Điều này góp phần quan trọng để thay đổi cách nhìn về việc phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, góp phần tăng tỷ lệ nữ tham gia trong lĩnh vực này.
Theo ThS. Nguyễn Ngọc Phương – Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Quảng Bình, phụ nữ Việt Nam không chỉ đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước trên mọi lĩnh vực mà nhiều người còn phấn đấu tham gia cấp ủy, trở thành những ĐB dân cử đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của phụ nữ, trẻ em gái nói riêng và người dân nói chung. Phụ nữ ngày càng chứng minh được năng lực, được đào tạo tốt, chứng minh được bản lĩnh trong mọi lĩnh vực hoạt động giáo dục, y tế, thậm chí là kỹ sư, nghiên cứu khoa học.
CÁC NỮ ỨNG CỬ VIÊN CẦN NÂNG CAO KỸ NĂNG Theo bà Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, còn khoảng một tháng nữa, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra. Theo quy định của Luật Bầu cử ĐB Quốc hội, ĐB HĐND, tỷ lệ nữ ứng cử viên phải bảo đảm tối thiểu 35%. Để đạt được tỷ lệ này là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của chính các nữ ứng cử viên bằng cách nâng cao kỹ năng vận động tranh cử, thuyết phục cử tri của bản thân. Chia sẻ về kinh nghiệm tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử, bà Nguyễn Thị Hoài Thu – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XI – cho rằng, nữ ứng cử viên cần trang bị cho mình sự tự tin và khả năng giao tiếp, thuyết phục, ứng biến trong vận động cử tri. Nữ ứng cử viên cần thu thập đầy đủ thông tin về tình hình địa phương nơi mình ứng cử để xây dựng chương trình hành động sát với thực tế; nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan; tự hoàn thiện các kỹ năng lắng nghe, giao tiếp, trình bày, thuyết phục của bản thân; nắm bắt những vấn đề cử tri đang quan tâm, thể hiện sự dễ gần và gắn bó với cử tri… Các nữ ứng cử viên cần chuẩn bị chương trình hành động thật rõ ràng, đúng trọng tâm trước khi tiếp xúc cử tri, tránh dàn trải; cần thận trọng, cân nhắc khi đưa ra lời hứa với cử tri, tránh “hứa suông”, “hứa nhiều” hơn khả năng có thể thực hiện. P.V |
Là ĐB Quốc hội 6 khóa liên tiếp (khóa VI, VII, VIII, IX, X, XI), bà Nguyễn Thị Hoài Thu – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XI – mong muốn, các ĐB nữ cần tự tin, không nên tự ti. Tỷ lệ nữ ĐB Quốc hội nước ta trong các nhiệm kỳ có lúc khoảng 30%, có lúc dưới 10%. Trong điều kiện hiện nay, Luật BĐG đã có từ lâu, các ĐB nữ nên tự tin khẳng định mình trong sự nghiệp chính trị sắp tới.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Thúy – Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (ĐB Quốc hội khóa XII, XIII, XIV) – cho rằng, là người ĐB do nhân dân bầu ra, nữ ĐB cần bản lĩnh, mạnh dạn nói lên ý kiến của cử tri. Đặc biệt, khi tham gia ĐB Quốc hội, là người đại diện cho ngành nghề của mình một phần, nhưng khi quyết định vấn đề quan trọng có thể sẽ đụng chạm đến các lĩnh vực khác. Điều này đòi hỏi người ĐB phải có trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức. Nếu trí tuệ chưa thể am hiểu mọi lĩnh vực thì nên học ở cử tri, đồng nghiệp, các ĐB khác. Đây là quá trình tự học và không ngừng học.
“Trong quá trình tiếp xúc cử tri, cần lắng nghe các phản ánh để hiểu cử tri đang nói gì, cần gì; từ đó thu nhận, xử lý thông tin cho đúng và chuẩn. Đây là kỹ năng ĐB phải học và học từ chính cử tri của mình”, bà Thúy ví dụ.
Minh Phương
Bình luận (0)