Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vai trò quan trọng của các nghị viện Pháp ngữ trong ứng phó với các thách thức toàn cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 21-1-2025, tại TP.Cần Thơ, Diễn đàn nghị viện với chủ đề “Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)” đã long trọng khai mạc. Sự kiện do Quốc hội Việt Nam đề xuất và đăng cai tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn tuyên bố khai mạc diễn đàn   

Diễn đàn nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các nước trong cộng đồng Pháp ngữ để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo sinh kế cho mỗi hộ gia đình và an ninh lương thực cho mỗi quốc gia, đi đôi với việc ứng phó với BĐKH trên toàn cầu. Đây cũng là một trong những hoạt động của nghị viện Pháp ngữ sau Hội nghị Thượng đỉnh Paris. Quốc hội Việt Nam mong muốn thông qua hoạt động này góp phần thúc đẩy hợp tác Pháp ngữ triển khai Tuyên bố Villers-Cotterêts: Theo đó khuyến khích, ủng hộ các hoạt động hợp tác về khoa học, công nghệ, đổi mới, thúc đẩy kinh tế số, khởi nghiệp và đối tác công – tư; quảng bá tiếng Pháp, đa dạng văn hóa; và nhấn mạnh quyết tâm của các nước Pháp ngữ trong thực hiện phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa giữa nỗ lực tăng trưởng, xóa đói nghèo và bảo vệ môi trường.

Quang cảnh diễn đàn

Phát biểu khai mạc sự kiện, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng: “Diễn đàn là dịp để các đại biểu tham dự thảo luận về các ý tưởng và hành động của các nghị viện thành viên Pháp ngữ nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững  trong bối cảnh phải ứng phó với BĐKH. Với chức năng và vai trò từ vị thế của cơ quan lập pháp, các nghị viện cũng như cá nhân các nghị sĩ đóng vai trò hết sức quan trọng để thúc đẩy và giám sát thực hiện các mục tiêu này.

Với việc mời đại diện các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển tham dự, chúng tôi mong diễn đàn là cơ hội để chúng ta trao đổi về sáng kiến thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các quốc gia, các tổ chức quốc tế, trong đó có OIF, các đối tác phát triển, các thể chế tài chính và khu vực tư nhân hướng tới các mục tiêu mà chủ đề của diễn đàn đặt ra.

Bà Caroline St Hilaire – Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, trình bày về tầm quan trọng và ý nghĩa của diễn đàn

Từ kinh nghiệm của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, hướng đi thành công nhất để đạt được các mục tiêu này là mô hình hợp tác có sự tham gia của nhiều bên, trong đó điển hình là hợp tác ba bên: Một bên là các nước có nhu cầu tiếp nhận hỗ trợ, một bên là những nước và tổ chức quốc tế có kinh nghiệm để chia sẻ, và một bên là những nước và đối tác phát triển có nguồn lực để tài trợ thực hiện việc chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm”.

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn thông tin về những thành quả quan trọng của Việt Nam sâu gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Theo đó Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong xóa đói, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; là điểm sáng trong  thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc vế phát triển bền vững đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam đã thực hiện trong sản xuất nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam vừa bước qua năm 2024 với  nhiều thành quả ấn tượng: Tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 476 tỷ USD; lạm phát được kiểm soát dưới 4%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận kỷ lục 786 tỷ USD; đầu tư nước ngoài thu hút khoảng 40 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 25 tỷ USD…

“Việt Nam đang đặt mục tiêu bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 – tròn 100 năm kể từ ngày tuyên ngôn độc lập – trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đang tập trung quyết tâm chính trị cao, tiến hành nhiều giải pháp cải cách mạnh mẽ và đột phá chiến lược, khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng phát triển của đất nước” – Chủ tịch Quốc hội Việt Nam bày tỏ.

Sau Lễ khai mạc, diễn đàn có  3 phiên thảo luận, trong đó các đại biẻu chia sẻ về các chuyên đề: “Hợp tác giữa các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững”; “Cộng đồng Pháp ngữ với vấn đề an ninh lương thực”;  “Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong ứng phó với BĐKH”.

Các đại biểu dự diễn đàn

Các đại biểu đã chia sẻ những bài học, kinh nghiệm hay trong xây dựng chính sách, pháp luật để phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy các hành động thích ứng và giảm nhẹ BĐKH… Trong đó Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan chia sẻ một số thành quả của Việt Nam trong thực hiện nền nông nghiệp xanh, thích ứng với BĐKH. Để tạo nên một cộng đồng vững mạnh và chung tay giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu như BĐKH, bị mất hệ sinh thái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và bất bình đẳng xã hội, hướng tới các thực tiễn nông nghiệp bền vững, Bộ trưởng đề xuất một số chương trình, hành động như: Khuyến khích tất cả các thành viên Pháp ngữ, các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân liên quan tăng cường hợp tác xây dựng và thực hiện dự án và chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững; đồng thời các tổ chức và các thiết chế tài chính quốc tế, các nước phát triển tăng cường cung cấp tài chính, nguồn lực nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực và chuyển đổi hệ thống nông nghiệp bền vững. Các quốc gia cùng phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp  thích ứng với BĐKH thông qua  áp dụng các công nghệ canh tác phù hợp và thực hành quản lý nguồn tài nguyên bền vững nhằm nâng cao khả năng thích ứng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; khuyến khích các Quốc gia thành viên Pháp ngữ sử dụng công nghệ tiên tiến phát thải thấp kết hợp hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện khả năng chống chịu thích ứng BĐKH.

Vào  ngày 22-1-2025, các đại biểu sẽ tham quan thực địa một số điển hình của ĐBSCL về mô hình nông nghiệp bền vững và chuyển đổi sinh kế, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đi đôi với ứng phó với BĐKH. Qua đó góp phần giúp các đại biểu, nhất là các nghị sĩ, có thêm kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.

Một điểm nhấn của diễn đàn là dự kiến sẽ thông qua “Tuyên bố Cần Thơ” về Hợp tác Pháp ngữ đối với nông nghiệp bền vững và ứng phó với BĐKH. Đây sẽ là kết quả quan trọng để khẳng định vai trò quan trọng của các nghị viện Pháp ngữ, sự đóng góp của các nghị sĩ Pháp ngữ trong việc chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu, góp phần biến các cam kết thành hành động cụ thể.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)