Cũng như lần thay sách năm 2000, lần này vẫn có người thắc mắc: Vì sao không gọi là đọc hiểu tác phẩm (TP) mà lại là đọc hiểu văn bản (VB)? Hỏi thế vì lâu nay ở ta, vẫn quen dùng TP, vẫn quan niệm và lẫn lộn hai thuật ngữ này, trong khi cần phân biệt rõ.
Theo tác giả, văn và người cần được hiểu ở sự thống nhất bề sâu, ở hình tượng tác giả… Trong ảnh: Một tiết học môn văn của học sinh THCS. Ảnh: Y.Hoa
1. Như nhiều người đã biết, từ những năm 60 của thế kỷ trước, với sự xuất hiện của lý thuyết cấu trúc, ký hiệu học và lý thuyết tiếp nhận, sự phân biệt VB và TP ngày càng được chấp nhận rộng rãi. Trong cuốn From Work to Text, R. Barthes khẳng định: VB văn học là cái có khả năng sinh nghĩa, còn TP là cái đã định giá xong dựa trên một cách hiểu nhất định. Như thế, TP gắn với cách hiểu của mỗi người đọc; cùng 1 VB nhưng mỗi người đọc hình hành một TP. Từ quan niệm này, GS. Trần Đình Sử nhận xét: “Toàn bộ việc dạy văn học trong nhà trường từ phổ thông đến đại học xưa nay chủ yếu là dạy tác phẩm, tức là cái phần đã được hiểu theo một cách nào đó rất cố định rồi, và học sinh cứ thế mà học thuộc, ngợi khen rồi thi, kiểm tra, mà hầu như chưa biết, chưa quan tâm tới văn bản”. Lại nữa, VB là cái hiện lên trang giấy, có thể quan sát được (câu chữ, hình thức, bố cục…). Đọc, trước hết là tiếp xúc với cái VB hữu hình ấy chứ không thể đọc TP, vốn là dạng thức tinh thần, chỉ hiện lên trong tưởng tượng của người đọc khi bắt đầu đọc VB. Chủ trương dạy đọc hiểu có từ chương trình năm 2000, chính là nhằm dạy học sinh biết cách đọc hiểu VB để mỗi học sinh có thể tự hình dung ra TP của riêng mình. Tất nhiên trong cách hiểu VB của các cá nhân có phần giao nhau, phần chung thống nhất khá lớn do đặc điểm thể loại, ngôn ngữ và hình thức VB quy định.
2. Với nhà trường phổ thông, đối tượng đọc chủ yếu là VB. Do điều kiện và chủ thể đọc là học sinh nên vẫn chỉ dừng lại các VB có dung lượng và độ khó phù hợp. Nhà trường phổ thông khó dạy cho học sinh đọc cả 1 tập truyện dài, 1 tiểu thuyết trường thiên hay 1 truyện thơ hàng ngàn câu mà chỉ học qua trích đoạn. Trong khi yêu cầu dạy đọc hiểu 1 trích đoạn khác với đọc hiểu cả toàn bộ VB ấy; cũng khác với đọc hiểu 1 tập sách, 1 tác giả, 1 trào lưu, trường phái, hay một giai đoạn văn học… Theo đó, nếu chỉ dạy đọc hiểu VB thì việc tìm hiểu tác giả chỉ rất có mức độ; thay vào đó là tập trung khai thác VB. Còn để đọc hiểu 1 phong cách, tác giả, trào lưu văn học… thì việc hiểu về tác giả vẫn quan trọng. Việc chú ý nghiên cứu bối cảnh xã hội, con người, gia đình, quê hương… của nhà văn đã giúp GS. Nguyễn Đăng Mạnh khái quát và làm rõ thêm được rất chính xác tư tưởng nghệ thuật (ideé poetique), phong cách nghệ thuật của nhiều nhà văn Việt Nam hiện đại. Ông viết: “Phải tìm ra cho được chỗ thống nhất giữa văn và người ở mỗi cây bút. Thống nhất ở bề sâu chứ không phải bề mặt, bề nổi. Bề mặt, bề nổi nhiều khi thấy văn và người chẳng ăn nhập gì với nhau cả, thậm chí như là trái ngược. Vậy phải quan sát thật kỹ để hiểu thấu con người nhà văn trong đời sống, rồi đối chiếu với thơ văn của anh ta (cũng phải nghiên cứu thật kỹ) để thấy đấy là hai mặt soi sáng lẫn cho nhau”.
Văn và người cần được hiểu ở sự thống nhất bề sâu, ở hình tượng tác giả; chứ không phải đơn thuần là đối chiếu với tiểu sử người viết mà suy ra.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)