1. Trong chương trình 2018, nếu lớp 6 yêu cầu đọc văn bản thuật lại một sự kiện thì ở lớp 7, học sinh phải đọc và nhận biết được văn bản giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động. Yêu cầu đọc các văn bản thông tin với lớp 7 gồm: Nhận biết được đặc điểm văn bản, chỉ ra được mối quan hệ giữa đặc điểm văn bản với mục đích của nó; nhận biết và hiểu được tác dụng của cước chú, tài liệu tham khảo trong văn bản thông tin; nhận biết được cách triển khai các ý tưởng và thông tin trong văn bản (chẳng hạn theo trật tự thời gian, quan hệ nhân quả, mức độ quan trọng, hoặc các đối tượng được phân loại). Cũng như các lớp khác, chương trình chỉ quy định về kiểu văn bản thông tin, còn nội dung (đề tài, chủ đề) tùy sự lựa chọn của mỗi bộ sách giáo khoa. Đáp ứng yêu cầu vừa nêu của chương trình, sách Ngữ văn 7 (bộ Cánh diều) đã thiết kế bài đọc về văn bản thông tin với 2 bài (bài 5 – tập 1 và bài 10 – tập 2). Theo đó, bài 5, bao gồm các văn bản cụ thể sau: Ca Huế; Hội thi thổi cơm; Những nét đặc sắc trên “đất vật” Bắc Giang; Trò chơi dân gian của người Khmer Nam bộ. Có thể thấy đề tài, chủ đề của bài này là các hoạt động văn hóa và trò chơi. Thông qua các văn bản với đề tài cụ thể này để dạy cho học sinh cách đọc các văn bản giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động. Vì khi viết về các hoạt động và trò chơi, người viết bao giờ cũng lồng ghép giới thiệu các quy tắc, cách thức hoạt động, luật lệ chơi trong đó. Mặt khác, thông qua nội dung cụ thể của các văn bản này mà giới thiệu với học sinh về trò chơi và các hoạt động văn hóa của các vùng miền khác nhau trong cả nước (Hội vật ở miền Bắc, ca Huế ở miền Trung, hội thi thổi cơm ở nhiều tỉnh, trò chơi dân gian của người Khmer – Nam bộ). Trong khi đó, bài 10 tiếp tục đọc văn bản thông tin nhưng đáp ứng yêu cầu của chương trình là: Các văn bản thông tin có cước chú, tài liệu tham khảo và cách triển khai các ý tưởng và thông tin. Đáp ứng yêu cầu này, sách Ngữ văn 7 đã chọn đề tài phương tiện giao thông với các văn bản cụ thể sau: Ghe xuồng Nam bộ; Tổng kiểm soát phương tiện giao thông; Phương tiện vận chuyển của các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày xưa; Một số phương tiện giao thông của tương lai. Trong 4 văn bản trên, văn bản thứ hai được nêu dưới dạng inforgrafic để dạy cho học sinh cách đọc văn bản đồ họa (văn bản đa phương), nhưng đồng thời thông qua nội dung tích hợp giáo dục về luật lệ, an toàn giao thông trong nhà trường. Các văn bản 1 và 3, 4 đều là văn bản nhằm dạy đọc kiểu văn bản thông tin có cước chú và tài liệu tham khảo, thấy được tác dụng của chúng. Cũng ở các văn bản này, học sinh nhận biết được cách triển khai ý tưởng, thông tin theo phân loại đối tượng – một cách triển khai rất thông dụng trong văn bản thông tin. Về nội dung, các em có thêm được những hiểu biết về các loại phương tiện vận chuyển xưa và nay ở các vùng miền khác nhau (ghe xuồng ở Nam bộ, phương tiện vận chuyển của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc, một số phương tiện giao thông của tương lai).
Học sinh đọc sách tại sân trường (ảnh minh họa). Ảnh: V.Yên
2. Dạy cách đọc văn bản thông tin, giáo viên cần tập trung giúp học sinh nhận biết được đặc điểm của một văn bản thông tin hơn là yêu cầu ghi nhớ về nội dung các thông tin trong đó. Theo hướng này, giáo viên không nên yêu cầu học sinh nhớ chi tiết các loại ghe xuồng Nam bộ (tên gọi, chiều dài, chiều rộng của các loại ghe xuồng…); cũng không cần nhớ ca Huế có bao nhiêu loại nhạc cụ, bao nhiêu bài hát, kiểu biểu diễn… mà nên tập trung vào giúp học sinh nhận biết: Thứ nhất, đặc điểm hình thức của văn bản thông tin thể hiện ở cách trình bày (ví dụ: nhan đề, sa-pô, tiêu mục, tiểu mục, loại chữ đậm, các ký hiệu gạch đầu dòng và số thứ tự, các công cụ hỗ trợ đồ họa, như biểu đồ, đồ thị, hình minh họa và ảnh…). Phân tích và đánh giá được đề tài, thông tin cơ bản của văn bản, cách đặt nhan đề của tác giả; mục đích của người viết. Từ đó thấy được ý nghĩa và tác dụng của cách trình bày trong văn bản. Thứ hai, cách triển khai ý tưởng thông tin trong văn bản (ví dụ các văn bản trong sách Ngữ văn 7 chủ yếu triển khai theo phân loại đối tượng…). Tìm hiểu thông tin chi tiết trong văn bản; biết suy luận và phân tích mối liên hệ giữa các chi tiết và vai trò của chúng trong việc thể hiện thông tin chính của văn bản; đánh giá được ý nghĩa của những thông tin đó với thực tiễn đời sống. Thứ ba, tác dụng của phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ; sự kết hợp của kênh chữ và kênh hình trong việc truyền tải thông tin đến người đọc. Kết nối với hiểu biết, kinh nghiệm, vốn sống cá nhân và các hoạt động tra cứu khác để hỗ trợ việc tìm hiểu và vận dụng thông tin từ văn bản. Nêu được ý nghĩa hay tác động của văn bản thông tin đã đọc đối với bản thân. Dạy học đọc hiểu văn bản thông tin nhằm đáp ứng một nhu cầu thực tế rất quan trọng, đó là bất kỳ một học sinh cũng như người lao động bình thường nào hàng ngày đều đọc rất nhiều văn bản thông tin, nhưng không phải ai cũng có kỹ năng đọc loại văn bản này một cách thành thạo. Theo một bài viết trên tờ New Week, cho đến năm 1993, Hoa Kỳ vẫn có “gần một nửa số người lớn (khoảng 95,5 triệu người) không tự điền vào phiếu gửi tiền ngân hàng hoặc… không tìm được điểm khởi hành của xe buýt hướng dẫn trên bảng lịch trình vào ngày thứ bảy” (Hữu Ngọc – Hồ sơ văn hóa Mỹ). Biết đọc một hướng dẫn sử dụng thuốc (văn bản thông tin) đôi khi quan trọng hơn nhu cầu đọc một bài thơ (văn bản văn học).
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)