Trong 10 bài học của sách Ngữ văn 7, có 6 bài đọc văn bản văn học. Trong 6 bài ấy, có 3 bài đọc truyện, gồm: bài 1 – Truyện ngắn và tiểu thuyết; bài 3 – Truyện khoa học viễn tưởng; bài 6 – Truyện ngụ ngôn. Mỗi thể loại thường có 4 văn bản được lựa chọn theo một ý đồ sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình.
Giáo viên hướng dẫn học sinh THCS đọc sách tại thư viện (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Trước hết, xin nói về các văn bản truyện trong bài 1. Theo đó, bài 1 gồm các văn bản đọc sau: Người đàn ông cô độc giữa rừng (trích Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi); Buổi học cuối cùng (A. Đô-đê); Dọc đường xứ Nghệ (trích Búp sen xanh – Sơn Tùng); Bố của Xi-mông (G. Mô-pa-xăng). Trong 4 văn bản trên có 2 văn bản kế thừa lại sách giáo khoa ngữ văn hiện hành là “Buổi học cuối cùng” và “Bố của Xi-mông”. “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi vốn là tác phẩm đã có trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 hiện hành với trích đoạn “Sông nước Cà Mau”. Sách Ngữ văn 7 (bộ Cánh diều) tiếp tục chọn tác phẩm này, nhưng với đoạn trích mới: “Người đàn ông cô độc giữa rừng”. Lý do chính là, tập 2 sách Ngữ văn 6 hiện hành tập trung vào văn miêu tả, vì thế phần đọc hiểu cần chọn các văn bản thiên về miêu tả để tích hợp với phần viết văn miêu tả. Do đó, chọn đoạn “Sông nước Cà Mau”, một văn bản đặc tả cảnh sông nước vùng Năm Căn hoang sơ, hùng vĩ, rộng lớn mà tấp nập, trù phú… Đó là một ngữ liệu rất chuẩn cho việc rèn luyện viết văn miêu tả cảnh sắc thiên nhiên. Nhưng lên lớp 7, yêu cầu đọc truyện của chương trình 2018 là: a) Nhận biết được tính cách nhân vật thể hiện qua cử chỉ, hành động, lời thoại; qua ý nghĩ của các nhân vật khác trong truyện; qua lời người kể chuyện. b) Nhận biết và nêu được tác dụng của việc thay đổi kiểu người kể chuyện trong một truyện kể”. Với yêu cầu ấy thì văn bản “Sông nước Cà Mau” không đáp ứng được. Thay vào đó, cần chọn đoạn trích miêu tả con người để tích hợp với yêu cầu viết văn phân tích đặc điểm nhân vật. Và đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng” là văn bản đáp ứng được yêu cầu ấy. Với văn bản này, nhà văn Đoàn Giỏi đã dựng lại chân dung rất sống động của nhân vật Võ Tòng, một nhân vật như là huyền thoại, như có như không, nhưng mang đặc điểm nổi bật của một con người Nam bộ: trọng nghĩa, khinh tài. Hơn nữa, về nghệ thuật, văn bản này cũng thể hiện rất rõ các cách khắc họa nhân vật từ nhiều phía, có sự chuyển đổi kiểu người kể chuyện… Chương trình 2018 gợi ý dạy tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, nhưng trích đoạn nào là không đơn giản. Chúng tôi chọn đoạn trích kể về những ngày ông Nguyễn Sinh Sắc sau khi đỗ phó bảng về quê, dẫn 2 con đi thăm bạn bè, cả nghệ An và Hà Tĩnh. Trên đường đi, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã thể hiện được tất cả trí tuệ tinh anh và tình cảm ái quốc sớm có của mình. Tên văn bản phải trải qua 5-7 trao đổi, thảo luận mãi mới có được nhan đề “Dọc đường xứ Nghệ”. Văn bản truyện này cũng đáp ứng được các yêu cầu đã nêu của chương trình về đặc điểm, tính cách nhân vật và ngôi kể… Hai văn bản kế thừa thuộc văn học nước ngoài, vốn đã có trong chương trình, nhưng đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới như vừa nêu. Hơn nữa cần kế thừa các văn bản hay của sách giáo khoa hiện hành, giúp giáo viên không phải bỡ ngỡ quá nhiều vì các văn bản mới.
Về nội dung, cả 4 văn bản đều tập trung khắc họa những biểu hiện của lòng yêu nước và tình cảm nhân ái, nhân bản. Yêu quê hương xứ sở, căm ghét cái ác, cái xấu; căm thù giặc Pháp như đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng” và “Dọc đường xứ Nghệ”… Nhưng yêu tiếng mẹ đẻ, yêu tiếng Pháp như trong “Buổi học cuối cùng” cũng là yêu nước thiết tha. Truyện “Bố của Xi-mông” là một áng văn xuôi đẹp, ngợi ca, lay thức tâm hồn người đọc về tình yêu thương con người, lòng cảm thông, sự sẻ chia và đức tính vị tha… Với 4 văn bản của bài 1 nêu trên, sách Ngữ văn 7 dạy cho học sinh cách đọc truyện theo đặc điểm thể loại chính là nhằm phát triển năng lực đọc với các yêu cầu cụ thể. Mặt khác, từ nội dung của 4 văn bản ấy mà giáo dục tư tưởng, tình cảm, nhân cách cho học sinh, chính là hướng đến phát triển phẩm chất. Qua một bài học đạt được cả mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực là thế.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)