Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Văn bản và thực tiễn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Đề cập đến việc xử phạt theo Nghị định 04/2021, lãnh đạo nhiều trường đại học đều cho rằng có quá nhiều bất cập, còn xa rời thực tiễn.
Đề cập đến việc xử phạt theo Nghị định 04/2021 (có hiệu lực từ ngày 10-3-2021) và Nghị định 127/2021/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 04 ban hành ngày 30-12-2021 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (gọi tắt là Nghị định 127), lãnh đạo nhiều trường đại học đều cho rằng có quá nhiều bất cập, còn xa rời thực tiễn.
Đầu tháng 6-2023, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo góp ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 04 và Nghị định 127. Ngay thời điểm đó, đã có không ít ý kiến lo ngại về lĩnh vực xử phạt hành chính trong giáo dục liên tục điều chỉnh, gây bất ổn không đáng có. Nghị định 04 có hiệu lực chưa tròn 1 năm lại sửa đổi, điều chỉnh bằng Nghị định 127. Nghị định này có hiệu lực 18 tháng lại tiếp tục lấy ý kiến để sửa đổi.
Theo đại diện các trường đại học, sau 1 năm áp dụng Nghị định 127, đã có 100 trong tổng số gần 300 trường đại học và cao đẳng sư phạm bị xử phạt, một tỷ lệ quá lớn. Nghị định 127 quy định, nếu trường tuyển vượt 3% sẽ bị phạt nhưng cách quy định xử phạt lại không suy xét yếu tố thực tiễn (thời điểm thanh tra, kiểm tra, trường tuyển vượt 3% là bị phạt nhưng sau 1-2 tháng nhập học các em tự ý nghỉ vì nhiều lý do nên tỷ lệ vượt ở hầu hết các trường giảm xuống còn trên dưới 1% – con số đạt yêu cầu).
Trong khi đó, chỉ tiêu đầu ra mới thực sự đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và phù hợp với chiến lược, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của quốc gia! Thêm nữa, trường tuyển vượt chỉ tiêu ngoài việc bị phạt tiền sẽ bị điều chuyển sinh viên sang trường khác. Nhưng khi buộc chuyển sinh viên sang trường khác có điểm chuẩn cao hơn thì vi phạm quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT; còn chuyển đến trường khác có điểm chuẩn bằng hoặc thấp hơn liệu các sinh viên có chấp nhận?
Luật Giáo dục đại học (năm 2018) quy định các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh (xét tuyển, tuyển và kết hợp thi tuyển và xét tuyển). Nhưng hiện nay, Bộ GD-ĐT thay đổi quy định nên tất cả phương án (tuyển sinh riêng, tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT) đều quy về một mối để xét tuyển, lọc ảo chung một đợt theo phần mềm của bộ, dẫn đến các trường rất bị động. Một trường chỉ cần nâng lên hay hạ xuống trong mức từ 0,01 điểm hoặc 0,25 điểm thì nguy cơ rất lớn rơi vào trường hợp tuyển vượt chỉ tiêu.
Thực tế hiện nay, hiệu suất đào tạo của các trường đại học không bao giờ đạt được con số đầu vào 100% – đầu ra cũng 100%. Quá trình đào tạo, đầu ra chỉ đạt khoảng 85%-90% so với đầu vào. Do đó, có ý kiến cho rằng việc xác định vi phạm và xử phạt nên căn cứ theo mức bình quân chỉ tiêu theo giai đoạn 3 hoặc 4 năm. Chẳng hạn như một trường chỉ tiêu 5.000, năm nay tuyển thiếu thì năm sau tăng một chút, hoặc ngược lại, miễn sao 3 năm đạt 15.000, 4 năm đạt 20.000. Nếu vượt quá số bình quân này xử phạt sẽ hợp lý hơn. Trường nào vi phạm liên tục trong nhiều năm liền thì phạt kịch khung kèm theo các hình thức bổ sung.
Trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học, các trường được trao quyền nhiều hơn để thực hiện công tác tuyển sinh, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo… để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Cùng với quyền tự chủ thì kèm theo là trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch xử phạt nếu có vi phạm. Việc vi phạm, xử lý nếu có vi phạm sẽ không có vùng cấm và phạt nặng là điều các cơ sở đều phải chấp nhận. Song tất cả cũng phải công khai để xã hội biết. Con số gần 100 trường vi phạm trong tuyển sinh với các lỗi tuyển vượt chỉ tiêu, tuyển không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố… nhưng Bộ GD-ĐT không công khai danh sách thì chưa thật sự thuyết phục dư luận.
THANH HÙNG (theo SGGP)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)