Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Vãn cảnh Thập Tháp Di Đà tự

Tạp Chí Giáo Dục

Khu chánh điện chùa kết cấu chủ yếu bằng gỗ quý, chạm trổ tinh xảo – Ảnh: Lãng Du

Từ Quy Nhơn xuôi theo QL 1A về hướng sân bay Phù Cát, qua các thắng cảnh tháp Chăm, du khách sẽ thấy ngay bảng chỉ dẫn vào ngôi cổ tự với cái tên gây nhiều tò mò: chùa Thập Tháp Di Đà.

Đoạn đường vào chùa dài 5km rợp bóng tre xanh, cạnh cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Làn gió mát  từ hồ sen rộng 500m2 trước chùa phả vào người lữ khách đang tần ngần trước cổng tam quan rêu phong. Ngôi chùa cổ kính này do lão thiền sư Nguyên Thiều sáng lập cách đây hơn 300 năm đời vua Lê Huyền Tông (1665) trên ngọn đồi Long Bích.

Ngàn năm in bóng

Cái tên “Thập Tháp” xuất phát từ việc thiền sư Nguyên Thiều cho xây chùa trên nền 10 ngôi tháp Chăm đã bị sụp đổ, còn chữ “Di Đà” theo kinh điển nhà Phật là lý tánh bản giác chúng sanh. Thập Tháp Di Đà Tự là chùa tổ, cổ nhất miền Trung thuộc dòng thiền Lâm Tế và đã vào thơ ca ở vùng đất nổi tiếng An Nhơn:

 “Đất An Nhơn gió quyện mây lành
Ngôi Thập Tháp ngàn năm in bóng
Sông Cầu nước vẫn xuôi dòng
Núi Cánh Tiên đạo thọ còn xanh
Thành Đồ Bàn sáng soi diệu cổ
Đèn Thiền tỏ rạng, hương giới bay xa
Nửa thế kỷ qua đi bóng hạc
Gương pháp màu sắc sử còn ghi”

 


 

Nhiều vị thiền sư danh tiếng, có công với đất nước xuất thân từ ngôi chùa cổ này như thiền sư Liễu Triệt, thiền sư Minh Lý, thiền sư Phước Huệ …Thiền sư Phước Huệ đã được tôn làm Quốc sư. Ngài đã được mời vào giảng kinh trong hoàng cung nhà Nguyễn từ đời vua Thành Thái đến vua Bảo Đại.

Cây đại thụ 200 năm tuổi

Du khách sẽ chìm đắm trong cảm giác an lành, thanh thản khi bước vào ngôi cổ tự rợp bóng cây cổ thụ hơn 200 năm tuổi. Nơi này còn được bao bọc bởi sông Côn phía sau lưng và sông Bàn Khê phía Bắc nên lúc nào cũng lồng lộng gió. Chùa có kiến trúc theo kiểu chữ khẩu với bốn dãy, ba gian, hai chái, lợp ngói âm dương, xây bằng gạch và bằng đá ong.

Chùa gồm chánh điện, khu phương trượng, khu tây đường và đông đường, có dãy hành lang rộng lớn nối liền, bao bọc một sân rộng, lát gạch vuông với nhiều loài hoa cảnh. Đặc biệt, khu chánh điện chùa kết cấu chủ yếu bằng gỗ quý, chạm trổ tinh xảo, công phu với hoa cuộn, hoa sen, rồng, phượng cách điệu. Những đường hoành, rui, mè kèo, trính, quyết…đều được thiết kế vô cùng sắc sảo, độc đáo, vững chắc bằng các loại gỗ quý. Có lẽ vì thế mà theo thời gian những cây cột ngày càng trở nên bóng đẹp và cổ kính hơn.

 

 

Chánh điện chùa thâm nghiêm bài trí nhiều tượng, đồ vật nhuốm màu thời gian, bộ tượng Tam Thế Phật (Phật Thích Ca tượng bằng đồng nguyên khối và hai tượng Phật Di Đà, Di Lặc bằng gỗ quý) uy nghiêm mang tính nghệ thuật cao; Bộ Thập Bát La Hán 16 tượng cao 0,5m bằng gỗ quý không chỉ là  những tác phẩm độc đáo về nghệ thuật mà còn mang nét dung dị đời thường với các tâm trạng và dáng điệu khác nhau. Nụ cười, ánh mắt của mỗi pho tượng đều hàm chứa lý thuyết về cõi nhân sinh, cuộc sống và sự vĩnh hằng.

Và 2.000 bản gỗ in kinh di đà

Rảo bước về phía Bắc chánh điện, du khách sẽ ngỡ ngàng trước khu vườn tháp cổ với 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc của nhiều thời khác nhau. Đây là nơi an trí nhục thân của các vị trụ trì và chư tôn túc trong chùa. Sau chùa, còn có tháp Bạch Hổ với tích cũ kể về tài phục hổ của thiền sư trụ trì Liễu Triệt và sự giác ngộ tu hành của hổ trắng.

Tại chùa còn có quả chuông đường kính 70cm, nặng 500kg, đúc từ năm 1893. Ngoài ra, chùa còn có đôi câu đối do chính chúa Nguyễn Phúc Chu viết ban vào năm 1691 và ba tạng kinh giấy khổ rộng, chữ to bằng ngón tay út. Đây là bộ kinh hết sức lâu đời, có lẽ được Thiền sư Nguyên Thiều thỉnh từ Trung Hoa sang lúc phụng mệnh chúa Nguyễn về nước vào cuối thế kỷ XVII… Đó thực sự là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Chùa còn lưu giữ 2.000 bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú, bộ Đại Tạng kinh Cao Ly…

Lãng Du (TNO)

Bình luận (0)