Khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” không thể trở thành sự thật nếu học sinh bậc tiểu học vẫn phải chịu áp lực từ cách thức giáo dục nặng bệnh thành tích, nhồi nhét kiến thức và sự áp đặt, kỳ vọng quá mức của người lớn.
Học toán như con vẹt
Nhiều phụ huynh có con học lớp 2 một trường tiểu học ở một quận nội thành TPHCM bức xúc phản ánh với đường dây nóng của Báo SGGP về việc con họ đang bị “ép” học toán theo kiểu học vẹt. Theo họ, đầu óc của các cháu còn non nớt, mới tập tành làm quen với các phép tính cộng trừ đơn giản nhưng giáo viên yêu cầu phải ôn luyện, học thuộc lòng các bài tập như: 6+5 = 11, 7+6 = 13, 9+3 = 12… Cuối tuần cô giáo nhắn qua sổ liên lạc cho phụ huynh với nội dung: “Lớp 2/5. Học sinh ôn bảng cộng 6, 7, 8, 9 để giáo viên kiểm tra vào thứ hai. Em nào không thuộc bài sẽ bị chép phạt. Học sinh chuẩn bị Toán “36 15”; đạo đức bài “Chăm làm việc nhà”, nhạc, Anh văn…”.
Học sinh tiểu học cần được vận động, vui chơi nhiều hơn.
Không chỉ thế, nhiều phụ huynh còn lo lắng cách “đổi mới” dạy học môn toán. Chị Vân kể: “Mặc dù hai ngày cuối tuần tôi đã giúp cháu học thuộc những bài toán cô yêu cầu và chuẩn bị bài học cho ngày thứ hai, nhưng đến giờ đi học cháu vẫn mếu máo nói rằng con chưa thuộc hết bài tập toán. Con sợ cô bắt chép phạt…”. Một phụ huynh khác thì vò đầu bứt tai: “Tại sao lại bắt học sinh mới 6 – 7 tuổi phải học thuộc kết quả những bài toán cộng như học thuộc bảng cửu chương vậy? Từ trước đến nay, học sinh lớp 1, 2 đều học đếm bằng ngón tay hoặc được phép mang theo que nhựa hay tre để tính toán. Cách học truyền thống này mang lại kết quả tính toán chính xác và học sinh nhỏ tuổi cảm thấy nhẹ nhàng, yêu thích học môn toán hơn. Còn bây giờ đổi mới kiểu gì mà con tôi cảm thấy khổ sở, thậm chí bấn loạn khi phải học thuộc làu bảng cộng có sẵn chứ không được tính nhẩm?”. Hơn nữa, cô còn lời nhắn mang tính đe dọa “em nào không thuộc bài sẽ bị xử phạt”, có phải là phương pháp giáo dục tiên tiến hiện đại mà chúng ta đang hướng đến? Mặc dù ngành GD-ĐT đã có quy định rõ ràng là không cho bài tập về nhà đối với học sinh bậc tiểu học – học hai buổi/ngày, nhưng nhiều giáo viên vẫn phá rào, tạo áp lực cho học sinh khi cho khối lượng bài tập về nhà khá nhiều.
Để trẻ phát triển tự nhiên
Tương tự, chị Hiền Thái có con học ở trường tiểu học ở quận 1 cũng than thở: “Chương trình tiếng Việt ở lớp 1 không chỉ nặng mà có nhiều nội dung, bài tập khó hiểu, đánh đố không chỉ đối với con trẻ mà cả phụ huynh. Cụ thể như bài tập cho về nhà ôn luyện làm quen với các dấu sắc, nặng, hỏi, ngã đến người lớn cũng bí nói chi đến đứa trẻ 6 tuổi. Ví dụ như yêu cầu nhìn vào hình vẽ cành hoa mai, học sinh phải đoán dấu hỏi hay nặng? Thế là cả nhà tôi từ cha mẹ, ông bà cùng vào cuộc phụ bé làm bài tập và sau khi nặn óc mới đoán ra dấu nặng ở chữ “nụ” hoa (!?)”. Anh Thành Mỹ – cử nhân, có con học lớp 3 ở một trường tiểu học ở quận Thủ Đức bộc bạch rằng không thể không cho con đi học thêm vì cô giáo thường cho nhiều bài tập về nhà, trong đó có nhiều bài toán đố rất khó khiến cả cha lẫn con đều bó tay. Theo một cựu hiệu trưởng trường tiểu học ở quận 3, có rất nhiều nội dung, kiến thức trong chương trình sách giáo khoa bậc tiểu học không phù hợp với độ tuổi của các em, trong đó có một số lỗi, sai sót nhưng kiến nghị với Bộ GD-ĐT nhiều lần mà khi tái bản vẫn như cũ.
Khảo sát thực tế học sinh ở cấp tiểu học, chúng tôi nhận thấy tùy thuộc vào quan điểm, nhận thức của ban giám hiệu và ý thức của từng giáo viên, học sinh sẽ chịu áp lực nhiều hay ít. Có nhiều trường tiểu học – học hai buổi/ngày, học sinh học rất nhẹ nhàng, tất cả bài tập đều được giải quyết tại lớp vào buổi chiều, các em ra về với tâm thế thoải mái. Thậm chí giáo viên còn yêu cầu phụ huynh không nên bắt ép học sinh làm bài tập, học thêm hoặc luyện chữ quá nhiều. Ông Phan Văn Đồng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 10, cho biết: “Ngành GD-ĐT quận 10 yêu cầu các trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày, không cho bài tập về nhà để học sinh không bị căng thẳng. Có trường còn đóng tủ sách, không cho phép học sinh mang sách về nhà như Trường Tiểu học Võ Trường Toản…”. Tuy vậy, trên địa bàn TPHCM, vẫn còn không ít trường tiểu học và nhiều giáo viên chạy theo bệnh thành tích, cho bài tập về nhà quá nhiều khiến học sinh ở lứa tuổi ham chơi, cần vận động nhiều chỉ biết chúi mũi vào việc học và không còn thời gian để vui chơi giải trí sau một ngày dài đi học ở trường.
KHÁNH BÌNH
(SGGP)
Bình luận (0)