Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Vẫn chưa vội bỏ 3 chung

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nhờ thi “3 chung” nên có sự nghiêm túc, đánh giá đúng trình độ thí sinh, vì vậy, khi các trường đại học chưa làm tốt việc ra đề, tổ chức thi thì chưa nên bỏ. Đây là luồng ý kiến để bảo lưu việc giữ thi “3 chung”.

Theo Phó giáo sư Lương Minh Cừ, Hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Tài chính – Marketing, việc giao cho các trường tổ chức thi riêng rất có thể xảy ra tiêu cực về chấm bài và duyệt bài. Hơn nữa, rất khó khăn trong việc xét nguyện vọng 2, bởi mức độ khó dễ trong đề thi của các trường khác nhau.
 Tiếp tục duy trì?
“Về góc độ cá nhân, tôi ủng hộ việc bỏ kỳ thi ĐH để giảm áp lực cho xã hội. Tuy nhiên, ở thời điểm này nếu muốn đảm bảo chất lượng vẫn cần tổ chức thi ĐH. Theo tôi, tốt nhất là duy trì kỳ thi này thêm 2 – 3 năm nữa”, ông Cừ nói. Đồng quan điểm với ông Cừ, hiệu trưởng một trường ĐH dân lập lớn khu vực miền Trung, bộc bạch: “Là người đã từng giảng dạy, quản lý và làm công tác tuyển sinh nên tôi hiểu rất rõ chất lượng đầu vào cũng như đầu ra ở các trường dân lập. Trước kia, khi chưa có “3 chung”, các trường tự ra đề, tự chấm, tự công bố,… nên điểm trúng tuyển rất cao, nhưng thực chất thì kiến thức của học sinh lại kém. Khi SV đã nhập học thì trường giữ chân SV bằng mọi cách để không cho các em bỏ học nửa chừng. Do đó, "3 chung" là một sáng kiến hay của Bộ GD-ĐT và cần được sử dụng ít nhất 4 – 5 năm nữa”.
Nhiều trường vẫn chưa thể tự ra đề thi ĐH riêng. Trong ảnh: Giờ học tại trường ĐH Phương Đông, Hà Nội. Ảnh: Kim Anh

Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng, cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, thi “3 chung” vẫn còn phù hợp và việc Bộ GD – ĐT đưa ra điểm sàn là cần thiết. Vấn đề là Bộ nên quan tâm đến điểm sàn ở mức độ nào để đỡ khó khăn hơn cho các trường ngoài công lập khi tuyển sinh. “Điểm sàn là cách để Bộ quản lý chất lượng đầu vào, đảm bảo quyền lợi người học cũng như không gây hậu quả xấu cho xã hội. Các trường ĐH ngoài công lập cho rằng đầu vào không quan trọng, quan trọng là đầu ra. Vì họ cho rằng, khi có cơ sở vật chất, có chương trình tiên tiến, phương pháp đào tạo hiện đại thì đầu ra sẽ ổn. Nhưng, thực tế không phải như vậy. Vì các trường không thể đào tạo thí sinh chỉ đạt có mấy điểm mà ra được một sản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội.
 Bỏ là hợp lý, nhưng cần lộ trình
Trên cơ sở việc chưa thể bỏ hẳn “3 chung”, đại diện nhiều trường ĐH, CĐ đề xuất Bộ GD-ĐT nên tiến hành chuyển từ “3 chung” sang “2 chung”, rồi tiến tới xóa bỏ hẳn phương án thi tuyển này khi giáo dục bậc THPT có sự phát triển ổn định. giáo sư, tiến sĩ Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho rằng: “Việc bỏ “3 chung” là hợp lý nhưng phải có lộ trình. Trước mắt nên chuyển thành “2 chung”. Đó là “chung đề, chung đợt”, còn về điểm thì tùy theo trường mà Bộ GD – ĐT có những quy định mức điểm chuẩn cụ thể.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, đồng tình với quan điểm này. Theo ông Khuyến, cơ chế cả nước lấy chung một điểm sàn là không ổn, không phù hợp với quan điểm phân tầng ĐH hiện nay. Bộ GD-ĐT nên để các trường căn cứ vào thương hiệu mà tự quyết định điểm sàn. Những trường top đầu sẽ có điểm sàn cao, còn các trường mới thành lập thì tùy theo kết quả thi có thể lấy điểm sàn thấp hơn. Tất nhiên, các trường đều phải công khai điểm sàn để tự chấp nhận thương hiệu của mình.
Nói về việc Bộ GD – ĐT quyết định điểm sàn, một chuyên gia trong ngành giáo dục cho hay, kỳ thi ĐH, CĐ không phải là kì thi tiêu chuẩn. Bởi nếu là tiêu chuẩn, phổ điểm phải phân bố đều và thường đỉnh của phổ điểm sẽ rơi vào 15 điểm (3 môn) sau đó hạ thấp ở hai phía để các trường dễ tuyển sinh. Thế nhưng, điểm thi ĐH năm này cao, năm sau thấp vì phụ thuộc vào đề thi dễ hay khó.  “Nếu thi tiêu chuẩn,  Bộ GD – ĐT có quyền  đặt vấn đề điểm sàn, còn chừng nào, những người soạn thảo đề thi của Bộ GD-ĐT chưa làm ra được đề thi tiêu chuẩn thì đừng nên ấn định điểm sàn”, vị chuyên gia nhận định.
Thế nên, theo ông Phan Trọng Phức, Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam, trong khi Bộ GD – ĐT cần có lộ trình chuẩn bị thực hiện phương án thi khác, thì ngay bây giờ, Bộ phải biên soạn đề thi “3 chung”  tốt hơn. “Việc tổ chức thi “3 chung” đã 10 năm, mà tại sao 3 môn thi chỉ có điểm sàn 13? Vì cấu trúc đề thi có vấn đề. Bộ nên cấu trúc đề thi theo đánh giá phân tầng vấn đề, trong đó 50% đề thi cơ bản, 20% đề thi khá, 30% đề thi giỏi để các trường có nhiều nguồn tuyển sinh”, ông Phức nhận xét.

“Các nước trên thế giới đều có các kỳ thi Xuân, Hạ, Thu, Đông, vậy tại sao Việt Nam chỉ có 1 kỳ thi? Sẽ không công bằng và rất lãng phí khi các em trượt ĐH, CĐ phải chờ 1 năm nữa. Nên tổ chức ít nhất 2 kỳ thi ĐH trong năm”,  Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Minh Cừ, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing.

Theo B.Lâm-T.Dương
(datviet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)