Y tế - Văn hóaThư giãn

Văn chương chỉ lên ngôi khi người đọc cảm nhận

Tạp Chí Giáo Dục

Làng văn trong nước thời gian qua ghi nhận một hiện tượng lạ, những tác phẩm thành công về doanh thu lại là những tác phẩm của các cây bút mới, thậm chí của những người coi nghiệp sáng tác chỉ là thú vui nhất thời.
Xếp hàng xin nhà thơ chữ ký tại buổi ra mắt tập thơ Từ yêu đến thương. Ảnh: V.H.
Thơ cũng ăn khách
“Nếu cuộc đời này suôn sẻ nước mắt còn biết dành cho ai?” câu thơ trữ tình này là một trong những câu thơ bày tỏ tình cảm được nhiều bạn trẻ sử dụng trong dịp Ngày tình nhân (14-2) vừa qua. Đó cũng chính là câu thơ được ghi trên bìa tập thơ Từ yêu đến thương của nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt, tập thơ này cũng vừa đạt thành tích đặc biệt về xuất bản khi bán được đến hơn 20.000 bản. Trước đó, tập thơ đầu tay Đi qua thương nhớ của Việt cũng đạt mức bán ra đến trên 30.000 bản.
Tại sao giữa một thời in thơ bị cho là chỉ “để tặng” mà một nhà thơ trẻ lại bán được đến hàng chục ngàn bản thơ. Cần chú ý rằng cùng thời điểm, tập thơ của một nhà văn nổi tiếng chỉ có số bán ra chưa đến 1/10.
Sự thành công của ở cả hai tập thơ của Việt đều có một điểm chung đó là phương thức tiếp cận bạn đọc. Đầu tiên là việc lựa chọn đối tượng rất cụ thể, tập trung vào bạn đọc trẻ, lời thơ trau chuốt, vừa đủ tính triết lý về cuộc sống, tình yêu nhưng không quá nặng nề, đòi hỏi người đọc phải suy nghĩ nhiều. Đặc điểm thứ hai là cách đưa thơ đến với bạn đọc, ở nhiều nhà thơ khác, việc quảng bá giới thiệu tập thơ mới xuất bản cực kỳ khó khăn và tốn kém trong khi hiệu quả thực tế lại không được như mong muốn. Ở Việt, tình hình ngược lại khi Việt cho biết, đến 60% tác phẩm trước khi in thành sách đều đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội của tác giả. Các bài thơ được truyền bá, cảm nhận thậm chí bạn đọc còn trao đổi, thảo luận với tác giả về những tứ, ý của tác phẩm. Đến khi thơ được in thành sách thì việc mua sách không chỉ là để đọc tác phẩm mà là để cảm thụ thông bằng một phương thức khác một tác phẩm mà người đọc đã cảm nhận trước đó.
Thành công của “cận văn học”
Có thể nói, chưa bao giờ thị trường sách văn chương trong nước lại xuất hiện dày đặc đến như thế với những tác phẩm được xếp vào thể loại “cận văn học” (những tác phẩm mang nặng chức năng nhận thức, giải trí, giáo dục, dự báo… khác với những tác phẩm văn chương mang nhiều giá trị thẩm mỹ).
Từ câu chuyện đời của cô gái trót sa chân vào con đường mãi dâm, nghiện ngập, rồi chuyện kể về đời sống sau ánh hào quang của những người mẫu ngôi sao. Gần đây là dòng sách “hành trình” của những cây bút nghiệp dư ghi lại những gì tai nghe mắt thấy trên đường du lịch, công tác, lãng du…
Nếu nhìn từ bên ngoài thì có thể xem các tác phẩm này thành công do nhu cầu bạn đọc thích đọc những tác phẩm dạng “người thật, việc thật”. Thực tế, điều này chỉ đúng một phần, sự cố Huyền Chíp với các tác phẩm dạng hành trình mà như tác giả tự nhận là “đã cường điệu hóa nhiều chi tiết” cho thấy tính chân thật của những tác phẩm dạng này hầu như không có sự kiểm soát, chỉ trông chờ vào lương tâm của người viết và trách nhiệm của người làm xuất bản.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản đã đánh giá rằng trên thực tế sự thành công của dòng sáng tác này có một phần không nhỏ ở đơn vị xuất bản. Như trường hợp sự thành công của cuốn Hồi ký Tâm Sida có công sức không nhỏ từ sự chuyên nghiệp trong quảng bá tác phẩm của Trí Việt (First News), đơn vị thực hiện và phát hành tác phẩm. Hay vụ Huyền Chíp, đơn vị thực hiện quảng bá đã lợi dụng luôn cả những tranh luận, tranh cãi xung quanh tác phẩm để giúp cho tác phẩm đạt doanh thu cao.
Những câu chuyện trên đây cho thấy một thực tế, người dân vẫn đọc sách, đọc thơ. Ấy thế nhưng những lời ca thán về việc sách làm ra không ai mua, thơ viết ra không ai đọc vẫn vang lên hàng ngày.
Không thể nói chúng ta không có những tác phẩm thơ như thơ của Phong Việt, thậm chí là hay hơn. Không thể bảo rằng văn chương trong nước thiếu các tác phẩm có giá trị cao ngoài những bút ký, hồi ký. Thế nhưng, những tác phẩm đoạt giải thưởng, được đánh giá cao, được tôn vinh… lại chỉ thoáng hiện qua vài trang báo, qua vài mục điểm sách trên truyền hình rồi lặng lẽ chìm trong hàng trăm, hàng ngàn cuốn sách khác.
Dĩ nhiên, chọn đọc là một việc, tác phẩm liệu có thể tồn tại trong lòng bạn đọc hay không lại là một việc khác. Nhưng ít nhất, một tác phẩm hay thì điều đầu tiên vẫn phải là được biết đến, được đọc và cảm nhận. Một tác phẩm hay không được ai biết đến thì không chỉ là nỗi đau của tác giả, mất mát cho bạn đọc mà còn là sự tổn thất cho nền sáng tác khi làm thui chột đi những tài năng.
theo SGGP

 

Bình luận (0)