Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Văn chương chữa lành giữa thời đại hối hả

Tạp Chí Giáo Dục

Sau đại dịch, “chữa lành” là một trong những từ khóa được nhiều người quan tâm tìm kiếm. Nó cũng đi sâu vào các hình thức nghệ thuật, mà một trong số đó là văn chương với “tiểu thuyết chữa lành”, hiện đã có chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam.

Cơn sốt đến từ châu Á

“Tiểu thuyết chữa lành” là khái niệm để chỉ những tác phẩm nhẹ nhàng, gần gũi, mang đến cảm giác thanh thản sau khi đọc sách. Những tác phẩm này thường không nặng nề trong nghệ thuật viết, mà thay vào đó là sự dễ gần, dễ cảm, lối sử dụng từ ngữ cũng như cốt truyện giản đơn, thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Bối cảnh của nó thường là những nơi công cộng như cửa hàng tiện lợi, tiệm bách hóa, thư viện… 

Một số tác phẩm văn học chữa lành đã được chuyển ngữ, phát hành ở Việt Nam - ẢNH: N.M.

Một số tác phẩm văn học chữa lành đã được chuyển ngữ, phát hành ở Việt Nam 

Ở Hàn Quốc, năm vừa rồi có 2 tác phẩm nhận được sự ủng hộ lớn từ độc giả, là Cửa hàng tiện lợi bất tiện (Kim Ho-Yeon) và Bách hóa giấc mơ của ngài Dollargut (Lee Mi-Ye). Đặc trưng của 2 tác phẩm là có nhiều tuyến nhân vật, mà mỗi nhân vật là một chương sách, giúp độc giả có thể đọc từ bất kỳ đâu mà không cần quá câu nệ diễn tiến từ đầu đến cuối. Chính sự gần gũi cũng như tiện lợi trong thời đại số mà các tiểu thuyết này có sức hút lớn. Theo các số liệu đã được công bố tại Hàn Quốc, tác phẩm Bách hóa giấc mơ của ngài Dollargut nhanh chóng bán hơn 200.000 bản chỉ trong 3 tuần đầu xuất bản. Cửa hàng tiện lợi bất tiện trở thành “Cuốn sách của năm” do Thư viện quốc gia Hàn Quốc đề cử, với lượng sách bán ra là hơn 700.000 bản. 

Nhật Bản cũng là quốc gia có nhiều tác phẩm mang đến nội dung chữa lành. Những tác phẩm ấn tượng có thể kể là Ngôi nhà trông về phía biển và chuyện ngày sau của Mizuki Harada đã bán được hơn 180.000 bản tại quốc gia này. Những tác phẩm cũng ăn khách khác và được tái bản một cách liên tục là Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya (Keigo Higashino), Mũi Hoài Vọng (Akio Morisawa)…

Khác với đặc trưng của Hàn Quốc, “tiểu thuyết chữa lành” của Nhật Bản thường không phân chia thành các chương lẻ, mà thiên về đặc tính thiền, nhẹ nhàng, gắn liền với thiên nhiên hơn. Để thông qua đó, các vấn đề nổi cộm của ngày hiện tại như quiet quitting (nghỉ việc trong im lặng), bỏ phố về vườn, sống thuận tự thiên… cũng được thể hiện một cách sát sao.

Đời sống sôi động tại Việt Nam 

Có lẽ mang nhiều tương đồng về văn hóa, nên các tiểu thuyết kể trên đã nhanh chóng được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam. Đại diện Gieobooks – chuyển ngữ tiểu thuyết Cửa hàng tiện lợi bất tiện – cho biết: “Khi được đại lý bản quyền giới thiệu cho tác phẩm này, chúng tôi đã quyết định mua ngay, vì đánh giá đây là cuốn sách hay, phù hợp với độc giả Việt Nam, đặc biệt là thời hậu COVID-19. Tiểu thuyết chữa lành đang được đánh giá là một hiện tượng ở Hàn Quốc, khi rất nhiều cuốn sách ra mắt ở đất nước vào thời điểm này có chung một đề tài, cách vẽ bìa, và được độc giả trẻ đón nhận nồng nhiệt…”.

Ảnh: internet

Ảnh: internet

Công ty sách Huy Hoàng – đơn vị khai thác rất nhiều “tiểu thuyết chữa lành” từ Nhật Bản – cũng chia sẻ: “Nhật Bản là một đất nước phát triển văn minh hàng đầu châu Á, thế hệ trẻ của họ cũng chịu nhiều áp lực lớn về công việc, định kiến xã hội… Cùng ảnh hưởng bởi nền văn minh phương Đông, nên Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng văn hóa. Vì vậy, chúng tôi chọn đưa tới độc giả Việt Nam những câu chuyện chữa lành của Nhật Bản, hy vọng mang đến sự gần gũi trong cách tiếp cận với vấn đề sức khỏe tinh thần. Chúng tôi cũng tin rằng, bên cạnh việc tìm hiểu vấn đề này một cách khoa học, các độc giả mọi lứa tuổi đều có thể chữa lành bằng những câu chuyện ấm áp giản đơn”.

Tuy mới chỉ là bước đầu, nhưng phản ứng của độc giả trong nước cũng rất khả quan. Gieobooks cho biết đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ tác phẩm trên. Thừa thắng xông lên, đơn vị này cũng vừa mua bản quyền thành công phần tiếp theo của Cửa hàng tiện lợi bất tiện, và đang trong quá trình sản xuất, hy vọng sẽ kịp giới thiệu vào mùa xuân 2023.

Đại diện Công ty sách Huy Hoàng cho biết thêm: “Mô típ từng truyện có phần khác nhau, nên tuy cùng là tiểu thuyết chữa lành, nhưng mỗi tác phẩm đều có nét riêng, không gây nhàm chán. Nhiều độc giả cũng phản hồi, (đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, giãn cách), rằng sau khi đọc xong các sách chữa lành, họ như được an ủi, vỗ về và thế là thêm một ngày nữa để họ cố gắng”. Ngoài 2 thị trường lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều tác phẩm đến từ phương Tây cũng được độc giả quan tâm chú ý. Khi mới ra mắt vào năm 2021, Thư viện nửa đêm của nhà văn Matt Haig đã được đón chờ tại Việt Nam, và nhanh chóng tái bản nhiều lần.

Tuy thế, dòng văn chương này cũng đang đối mặt với các góc nhìn coi đây là dòng sách phụ, không có quá nhiều giá trị văn chương. Và khi đại dịch qua đi, cuộc sống trở lại bình thường, thì liệu nó còn chỗ đứng? Minh chứng là ngoài Thư viện nửa đêm, những tác phẩm sau đó của Matt Haig tuy vẫn chứa đựng nhiều sự chữa lành như Là an ủi, Làm sao dừng lại thời gian… lại không được chú ý. Ngoài tính thời điểm thì dòng sách này cũng phải cạnh tranh với các thể loại có nội dung tương đương nhưng trực quan hơn, như sách kỹ năng, phong cách sống, artbooks… Những loại sách sau đã xuất hiện nhiều và cũng khá lâu ở Việt Nam, do đó ít nhiều gây được hiệu ứng nhất định.

Có thể thấy, với sự tương đồng về văn hóa, bối cảnh, xã hội… “tiểu thuyết chữa lành” đến từ châu Á vẫn được đông đảo bạn đọc quan tâm, ủng hộ. Tuy không phải là dòng văn chương thường được tôn vinh, nhưng với cuộc sống hối hả của thời đại 4.0, đây là “không gian” mà ai cũng muốn tìm đến sau một ngày dài. Từ đó cho thấy được phản ứng nhanh nhạy của các công ty, nhà xuất bản tại Việt Nam đối với thị hiếu đọc sách của độc giả trẻ. 

Theo Ngô Minh/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)