Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Văn chương LGBTQ+ ở Việt Nam: Bắt đầu từng bước nhỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Tháng 6 là Tháng tự hào của cộng đồng LGBTQ+. Dẫu còn chập chững, nhưng thời gian qua, các nhà xuất bản và công ty sách đã rất nỗ lực để tiếp cận với dòng văn chương này.

Từng bước tiếp cận độc giả

Văn chương LGBTQ+ ở Việt Nam dường như còn khá xa lạ với độc giả đại chúng. Nếu trên thế giới, đây là dòng văn chương có thể gần sánh ngang với dòng chính, thì ở nước ta, quá trình tiếp cận chỉ mới bắt đầu từ những bước nhỏ. Chiếm đa số hiện nay vẫn là văn học dịch. Những năm trước, đa phần các tựa sách dịch đều là những tựa “kinh điển”, được chú ý thông qua thành công của các bộ phim chuyển thể. Có thể kể đến một số đại diện như Chuyện tình núi Brokeback của Annie Proulx (cảm hứng làm nên Brokeback Mountain của đạo diễn Lý An), Cô gái Đan Mạch (David Ebershoff), Gọi em bằng tên anh – Trở lại tìm anh của André Aciman hay Tận đáy cảm xúc (Patricia Highsmith)…

Một hướng tiếp cận khác cũng được khai thác là chọn lựa những tác phẩm đã có danh tiếng, hoặc những tác phẩm được xem là “kinh điển” mỗi khi nhắc tới văn chương LGBTQ+. Trong sự chọn lựa đó, những tựa sách Một con người (Christopher Isherwood), Căn phòng của Giovanni (James Baldwin), Thăm lại Brideshead (Evelyn Waugh)… đã được giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam. Trong sáu tháng đầu năm 2022, một loạt tựa sách mới thuộc dòng văn học này đã được ra mắt.

Nhận thức rõ ràng hơn 

Công ty sách Huy Hoàng gần đây đã giới thiệu đến độc giả Việt Nam ba tác phẩm văn chương LGBTQ+ mới, bao gồm: Shuggie Bain (Douglas Stuart), Nửa kia biệt tích (Brit Bennett) và Điều thuộc về em (Garth Genwell). Điều đó cho thấy giờ đây các công ty sách đã quan tâm hơn tới cộng đồng thiểu số, như một lời cổ vũ và khuyến khích thêm cho các nỗ lực của họ. Đây là các tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng và đã nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên có thể thấy, việc xuất bản ba tựa sách này không chỉ là “ăn theo” mà còn thể hiện được sự đồng cảm đối với một cộng đồng ít nhiều còn chịu những thiệt thòi trong xã hội.

Ba tác phẩm thuộc dòng văn chương LGBTQ+ đang thu hút sự chú ý của độc giả gần đây

Ba tác phẩm thuộc dòng văn chương LGBTQ+ đang thu hút sự chú ý của độc giả gần đây

Ngoài ra, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của nhà thơ gốc Việt – Ocean Vương – mới đây cũng đã gây sốt. Trong lần đầu chuyển ngữ, sách đã được tái bản chỉ sau một tháng ra mắt, đó là một kết quả rất đáng nể với giới xuất bản trong nước. Những tiểu thuyết khác như Ngôi nhà bên bờ biển xanh thẳm (TJ Klune), Logic khó lý giải của đời tôi (Benjamin Alire Saenz)… cũng được độc giả háo hức chờ đón.

Đại diện Công ty sách Huy Hoàng chia sẻ: “Văn chương LGBTQ+ là tiếng nói trân quý và đầy yêu thương dành cho mỗi thành viên thuộc cộng đồng này. Nhưng nó không chỉ dành riêng cho cộng đồng LGBTQ+, mà dòng văn chương này mở ra cánh cửa hướng tới vùng đất rực rỡ sắc màu. Từ đó, độc giả có được cái nhìn ngày càng sâu sắc hơn về cuộc sống chung, giúp họ thêm thấu hiểu, cũng như tìm được tiếng nói nhân văn. Không chỉ thế, nó còn làm phong phú thêm dòng sách văn học hiện có ở Việt Nam. Sự phát triển của dòng sách này là sự công nhận và trân trọng xứng đáng dành cho cộng đồng LGBTQ+, sau nhiều nỗ lực khẳng định mình của họ”.

Còn nhiều hạn chế 

Việc độ tuổi độc giả ngày càng trẻ hóa, cùng với tư tưởng ngày càng rộng mở, xu hướng đón nhận đa dạng khác biệt, dòng sách LGBTQ+ đã có rất nhiều cơ hội phát triển trong thời gian qua. Điển hình nhất là sự thành công của Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (Ocean Vương), Olivia (Dorothy Strachey) hay Trường ca Achilles (Madeline Miller) liên tục được tái bản.

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được tái bản chỉ sau một tháng ra mắt

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được tái bản chỉ sau một tháng ra mắt

Jack Frogg – dịch giả của Trường ca Achilles – cho rằng: “Dòng sách LGBTQ+ hiện nay đang bung nở và sẽ còn phát triển rộng rãi. Có thể khẳng định đây là một thể loại đầy tiềm năng. Mỗi tác phẩm thuộc thể loại này đều sẽ mang tới cho độc giả những suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm mới mẻ. Người đọc như được đổi món sau khi đã tiếp xúc quá lâu với các tác phẩm lãng mạn đang dần rập khuôn theo lối mòn”.

Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều vấn đề cần phải xem xét về dòng văn chương này. Đầu tiên là thái độ cực đoan, hoặc thiếu xem trọng bối cảnh đa dạng. Điều này xảy ra khi các tác phẩm quá tập trung vào một góc riêng của cộng đồng, mà không có cái nhìn thấu suốt cho những đối tượng còn lại. 

LGBTQ+ là các chữ viết tắt của lesbian (đồng tính luyến ái nữ), gay (đồng tính luyến ái nam), bisexual (song tính luyến ái), transgender (chuyển giới) và queer (có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt) hoặc questioning (đang trong giai đoạn tìm hiểu giới tính bản thân). Dấu cộng đại diện cho sự tồn tại đa dạng của các nhóm khác trong cộng đồng.

“Cái khó lớn mà các công ty sách gặp phải khi đến với dòng văn học này không phải là thứ rào cản về định kiến, mà là thử thách “đãi cát tìm vàng”, để chọn ra được những bản thảo chất lượng và thích hợp với độc giả Việt Nam”, đại diện Công ty sách Huy Hoàng chia sẻ. Đây là thực tế cực kỳ nhạy cảm và không dễ giải quyết chỉ một sớm một chiều. 

Có thể thấy, tuy mới chỉ là những bước chập chững, nhưng văn chương LGBTQ+ đã cất lên tiếng nói cho cộng đồng này. Tuy vẫn tồn tại rất nhiều thách thức, nhưng đây là bước đi cần thiết và hợp lý trong sự phát triển chung của xã hội hiện nay. 

Theo Thuận Phát/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)