Sáng 11-10, Hội Nhà văn TP.HCM đã khai mạc Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5 năm 2024 với chủ đề “Đồng hành khát vọng phương Nam”.
Đây là hội nghị dành riêng cho các tác giả trẻ được tổ chức 5 năm/lần nhằm khẳng định sự hình thành đội ngũ sáng tác văn chương sinh ra và lớn lên sau cột mốc thống nhất non sông 30-4-1975.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn – Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM cho biết, tính từ Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần thứ 4 (2017) đến nay văn chương phương Nam đã có thêm 7 năm để thu hút thêm những bạn trẻ đồng điệu đến với văn chương. Nếu năm 2017 số lượng hội viên dưới 50 tuổi chỉ chiếm 6% tổng số hội viên Hội Nhà văn TP.HCM thì hiện tại số lượng hội viên dưới 50 tuổi đã chiếm hơn 18%.
“Hiện tại, chúng tôi đang có 8 hồ sơ ứng viên ở độ tuổi 30 sẽ xét kết nạp hội viên vào cuối năm 2024, góp phần nâng số lượng hội viên dưới 50 tuổi lên tỉ lệ 20% tổng số hội viên Hội Nhà văn TP.HCM”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết.
Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, văn chương trẻ TP.HCM đang hình thành những tác giả mang phẩm chất công dân toàn cầu. Họ thông thạo ngoại ngữ và có thể sáng tác bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Chắc chắn, những tác giả – công dân toàn cầu này hoàn toàn có khả năng tự tin hội nhập văn chương quốc tế. Những tác phẩm do chính họ viết bằng những ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, không cầu cạnh vào sự may rủi đồng cảm với dịch giả, có thể giữ nguyên tư tưởng và thẩm mỹ của họ khi tiếp xúc độc giả các quốc gia khác.
“Văn chương không phải trò chơi nhất thời. Văn chương đòi hỏi ý thức dấn thân tận tụy suốt đời. Chúng ta cần “chân cứng đá mềm”, để người nọ tiếp nối người kia trên hành trình kiến tạo vẻ đẹp đô thị phương Nam hào hiệp nghĩa tình và xây dựng hình tượng con người Việt Nam cao thượng nhân văn”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhắn gửi.
Nhà văn Trịnh Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khẳng định, văn chương không chỉ cần tuổi trẻ, sức trẻ. Văn chương còn đòi hỏi bề dày tri thức vốn trải nghiệm, lòng trắc ẩn, nuôi dưỡng cảm xúc, biết nghĩ đến người khác, biết dấn thân, biết khát khao sáng tạo, khát khao tìm kiếm cái hay cái đẹp.
Tuy nhiên, văn chương cũng như bất cứ một lĩnh vực nào, muốn hướng đến ngày mai thịnh vượng, đều phải biết cách đặt niềm tin, đặt hy vọng vào tuổi trẻ, vào người trẻ, vào thế hệ trẻ. Trong bối cảnh hiện nay, tiêu chí đó càng trở nên cấp thiết.
“Cho nên, những người viết trẻ trẻ không chỉ tiếp tục tình yêu văn chương của cha ông người Việt mà còn phát huy khát vọng của cha ông người Việt”, nhà văn Bích Ngân khẳng định.
Hội nghị diễn ra từ ngày 11 đến 13-11. Trong khuôn khổ hội nghị, Ban Tổ chức sẽ vinh danh những đại biểu chính thức (dưới 40 tuổi) từng được giải thưởng văn chương và trưng bày tác phẩm nổi bật của các tác giả trẻ xuất bản thời gian gần đây.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng ra mắt cuốn sách “Dòng chảy của nước” tuyển chọn tác phẩm của 62 tác giả trẻ, trong đó có nhiều tên tuổi đã thành danh.
Sau đó, các đại biểu có chuyến dâng hương Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và giao lưu các tác giả trẻ đồng bằng sông Cửu Long tại Trường Đại học An Giang.
Hồ Trinh
Bình luận (0)