Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Văn chương và dấu ấn của các cây bút “nhí”

Tạp Chí Giáo Dục

Được xuất bản, quảng bá tác phẩm rộng rãi cũng như được vinh danh và khích lệ ở nhiều giải thưởng văn chương, các cây bút “nhí” ngày càng có nhiều cơ hội khẳng định mình. Một lực lượng tác giả “nhí” đã và đang xuất hiện, đầy triển vọng.

Viết để sẻ chia, truyền cảm hứng

Cây bút “nhí” Quỳnh Trần (sinh năm 2007, tác giả tiểu thuyết Ngài Kẹo, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM) vừa có buổi giao lưu với bạn đọc tại Đường sách Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Buổi trò chuyện không chỉ nói về tác giả, tác phẩm mà còn là câu chuyện truyền cảm hứng đọc sách, niềm yêu thích học văn và sáng tác cho bạn nhỏ cùng trang lứa với Quỳnh Trần. 

Ngài Kẹo là câu chuyện phiêu lưu giả tưởng về thế giới kẹo đầy màu sắc. Bối cảnh truyện là một thị trấn nhỏ, mọi việc bắt đầu khi tiệm bánh kẹo Candy shop – Best N Town xuất hiện. Cuộc chiến đầy thử thách để cứu cả thị trấn khỏi sự diệt vong của bánh kẹo ngọt được Quỳnh Trần kể khá hấp dẫn, đồng thời lồng ghép khéo léo nhiều thông điệp có ý nghĩa. Nội dung và thể loại truyện, văn phong đều phù hợp với trẻ thơ. 

Một số  tác phẩm đậm dấu ấn của các cây bút “nhí” được phát hành thời gian qua

Một số tác phẩm đậm dấu ấn của các cây bút “nhí” được phát hành thời gian qua

Trong thế giới văn chương của các cây bút “nhí”, gây ấn tượng còn có Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008) với bộ truyện kỳ ảo Người sao chổi. Bằng việc kể câu chuyện về những nhân vật siêu anh hùng đi giải cứu Trái đất khỏi thế lực hắc ám, Cao Việt Quỳnh đã tạo nên một thế giới giả tưởng đầy sáng tạo, phiêu lưu và bay bổng. Mới 15 tuổi, cậu bé đã có “gia tài” văn chương với bộ 3 tập truyện Người sao chổi (được trao giải C, giải thưởng Sách hay năm 2022). Khát vọng của cậu còn là tạo ra “một vũ trụ lớn trong trang sách”, với 10 tập truyện, như cậu từng chia sẻ. 

Thể loại kỳ ảo, giả tưởng thường được các cây bút “nhí” lựa chọn. Một thế giới siêu thực trong những trang viết của trẻ thơ cho thấy sự ảnh hưởng từ các tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới. Nhưng ẩn sau những câu chuyện phiêu lưu ấy đều gửi gắm những giấc mơ đẹp, tình yêu thương, lòng nhân hậu và tinh thần dũng cảm; đấu tranh với cái ác, cái xấu; cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Đó cũng là những giá trị ý nghĩa mà các cây bút “nhí” gửi đến bạn đọc cùng thế hệ.

Bên cạnh đó, việc viết lách cũng đi cùng với thói quen và niềm yêu thích đọc sách của các cây bút “nhí”. Anh Trần Anh Khôi (phụ huynh của tác giả nhí Quỳnh Trần) cho biết: “Từ nhỏ Quỳnh đã được rèn luyện và phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Chưa biết đọc nhưng con nghe kể và có thể thuộc lòng vài truyện tranh ngắn. Vào tiểu học, bắt đầu biết đọc thì Quỳnh luôn duy trì việc đọc như một thú vui vì gia đình hạn chế thiết bị điện tử. Dần dần, kỹ năng ngôn ngữ đó được tập trung vào viết lách”.

Với Cao Việt Quỳnh, việc tìm thấy niềm vui trong sáng tác và sớm nhận diện được đam mê, khả năng của bản thân đã giúp em sử dụng thời gian hiệu quả hơn, không đắm chìm vào game online. Trong những buổi giao lưu, trò chuyện với bạn đọc tuổi mình, các cây bút “nhí” luôn có những chia sẻ về việc đọc sách của bản thân. Điều này góp phần ý nghĩa trong việc truyền cảm hứng đọc sách, hình thành thói quen đọc cho bạn đọc cùng trang lứa.

Giải thưởng khích lệ sáng tạo 

Trong những danh mục/thống kê về các tác phẩm văn học thiếu nhi nổi bật/được trao giải thưởng của nhiều năm trước, chủ yếu là tác phẩm của các nhà văn, tác giả trưởng thành. Vài năm trở lại đây, các cây bút “nhí” đã và đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn và khẳng định được dấu ấn riêng. 

Ngoài Quỳnh Trần, Cao Việt Quỳnh còn có Cao Khải An (giải thưởng Khát vọng Dế Mèn 2020 với tác phẩm Chuyện của Bắp ăn mơ  xóm Đồi Rơm), Nguyễn Khang Thịnh (giải thưởng Sách hay 2021, với tác phẩm Nhật ký nhóc Alvin siêu quậy), Nguyễn Hạnh Phương (Biệt đội ngôi sao: Cuộc tìm kiếm sức mạnh vĩ đại, được xác lập kỷ lục “Người viết truyện giả tưởng bằng tiếng Anh và xuất bản thành sách song ngữ Anh – Việt nhỏ tuổi nhất Việt Nam” vào năm 2022), Phạm Hữu Thiên Ân (giải thưởng Sách hay 2022, với tác phẩm Cuốn sách đầu tiên của Ku Hay)… Giải thưởng Dế Mèn thường niên đã phát hiện thêm các cây bút mới: Nguyễn Vũ An Băng, Đoàn Lữ Thụy Phương…

Thế giới trong trang sách của các cây bút “nhí” ngoài viễn tưởng, phiêu lưu còn có những cảm nhận về cuộc sống gần gũi xung quanh, tình cảm gia đình, tình bạn…. Có cả khám phá thiên nhiên, vạn vật và trao gửi tình yêu thương với những thông điệp nhân văn, ấm áp. Các tác phẩm được kể bằng trí tưởng tượng phong phú, bay bổng hay ghi chép về cuộc sống thường nhật một cách chân thật, hài hước đều là sự phản chiếu tâm tư, suy nghĩ và cách nhìn của trẻ thơ về cuộc sống. 

Văn học thiếu nhi ngày càng được quan tâm. Nhiều giải thưởng văn chương thời gian qua đã có hạng mục dành riêng cho các cây bút “nhí”. Giải thưởng Sách thiếu nhi TPHCM lần I dành 4 giải Triển vọng cho các cây bút “nhí” chính là niềm khích lệ lớn cho các em nhỏ tham gia sáng tác. Vẫn chưa thể nói trước về đường dài, nhưng việc được vinh danh tại các giải thưởng, có sách xuất bản và được quảng bá rộng rãi thời gian qua đã cho các cây bút “nhí” nhiều cơ hội tạo dấu ấn, khẳng định mình. 

Theo Lục Diệp/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)