Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Văn chương và kỳ vọng ở những cây bút trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Những cây bút 9X, thuộc thế hệ gen Z hội tụ tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10. “ Vì sao chúng ta viết?” là chủ đề của lần gặp gỡ này, dành cho lực lượng được kỳ vọng sẽ làm chủ văn đàn trong tương lai”.

Nói lên tiếng nói của thời đại mình

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 có chủ đề “Vì sao chúng ta viết?’’ đã cho người trẻ bày tỏ những trăn trở của bản thân về lý do mình chọn viết. Để từ đó nhận diện rõ con đường mình chọn đi, bản lĩnh, dấn thân và kiên định với văn chương.

Các đại biểu trẻ gửi đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hai tuyển tập văn chương Mạch rồng và Mắt lửa

Các đại biểu trẻ gửi đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hai tuyển tập văn chương Mạch rồng và Mắt lửa

Có những người viết trẻ khởi từ sự yêu thích từ nhỏ, nhưng cũng có nhiều người viết sau khi đã trải qua nhiều thăng trầm. Họ đến từ mọi miền đất nước, từ những nền văn hóa khác biệt, nhưng cùng nhau giãi bày tâm tư về nghề chữ nghĩa.

“Vì sao tôi viết? Vì khi tôi thấy chiến tranh buông lời phẫn uất, vì những chuyện buồn làm tôi rơi nước mắt, khi thấy niềm vui muốn lan tỏa nó” – tác giả Nguyễn Thị Kim Sơn (Gia Lai) bộc bạch. Còn cây bút Nguyễn Luân (Lạng Sơn) nhận diện: “Họ viết vì thiên phú, viết vì cần phương tiện để giải tỏa những bi kịch, những chen lấn đang diễn ra trong họ. Họ viết vì con người, vì đồng bào và tiểu vùng văn hóa của họ. Và viết để kết nối, hòa vào cái chung”.

Chủ đề hội nghị là một câu hỏi mà mỗi người trẻ phải tự trả lời và soi chiếu mình. Viết vì bản thân, vì cái tôi, hay vì đồng cảm với những phận người, muốn cất lên một tiếng nói, thể hiện triết lý nhân sinh… Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng (An Giang) nhắc trách nhiệm và sứ mệnh của người cầm bút trẻ: Phải nói lên tiếng nói của thời đại mình.

Trong số 138 đại biểu tham dự hội nghị lần này, không ít tác giả đã có nhiều tác phẩm xuất bản, được trao các giải thưởng văn chương, nhưng cũng có rất nhiều gương mặt mới chưa có sách in. Nhìn vào “gia tài” của người trẻ, có thể thấy một lực lượng nhà văn trẻ đã định danh trên văn đàn: Đinh Phương (giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2021, đã in 6 tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết), Lê Quang Trạng (giải ba Cuộc vận động Văn học tuổi 20 lần VII), Lữ Mai (10 tác phẩm), Vũ Đức Anh (4 tiểu thuyết), Huỳnh Lê Triều Phú (9 tác phẩm nhiều thể loại), Phan Đức Lộc (6 đầu sách)… Nếu cần điểm danh một lực lượng có tiềm năng để đi trên con đường dài, thì có Phát Dương, Nguyễn Hải Yến, Vĩnh Thông, Nguyễn Chí Ngoan, Trần Đức Tín, Diệu Ái, Ny An, Hoàng Thị Trúc Ly, Trần Nguyên Hạnh…

Hai tuyển tập thơ và văn xuôi giới thiệu tác phẩm của đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10

Hai tuyển tập thơ và văn xuôi giới thiệu tác phẩm của đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10

Hai tuyển tập in từ hội nghị Mạch rồng (thơ) và Mắt lửa (văn xuôi) đã cho thấy những phong cách sáng tác đa dạng, khác biệt của những người cầm bút trẻ. Họ đến từ mọi miền văn hóa – với những không gian sáng tác mang đậm dấu ấn văn hóa, bản sắc mỗi vùng miền. Vì thế, diện mạo trẻ từ hội nghị càng được nhìn thấy rõ nét hơn bất kỳ cuộc “điểm danh lực lượng” hay những giải thưởng dành cho người viết trẻ nào. 

Hãy thật bình tĩnh, bền bỉ, nhẫn nại

Mỗi mùa hội nghị những người viết văn trẻ đều gọi tên một lực lượng viết của từng thế hệ. Cũng đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ nhất. Những thế hệ “cây bút trẻ” ngày ấy đã thành danh: Nguyễn Ngọc Tư, Vi Thùy Linh, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Ly Hoàng Ly, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Thị Châu Giang, Phong Điệp, Bùi Anh Tấn… Lực lượng kế cận cũng đã có rất nhiều người tiếp tục cầm bút và ngày càng khẳng định mình trên văn đàn.

Nhưng đối với lực lượng viết trẻ từ hội nghị lần này, những cây bút 9X và gen Z (sinh từ năm 1995 – 2012) đã có nhiều hơn cơ hội cũng như phương tiện so với các thế hệ người viết trẻ trước. Họ có thể chủ động in sách, phát hành, lan tỏa tác phẩm của mình thông qua mạng xã hội, và nhanh chóng tiếp cận công chúng. Nhiều cây bút trẻ trở thành “hiện tượng xuất bản”.

“Người trẻ bây giờ được nhiều ưu đãi của các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên việc tiếp cận thông tin đa phương tiện công nghệ cao đã trở thành phổ biến. Việc hội nhập, xu thế toàn cầu hóa đã làm cho thế giới chỉ trong tầm tay. Nhà văn trẻ càng nhạy hơn về những thay đổi trước thời đại mới, cái nhìn về hiện thực xã hội đương đại của họ cũng khác thế hệ trước” – nhà văn Hoài Hương nhìn nhận.

Tác phẩm của người trẻ có sự phá cách của riêng họ, cũng như thể hiện những góc nhìn về cuộc sống hoàn toàn mới mẻ của 9X và gen Z. 

Trong khuôn khổ Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ 10, đoàn đại biểu có chuyến thực tế đến cảng Chu Lai (Quảng Nam).

Trong khuôn khổ Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ 10, đoàn đại biểu có chuyến thực tế đến cảng Chu Lai (Quảng Nam).

Cây bút trẻ Nguyễn Dương Quỳnh từng nói rằng, những người viết trẻ sống trong thời đại công nghệ, chịu ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ bởi mạng xã hội, nên những gì họ thể hiện trong tác phẩm cũng chính là phản chiếu góc nhìn của người trẻ về thời đại này.

“Tôi nghĩ điều đó có hai mặt tốt và không tốt. Đó là người trẻ có sự bứt phá trong lựa chọn đề tài và phong cách thể hiện. Nhưng đôi khi trong tác phẩm của nhiều người trẻ chỉ thấy sự hoang mang, cô đơn trước thời đại, mà thiếu vắng một bối cảnh văn hóa của vùng đất – điều mà các nhà văn đi trước rất chú trọng” – nhà văn trẻ Ngô Thúy Nga bày tỏ.

Người trẻ tự tin, bản lĩnh làm chủ trang viết và có những suy nghĩ vượt xa hơn những con chữ. Đó là khát vọng giới thiệu mình ra với thế giới, nghĩ về điều to tát hơn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – kỳ vọng lực lượng thế hệ mới này sẽ làm chủ văn đàn trong tương lai. Sau Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, sẽ luôn có người không tiếp tục theo con đường chữ nghĩa, nhưng cũng có rất nhiều người vẫn bền bỉ dấn thân. 

Nhà thơ Hữu Việt – Trưởng ban Văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam – gửi đến những người viết trẻ lời khích lệ: “Các bạn hãy sống và viết như những người mở đường rực rỡ để khám phá vẻ đẹp của con người, thiên nhiên, tình yêu, những điều cao cả, những thân phận bé nhỏ, sự quyến rũ và bí ẩn của tâm hồn, của vũ trụ và cả những điều bình thường nhất mà ta vẫn gặp hằng ngày.

Hãy viết như thể nếu ta không viết ra thì văn học sẽ thiếu vắng điều đó. Hãy làm công việc này thật bình tĩnh, bền bỉ, nhẫn nại và đừng sốt ruột”. Từ hội nghị này, văn đàn có thể chờ đợi và hy vọng một thế hệ viết trẻ mới đầy nội lực, đi được đường dài.

Theo Song Giang/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)